Bất động sản An Gia (AGG): Lãi 9 tháng tăng vọt nhờ chuyển nhượng cổ phần

Kết thúc quý III/2020, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã chứng khoán AGG) ghi nhận doanh thu thuần 13,6 tỷ đồng (chủ yếu từ mảng dịch vụ tư vấn môi giới và tiếp thị 11,72 tỷ đồng), chỉ bằng 22% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, doanh thu tài chính tăng vọt lên hơn 54 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ (lãi từ chuyển nhượng khoản đầu tư 41 tỷ đồng và lãi tiền gửi, cho vay 13 tỷ đồng) đã góp phần kéo lợi nhuận thuần lên mức tương đương cùng kỳ, ghi nhận hơn 6 tỷ đồng.

Các chi phí lãi vay gấp 2,5 lần (ghi nhận 25 tỷ đồng), chi phí bán hàng tăng lên 4,8 tỷ đồng (cùng kỳ chưa đến 300 triệu đồng), và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm mạnh hơn nửa, về mức 20 tỷ đồng.

Kết quả, AGG ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 8,8 tỷ đồng, tăng 214%.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu AGG đạt 74 tỷ đồng (hoàn toàn không ghi nhận doanh thu từ bán căn hộ do chưa đủ điều kiện ghi nhận), giảm mạnh so với con số 248 tỷ đồng cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 198,5 tỷ đồng, tăng vọt 196% so với 9 tháng năm 2019, chủ yếu nhờ hạch toán doanh thu tài chính 262 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ 55 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản 8.752 tỷ đồng, tăng 62%, tập trung ở các khoản phải thu ngắn hạn 1.336 tỷ đồng và hàng tồn kho 5.189,6 tỷ đồng, tăng 98% (với dự án The Sóng chiếm tỷ trọng lớn nhất 2.142 tỷ đồng)

Đáng chú ý, AGG có 446,7 tỷ đồng khoản phải thu về cho vay các bên liên quan và các bên khác – là các khoản cho vay tín chấp và hưởng lãi suất thỏa thuận từ 5 - 11% chủ yếu phục vụ cho hoạt động đầu tư dự án. Thời hạn trả gốc các khoản vay này là khoảng nửa đầu năm 2021.

AGG cũng có khoản phải thu khác ngắn hạn hơn 760 tỷ đồng tập trung ở khoản đặt cọc mua vốn góp/cổ phần 223 tỷ đồng (gồm CTCP Quản lý và Phát triển Thịnh Phát 130 tỷ đồng và các công ty khác 93 tỷ đồng); đặt cọc, ký quỹ phát triển dự án bất động sản 322,5 tỷ đồng (chủ yếu là với CTCP Vạn Phát Hưng (mã chứng khoán VPH) 274,5 tỷ đồng).

Một khoản đáng chú ý khác là tạm ứng nhân viên cho hoạt động kinh doanh lên đến hơn 63 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ hơn 1,1 tỷ đồng.

Ở khoản phải thu dài hạn, AGG phát sinh thêm khoản mục vốn đầu tư vào hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) 200 tỷ đồng.

Khoản mục đột biến khác là tiền và tương đương tiền gần 332 tỷ đồng, gấp 2,4 lần số đầu năm, trong đó có đến 246,7 tỷ đồng là khoản đầu tư ngắn hạn vào trái phiếu của Công ty TNHH Saigon Glory và CTCP Azura, công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ sơn 2, CTCP Hưng Thịnh Land và các khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại có kỳ hạn gốc từ 1 đến 3 tháng và hưởng lãi suất áp dụng cho tập đoàn.

Trong cơ cấu nguồn vốn, điểm tích cực là người mua trả tiền trước ngắn hạn ghi nhận gần 3.270 tỷ đồng, tăng 157% so với đầu năm. Về nợ vay, nợ vay ngắn hạn biến động động không đáng kể, nhưng vay dài hạn tăng hơn 80%, đạt 1.458 tỷ đồng.

Được biết, ngay trước thời điểm kết thúc quý III, Hội đồng quản trị An Gia đã thông qua việc công ty chuyển nhượng 738.000 cổ phần phổ thông của CTCP Quản lý và Đầu tư Sơn Lâm, tương đương 60% vốn.

Sau khi chuyển nhượng, Sơn Lâm không còn là công ty con của AGG mà trở thành công ty liên kết so AGG sở hữu 39,99% vốn. Khoản đầu tư vào Sơn Lâm cũng chỉ mới phát sinh trong nửa đầu năm 2020.

Nhã An

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san-an-gia-agg-lai-9-thang-tang-vot-nho-chuyen-nhuong-co-phan-post253151.html