Bất động sản 2020: Công nghệ sẽ dẫn dắt thị trường nhà ở thông minh

Công nghệ sẽ làm thay đổi tất cả các phân khúc bất động sản cũng như thay đổi cách vận hành của nhà đầu tư, nhà quản lý, đó là nhận định của chuyên gia về thị trường bất động sản 2020.

Căn hộ thông minh lên ngôi

Nhìn lại hơn 10 năm phát triển từ năm 2006 đến nay, có thể thấy thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua nhiều chu trình nóng - lạnh khác nhau.

Tuy nhiên, sau mỗi giai đoạn 5 năm thì quy mô thị trường có tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi. Cụ thể, giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng trưởng là 0,9 lần; giai đoạn 2011 - 2015 tốc độ tăng trưởng đã đạt 1,6 lần.

Năm 2016 và 8 tháng đầu năm 2017, thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, nhất là phân khúc căn hộ cao cấp từ 3 phòng ngủ trở lên hay bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Nhưng nhìn toàn cục thị trường vẫn giữ được sự phát triển tương đối ổn định.

Bất động sản 2020: Công nghệ sẽ dẫn dắt thị trường nhà ở thông minh.

Bất động sản 2020: Công nghệ sẽ dẫn dắt thị trường nhà ở thông minh.

Năm 2020, dự báo các doanh nghiệp bất động sản sẽ tìm kiếm các giải pháp phù hợp, thích ứng môi trường kinh doanh hoàn toàn mới.

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ hội đầu tư trong lĩnh vực bất động sản đang bùng nổ, đặc biệt là từ năm 2020, nhà đầu tư cần thận trọng trước những rủi ro có thể gặp phải, đặc biệt là nguy cơ về biến đổi khí hậu, căng thẳng về chính trị... “Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, nhà đầu tư cần nắm rõ hơn về những phân khúc và khu vực hoạt động, có tầm nhìn xa hơn mang tính toàn cầu, để xác định hướng đầu tư”, ông Phòng nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Phòng dự đoán, năm 2020 công nghệ sẽ làm thay đổi tất cả các phân khúc bất động sản cũng như thay đổi cách vận hành của nhà đầu tư, nhà quản lý.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cũng cho rằng, việc đầu tư vào các căn hộ, khu đô thị thông minh cũng là một trong những xu hướng được quan tâm trong năm tới. Bởi đời sống của người dân ngày càng cao, dẫn tới nhu cầu cũng đi lên. Những sự tích hợp về công nghệ như các hệ thống về an ninh, ánh sáng… vừa điều khiển bằng app điện thoại vừa sử dụng bằng giọng nói sẽ đem lại sự tiện nghi phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn hiện nay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển thị trường DKRA nhận định, năm 2020, việc áp dụng công nghệ mới trong kinh doanh bất động sản sẽ nhiều và sâu rộng hơn. Những dự án có quy mô, đồng bộ về quy hoạch sẽ hấp dẫn hơn và người mua tìm đến nhiều hơn.

Năm 2020, có ít nhất 3 thành phố thông minh

Tại Việt Nam, theo Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 30 thành phố đang xây dựng thành phố thông minh và mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 3 thành phố thông minh (Smart City).

Một nghiên cứu đã chỉ ra, xây dựng thành phố thông minh với các giải pháp kết nối qua di động, phòng chống tội phạm và dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp sẽ cứu sống khoảng 5.000 người mỗi năm khỏi các vụ tai nạn giao thông, hỏa hoạn, giết người. Các giải pháp giao thông và vận chuyển thông minh giúp tiết kiệm thời gian tương đương với với giờ lao động của 8 triệu người trong khu vực.

Đối với dịch vụ y tế thông minh sẽ giảm áp lực khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế, gián tiếp giúp nâng cao tuổi thọ, tăng thời gian sống khỏe mạnh của con người. Các giải pháp thành phố thông minh có thể loại bỏ khoảng 270.000kg khí thải nhà kính mỗi năm. Ngoài ra, giúp người dân có thể tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt, giảm các tác nhân từ môi trường… Xu hướng thành phố thông minh có thể giúp các thành phố trong khu vực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.

Không nằm ngoài guồng quay của thế giới, Việt Nam cũng đang hướng đến xây dựng những thành phố theo mô hình Smart City. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có một mô hình mẫu hay một quy chuẩn chung về thành phố thông minh.

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội phân tích, một đô thị thông minh phải hội tụ đủ: Kinh tế thông minh (phát triển bền vững, có năng lực cạnh tranh), kết cấu hạ tầng thông minh (giao thông, dịch vụ đồng bộ, phúc lợi công cộng, môi trường an toàn, giáo dục, văn hóa, lao động việc làm, phân phối...), cư dân thông minh, tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống thông minh (chất lượng sống tốt cho mọi cư dân) và không thể thiếu là quản lý đô thị cũng là quản lý thông minh.

"Hiện nay, chúng ta mới đang nói và tập trung nhiều vào vấn đề quản lý thông minh, muốn làm được điều này thì phải có những yêu cầu mới. Điều trước hết là chính quyền phải tạo ra một thể chế quản lý thông minh.

Tôi ví dụ, chúng ta đang được trải nghiệm và thụ hưởng thành tựu công nghệ internet, một ngày có vô vàn những thông tin được tung ra, trong đó có cả những thông tin ảo, thông tin sai sự thật, nhưng nếu không có cơ chế để quản lý, kiểm duyệt và tỉnh táo tiếp nhận thì sẽ bị rơi vào chính "ma trận" công nghệ. Vì thế, trước hết cần phải xây dựng được một không gian sống thông minh với những con người thông minh", ông Nghiêm nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định. để tạo dựng được khu đô thị thông minh cần phải quy hoạch cả một khu vực rộng lớn, có cơ chế đặc thù để phát triển thông minh một cách đồng bộ và có giải pháp thực hiện hiệu quả. Trước hết, nên làm thí điểm ở mô hình vừa phải, với sự tham gia, hợp tác của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đã có kinh nghiệm về lĩnh vực này. Qua đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp để triển khai những phần tiếp theo...

Ông Phạm Lâm, CEO công ty DKRA Việt Nam cũng cho rằng, năm 2020, xu hướng sử dụng công nghệ để tạo ra các tòa nhà thông minh sẽ dẫn dắt thị trường bất động sản. “Dù hiện tại câu chuyện xây dựng khu đô thị thông minh hướng tới thành phố thông minh còn nhiều thách thức nhưng cũng có thể lạc quan bởi xu hướng ứng dụng công nghiệp 4.0 vào các ngành đang được đẩy mạnh và thị trường bất động sản sẽ không nằm ngoài cuộc chơi”, ông Lâm nhấn mạnh.

Phân tích về xu thế này trong năm 2020, ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, đến nay, đã có hơn 20 tỉnh, thành phố nghiên cứu và phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh, tiêu biểu như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng...

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030", thể hiện sự chú trọng phát triển thành phố thông minh cũng như phát triển bền vững thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo ông Chung, muốn xây dựng thành công thành phố thông minh, trước hết phải có sự đồng thuận của 3 nhân tố: Nhà nước - thị trường - xã hội. Trong đó, Nhà nước là người kiến tạo, cầm lái, thị trường là động lực vận hành, xã hội là những người giám sát thực hiện. Nói cách khác là phải có chính quyền mạnh, doanh nghiệp tốt, xã hội thông minh đồng thuận. Ngoài ra không thể thiếu công nghệ và nguồn vốn.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bat-dong-san/bat-dong-san-2020-cong-nghe-se-dan-dat-thi-truong-nha-o-thong-minh-ar520538.html