Bất động sản công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, cơ hội còn lớn

Hàng loạt các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) được thành lập, tỷ lệ lấp đầy với đạt gần 80%. Xu hướng còn nhiều cơ hội tăng trưởng với định hướng rõ nét của Chính phủ.

Tại diễn đàn về Bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực BĐS đã có những nhận định chung rất tích cực về thị trường BĐS cho công nghiệp.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, BĐS công nghiệp là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019 và đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

"Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, dần trở thành một trong những địa điểm thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á", ông Nam nhận định.

 Bất động sản công nghiệp đang có nhiều cơ hội phát triển mạnh. Ảnh ST

Bất động sản công nghiệp đang có nhiều cơ hội phát triển mạnh. Ảnh ST

Theo ông Nam, trong xu thế thị trường BĐS sẽ đi vào trật tự và ổn định hơn, khi được hưởng lợi từ nhiều yếu tố, từ bối cảnh cho đến chính sách, phân khúc BĐS công nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa và cơ hội phát triển. Cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển, tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết năm 2018, cả nước có 326 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha; 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha; tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt 73,9%.

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, sức hấp dẫn của BĐS công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi...

Tuy nhiên ông Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, sự phát triển của BĐS công nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều những bất cập, hạ tầng kết nối đa phương tiện còn thiếu đồng bộ, hạ tầng nhà xưởng có tiêu chuẩn ký thuật thấp, đóng góp của KCN, KKT vào GĐP còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong khi đó, Nhà nước đã có nhiều chính sách cho việc thành lập các KCN, kinh tế trọng điểm; tích cực tham gia các hiệp định hương mại tự do FTA; tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.

Một trong những điểm hấp dẫn nữa cũng được các chuyên gia nhắc tới đó là chuyển dịch cơ sở sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc và cả doanh nghiệp Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam để né cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc chính là thời cơ cho BĐS công nghiệp Việt Nam "cất cánh".

Những yếu tố như vậy đã góp phần thu hút một lượng vốn đầu tư đáng kể từ các tập đoàn nước ngoài, điển hình như Samsung đã công bố đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam. Gói đầu tư này đã góp phần tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng của thị trường Việt Nam trong mắt nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS nhận định, cùng với nhiều giải pháp, để tạo đà cho phát triển BĐS công nghiệp, cần nghiên cứu và có ứng xử phù hợp với xu hướng áp dụng công nghiệp 4.0 trong phát triển thị trường BĐS ở Việt Nam. Sự tác động tìm tàng của công nghiệp 4.0 là yếu tố tất yếu cần thiết phải nghiên cứu khi xem xét diễn biến thị trường trong thời gian tới. Sự ra đời của công nghiệp 4.0 với sự cải tiến trong công nghệ thông tin và tự động hóa sẽ thay đổi bức tranh toàn cảnh ngành ngành công nghiệp. Theo đó, sự kết nối giữa các dây truyền sản xuất truyền thống sẽ được tối ưu hóa, xóa mờ ranh giới vật lý và do đó, thế hệ nhà xưởng mới trong tương lai dự kiến sẽ là hững nhà xưởng quy mô nhỏ nhưng được kết nối xuyên suốt và đồng bộ.

Hồng Anh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bat-dong-san-cong-nghiep-tang-truong-manh-me-co-hoi-con-lon-d157635.html