Bất động sản công nghiệp thắng lớn: Doanh nghiệp nào sẽ tiếp tục hưởng lợi?

2019 được xem là năm thuận lợi đối với ngành khu công nghiệp do nhu cầu thuê tăng cao, khiến nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh vượt trội.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp. Theo đó, VDSC đánh giá, 2019 được coi là năm thuận lợi đối với ngành khu công nghiệp, khi nhu cầu thuê tăng cao. Tại phía Bắc, các tỉnh Bắc Ninh và Hải Phòng là điểm sáng thu hút dòng vốn FDI, trong khi trong Nam là Đồng Nai và Bình Dương. Trong 9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của các công ty sở hữu quỹ đất lớn và sẵn sàng cho thuê khá tích cực.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp tăng trưởng và có sự phân hóa giữa các chủ đầu tư KCN. Tăng trưởng cao nhất đến từ các KCN nhỏ trong Nam như TIP, SIP hay D2D. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng không đến từ mảng kinh doanh cốt lõi là cho thuê khu công nghiệp.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, Công ty cổ phần phát triển KCN Tín Nghĩa (mã: TIP) ghi nhận doanh thu đạt 145,6 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 68,8 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính quý III và 9 tháng đầu năm của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã: SIP) cho biết, cũng kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu của SIP đạt 3.107,9 tỷ, tăng 37% so với 9 tháng đầu năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 415,7 tỷ đồng, tăng gần 300% so với mức 143,5 tỷ đồng trong năm 2018.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2019. Ảnh: VDSC

Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (mã: D2D) cũng kết thúc 9 tháng đầu năm với kết quả kinh doanh vượt trội. Trong kỳ, doanh thu của SIP đạt 397,6 tỷ đồng, tăng 237% so với 9 tháng đầu năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 238,4 tỷ đồng, tăng hơn 500% so với mức 46,7 tỷ đồng trong năm 2018.

VDSC cho biết, trong kỳ, KBC và VGC là hai doanh nghiệp đạt tăng trưởng mảng kinh doanh cốt lõi là cho thuê KCN ấn tượng nhất. Cụ thể, KBC tăng 46% doanh thu cho thuê, trong khi VGC cho thuê 151ha, tăng 155% so với cả năm 2018. Trong khi đó, một số công ty có tăng trưởng âm như SZL, SNZ, hay LHG. Nguyên nhân là do sự suy giảm hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Những doanh nghiệp nào sẽ tiếp tục hưởng lợi trong thời gian tới

Dự báo về thị trường BĐS khu công nghiệp trong thời gian tới, VDSC cho rằng, mảng cho thuê KCN sẽ tiếp tục khả quan. Những doanh nghiệp như Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã: KBC) và Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã: VGC) có lợi thế khi sở hữu quỹ đất trống lớn. Hiện KBC đang sở hữu quỹ đất trông 953 ha trong khi VGC sở hữu 1.182 ha, tập trung tại các tỉnh thành trọng điểm như Bắc Ninh, Hải Phòng. Ngoài ra, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (mã: BCM)và Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã: PHR) cũng tương tự khi sở hữu quỹ đất lớn trong Nam, với hơn 1.000 ha cho mỗi công ty, tập trung tại tỉnh Bình Dương.

KBC và VGC là 2 doanh nghiệp đạt tăng trưởng mảng kinh doanh cốt lõi là cho thuê KCN ấn tượng nhất sau 9T. Ảnh: VDSC

Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã: NTC) và Công ty Cổ phần Long Hậu (mã: LHG) được kì vọng sẽ đưa vào hoạt động KCN NTU3 và LH3 trong thời gian tới, và đây sẽ là động lực tăng trưởng cho giá trị các công ty.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã: SZC) đang sở hữu quỹ đất lớn, sẵn sàng cho thuê tại Vũng Tàu. Doanh thu cho thuê trong quý III tăng trưởng mạnh 30% so với cùng kỳ năm trước, do hoạt động kinh doanh cốt lõi cải thiện. VDSC cho rằng, kết quả trong vài quý sắp tới sẽ tiếp tục khả quan.

Bên cạnh hoạt động cho thuê KCN, nhiều chủ đầu tư đưa ra kế hoạch phát triển các khu dân cư bên cạnh các khu cho thuê khu công nghiệp. Đây được coi là động lực trong ngắn hạn đối với các chủ đầu tư này, đặc biệt các công ty có quy mô nhỏ.

Duyên Hà

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/bat-dong-san/bat-dong-san-cong-nghiep-thang-lon-doanh-nghiep-nao-se-tiep-tuc-huong-loi-3331257/