Bắt đầu từ xây dựng chính sách

Những khảo sát mới nhất về vùng dân tộc thiểu số (DTTS) chỉ rõ, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực, do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình. Sự đan xen của nhiều hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính và dân tộc có ảnh hưởng phổ biến nhất. Xu thế phát triển của xã hội hiện đại đã và đang đặt ra yêu cầu nâng cao vị thế của người phụ nữ DTTS để họ không bị bỏ lại phía sau, xa hơn nữa là có thể phát huy hết khả năng sáng tạo của mình.

Hội Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với một số cơ quan tổ chức dạy nghề may cho phụ nữ xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp nhằm tạo sinh kế bền vững. Ảnh: Phạm Đức

Hội Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với một số cơ quan tổ chức dạy nghề may cho phụ nữ xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp nhằm tạo sinh kế bền vững. Ảnh: Phạm Đức

Hạn chế trong tiếp cận cơ hội phát triển

Khảo sát quốc gia về kinh tế - xã hội vùng DTTS cho thấy bất bình đẳng trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng. Vùng DTTS đang gặp phải những vấn đề giới nghiêm trọng hơn so với các vấn đề giới nói chung ở Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc làm và thu nhập, chăm sóc sức khỏe và sức khỏe sinh sản. Tình trạng tảo hôn và bạo lực gia đình tại vùng DTTS vẫn còn diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, phụ nữ DTTS còn nhiều hạn chế trong tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Hiện, tỷ lệ phụ nữ DTTS làm công việc chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chỉ khoảng 6%, bằng 1/3 so với dân tộc Kinh. Khoảng cách giới vẫn tồn tại ở hầu hết tất cả các lĩnh vực. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhiều phụ nữ DTTS vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các cơ hội phát triển, đồng nghĩa với việc họ vẫn bị tụt hậu trong các ưu tiên phát triển. Cụ thể: Có tới 26,56% phụ nữ DTTS không biết đọc, biết viết; 33% nữ sinh DTTS đi học phổ thông trung học đúng độ tuổi; 7,2% lao động nữ DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật; khoảng 26% phụ nữ DTTS đứng tên sở hữu đất đai và tài sản (phụ nữ Kinh là 56%); có 12 dân tộc tỷ lệ tảo hôn từ 30 đến 40%. Tỷ lệ phụ nữ DTTS tham gia chính quyền ở 4 cấp trong tổ chức Đảng, Quốc hội, HĐND, chính quyền khá thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bất bình đẳng giới (BĐG) nói chung và bất bình đẳng ở phụ nữ DTTS nói riêng.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khoảng cách đối với phụ nữ DTTS sẽ ngày càng lớn khi xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh, mạnh, trong khi nhóm phụ nữ DTTS đang bị ngăn cản bởi rất nhiều rào cản đã ăn sâu, bám rễ trong sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển. Sự tụt hậu của phụ nữ DTTS trong mục tiêu đáp ứng các chỉ tiêu MDGs (mục tiêu Thiên niên kỷ) cho thấy, còn rất nhiều vấn đề cần đặt ra. “Nghèo về kinh tế, ít các cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội là những rào cản cơ bản dẫn tới phụ nữ DTTS đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển” – đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định.

Phải thay đổi hệ thống chính sách

Tìm hiểu các yếu tố khiến cho phụ nữ DTTS bị hạn chế trong tiếp cận các cơ hội phát triển, có thể thấy rằng, một phần đến từ việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: “Từ khi đổi mới (1986) đến nay, với 118 văn bản chính sách hiện còn hiệu lực, cho thấy Nhà nước ta đã ban hành không ít chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ được ban hành ở nhiều văn bản với các cấp độ khác nhau. Nhiều chính sách còn mang tính ngắn hạn, thiếu tính chiến lược”.

Đầu tư cho giáo dục là một trong những giải pháp hiệu quả mang lại cơ hội phát triển cho trẻ em gái và phụ nữ DTTS. Ảnh: Bích Nguyên

Điều đáng lưu tâm là trong số 118 chương trình, chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng DTTS, chỉ có 4 chính sách liên quan tới BĐG, gồm 2 chính sách trực tiếp cho phụ nữ DTTS. Kết quả này cho thấy còn nhiều bất cập trong chính sách thúc đẩy BĐG vùng DTTS. Cụ thể là, hệ thống chính sách liên quan tới BĐG và chính sách đối với đồng bào DTTS hầu như chưa được xây dựng theo quan điểm lồng ghép yếu tố giới và đặc thù DTTS; dẫn tới tình trạng chính sách BĐG thì không tính đến đặc thù cho đối tượng là phụ nữ DTTS, còn chính sách cho vùng DTTS lại không tính đến yếu tố giới.

Vì vậy, phụ nữ DTTS dường như vẫn nằm ở điểm khuất của góc khuất, ít cơ hội tiếp cận chính sách nói chung, ngoài 2 chính sách trực tiếp là Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số và Đề án Hỗ trợ hoạt động BĐG vùng DTTS. Và ngay cả khi thực hiện các mục tiêu BĐG, nếu không có giải pháp phù hợp, phụ nữ DTTS cũng có thể gặp khó trong việc tiếp cận các chính sách.

Những thông tin trên cho thấy, rõ ràng, về mặt chính sách, chúng ta cần có sự điều chỉnh cũng như thay đổi cách thực hiện chính sách để đảm bảo cho phụ nữ DTTS có điều kiện tiếp cận các cơ hội phát triển cũng như có môi trường thể hiện được năng lực, khả năng của mình. Việc xây dựng hệ thống chính sách về vùng DTTS cần phải giải quyết những khoảng trống về giới. Đặc biệt, phải giải quyết việc tiếp cận cơ hội việc làm, giáo dục hướng nghiệp không chỉ ở những lĩnh vực truyền thống mà cả những lĩnh vực mới để họ tham gia hòa nhập với xã hội nói chung.

Đánh giá về chính sách cho phụ nữ DTTS, đồng chí Lương Thị Trường, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi nhấn mạnh: “Hiện, phụ nữ DTTS cũng cần có chính sách riêng không chỉ xác định phụ nữ là đối tượng hưởng lợi, mà còn là chủ thể thực hiện chính sách. Trong đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS đang được xây dựng phải có chính sách đặc thù cho phụ nữ DTTS, trong đó phải đặt trọng tâm là những vấn đề về giáo dục, chăm sóc y tế cho phụ nữ và trẻ em gái”.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bat-dau-tu-xay-dung-chinh-sach/