Đuối nước ở trẻ em: Những nỗi đau khôn nguôi

Con số 31 vụ đuối nước khiến 39 trẻ em tử vong chính là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý trẻ em ở Đắk Lắk khi mùa hè mới bắt đầu.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 31 vụ đuối nước khiến 39 trẻ em tử vong, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chính là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý trẻ em khi mùa hè mới bắt đầu. Làm thế nào để giảm thiểu các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em là bài toán khó cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội.

Trẻ em vô tư rủ nhau tắm sông mà không lường trước được những hiểm nguy đang rình rập.

Trẻ em vô tư rủ nhau tắm sông mà không lường trước được những hiểm nguy đang rình rập.

Nhớ lại ngày định mệnh đã cướp đi sinh mạng của đứa con trai út, chị H’Bren Êban, ở buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk vẫn không kìm được nước mắt. Chị cho biết, con chị có tính hiếu động nên từ trước đến nay đi đâu, làm gì chị cũng mang con đi và giám sát con chặt chẽ. Tuy nhiên, sáng ngày 9/6, do có việc cần giải quyết nên chị đã để con đi theo bố lên ruộng cách nhà tầm 300m. Vậy mà, chỉ một phút lơ là con trai chị đã lén cha chạy đến hồ nước mới đào gần ruộng để chơi rồi trượt chân ngã xuống hồ. Phát hiện sự việc, chồng chị đã nhảy xuống cứu con nhưng đã muộn.

“Nếu mua lại sự sống cho cháu bằng tiền tỷ thì cũng cố gắng bán đất đai để mua cho nó sống lại. Chị ước gì con mình được sống lại”- chị H’Bren Êban.

Mất trong vụ đuối nước ấy, còn có cả Y C.Êban (12 tuổi) - con của anh Y Dro Niê- cũng ở buôn Ea Mấp. Anh Y Dro Niê cho biết, 2 mùa hè gần đây, con trai anh vẫn cùng anh lên rẫy, ruộng để phụ bố công việc nương rẫy. Hôm đó, sau khi phụ cha xới ô ruộng, em nghỉ tay đi dạo xung quanh. Đinh ninh con mình biết bơi lại có kinh nghiệm đi nương rẫy nên anh Y Dro Niê chủ quan không nhắc nhở con. Ai ngờ, đó lại là buổi đi làm cuối cùng của anh và con trai.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 31 vụ tai nạn đuối nước khiến 39 trẻ em tử vong cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Số vụ đuối nước ở trẻ em xảy ra ở 13/15 huyện, thị xã, thành phố của Đắk Lắk. Krông Bông là địa phương có số trẻ bị đuối nước nhiều nhất với 8 trường hợp. Sau Krông Bông là huyện Cư Mgar với 6 trường hợp. Theo bà Nguyễn Thị Thu Ba, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar, đa số trẻ em bị đuối nước ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không được tiếp cận với việc dạy bơi, dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước. Ngoài ra, Đắk Lắk có hệ thống ao, hồ, sông, suối, thác nước chiếm một tỷ lệ khá lớn và nằm rải rác đều khắp, số đập nước, giếng nước, hồ tưới tiêu của các nông lâm trường, các hộ gia đình trồng cà-phê tương đối lớn… dẫn đến nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm.

“Công tác quản lý trẻ em dịp hè này chưa chặt chẽ, khu vui chơi chưa có nhiều cho trẻ em để sinh hoạt vui chơi mà hầu như chơi tại nhà hoặc theo bố mẹ ra đồng ra rẫy nên nguy cơ cao hơn. Lượng ao hồ trên địa bàn nhiều, những hố sâu trong rẫy trong ruộng cũng chưa nắm hết được nên chưa cắm biển báo tới"- bà Nga nói.

Đắk Lắk đã lắp nhiều biển cảnh báo tại các ao, hồ, sông suối

Ông Trần Phú Hùng, Giám đốc Sở LĐ- TB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian qua, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em trên địa bàn nói chung, tai nạn đuối nước nói riêng như xây dựng nhiều khu vui chơi cho trẻ em tại các địa phương; đưa chương trình dạy bơi vào các trường học; xã hội hóa hồ bơi.

Ông Hùng cho rằng, những giải pháp này tuy đã phát huy tác dụng khi số trẻ em được học bơi ngày càng nhiều, tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế vẫn chưa đủ. Để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em thì cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các tổ chức xã hội, cơ quan chức năng và đặc biệt là sự quản lý của gia đình: “Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện làm sao để các gia đình có trẻ em chúng ta phải quan tâm, giám sát các em khi các em đi ra ngoài. Tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn, có những biển báo ở những nơi dễ xảy ra tai nạn đuối nước cho trẻ em. Một mặt kiến nghị tiếp tục làm sao mở rộng thêm được dạy bơi cho các em, các em có kỹ năng biết bơi thì sẽ hạn chế tình trạng trẻ em đuối nước. Mặt khác tiếp tục đề nghị các cấp chính quyền tạo ra những sân chơi, an toàn lành mạnh cho trẻ em đặc biệt trong dịp các em nghỉ hè".

Mất đi những đứa con vì những tai nạn không đáng có như đuối nước là những nỗi đau không thể kể hết của nhiều gia đình. Thiết nghĩ, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng đuối nước ở trẻ em rất cần sự vào cuộc trách nhiệm, tích cực của các cấp, các ngành, địa phương, trong đó vai trò của gia đình, các bậc phụ huynh là vô cùng quan trọng./.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/duoi-nuoc-o-tre-em-nhung-noi-dau-khon-nguoi-866885.vov