Bắt đầu từ 'Tâm hồn của đá'?

Gần đây nhất trong chương trình Điều còn mãi, cả khán phòng Nhà hát Lớn sau khi nghe Tùng Dương hát Tâm hồn của đá, cái tên Trần Mạnh Hùng được vang lên hết sức rõ rệt.

Tôi nhớ, cách đây hơn 10 năm đã rất ấn tượng với “Tứ tấu đàn dây” của Trần Mạnh Hùng, thâm tâm tôi cứ nghĩ Trần Mạnh Hùng là một trong những người được đào tạo bài bản ở châu Âu, nơi âm nhạc cổ điển với những đòi hỏi khắt khe về tính chuyên nghiệp, hỏi ra mới biết Trần Mạnh Hùng học tại Nhạc viện nhưng là một người vượt trội ngay từ khi còn là sinh viên.

Tôi cứ nghĩ mãi về sự nhầm lẫn của mình, sau đó lý giải rằng, trên thực tế không ít người Việt cho rằng nghệ thuật chỉ cần dựa vào năng khiếu, vào cảm xúc, chờ những khoảnh khắc xuất thần, còn ở châu Âu người ta quan niệm, ngoài những điều đó ra cần phải có một tư duy, một thái độ làm nghề chuyên nghiệp nữa. Và, tư duy, thái độ, cách làm việc chuyên nghiệp của Trần Mạnh Hùng đã khiến tôi nhầm lẫn.

Dõi theo Trần Mạnh Hùng với những sáng tác mang tên: Ngũ tấu kèn, Giao hưởng No.1 No.2, Một nửa cõi trầm, Cánh diều xanh viết cho dàn nhạc dây, tôi vẫn thấy đây đúng là một người có khả năng vượt trội, tuy nhiên tên tuổi của anh vẫn chỉ giới hạn trong giới chuyên môn, trong những người sành âm nhạc hoặc trong sự ngưỡng mộ thầy của các sinh viên từng học anh ở Nhạc viện.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nhận giải thưởng.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nhận giải thưởng.

Cho đến một ngày, gần đây nhất trong chương trình Điều còn mãi, cả khán phòng Nhà hát Lớn sau khi nghe Tùng Dương hát Tâm hồn của đá, cái tên Trần Mạnh Hùng được vang lên hết sức rõ rệt.

Kể cả người thưởng thức thông thường đều “vỡ” ra, hiểu ra vai trò của hòa âm phối khí và tài năng của người viết ra những bản tổng phổ đặc biệt, làm cho một tác phẩm trở nên hay khác thường, hay vượt trội, người đứng đằng sau các tác phẩm âm nhạc.

Không ít người đã nhận xét: Tùng Dương thì luôn hay rồi nhưng không thể tuyệt thế nếu không có một tổng phổ của Trần Mạnh Hùng. Dường như họ đã “kích hoạt” được nhau. Trần Mạnh Hùng thì vượt qua sự táo bạo hay gọi là một thử thách không nhỏ khi phối rock với dàn nhạc giao hưởng, còn Tùng Dương thì thăng hoa tới đỉnh điểm...

Tôi đem câu hỏi đến với Trần Mạnh Hùng:

- Không còn nghi ngờ gì nữa, anh hiện đang là một trong những nhạc sĩ hàng đầu về hòa âm phối khí chuyên sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng thính phòng. Làm thế nào mà một người học nhạc cụ dân tộc sau học nhạc nhẹ, lại thành công trong các tác phẩm phối khí viết cho dàn nhạc giao hưởng?”.

Anh trả lời:

- Đúng vậy, ở Việt Nam thì hầu hết những người đã từng chơi nhạc theo phong cách đại chúng hoặc có xuất phát điểm từ âm nhạc cổ truyền đều gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển sang học sáng tác nhạc thính phòng giao hưởng, bởi những đặc trưng của 3 loại âm nhạc này là rất khác biệt nhau. Trong đó, những đặc trưng là hay của loại nhạc này lại có thể là dở với loại nhạc kia.

Bản thân tôi cũng đã vượt qua được những trở ngại này, bởi thông qua việc học, tôi đã tự đúc kết ra cho bản thân mình những đặc trưng để phân biệt rõ ranh giới giữa 3 loại âm nhạc này. Tôi có thể là 3 con người hoàn toàn khác nhau về thẩm mĩ khi đặt mình trong 3 loại nhạc khác nhau nhưng thậm chí có lúc tôi thích hòa cả 3 trong một.

Thật sự tôi đã may mắn khi được gieo mầm âm nhạc cổ truyền khi còn nhỏ, rồi lại may mắn được sống trong sự cuồng nhiệt của tuổi đôi mươi vơi nhạc đại chúng và rồi đã nhận thấy được vẻ đẹp nguy nga của tòa lâu đài âm nhạc giao hưởng.

Anh cho biết, đã chuyển soạn bài hát này cách đây 2 năm từ nguyên bản của Bức Tường sang cho dàn nhạc giao hưởng. Ban tổ chức Điều còn mãi 2019 đã mượn bản tổng phổ này của anh để đưa vào chương trình. Hiểu các nguyên tắc của rock, anh đã mô phỏng cái âm hưởng của rock band trên các phương tiện của dàn nhạc giao hưởng (điều này thế giới cũng làm lâu rồi) nhưng ở ta thì còn ít.

Bài hát phong cách rock này được hát với phần đệm của dàn nhạc giao hưởng, tuy có phần ít “ngầu” hơn so với bản gốc nhưng lại trang trọng và hào hùng hơn. Song, nó đã tạo ra sự tương phản trong một chương trình âm nhạc có nhiều tác phẩm mang tính lịch sử như Điều còn mãi nên đã tạo ra những xúc cảm đặc biệt, gây hưng phấn và ngạc nhiên cho khán giả.

“Tan chảy vì hạnh phúc”

Chưa hết ngạc nhiên với Tâm hồn của đá lại đến Trăng hát với gương mặt trẻ Phạm Thùy Dung... Tiếng vỗ tay không ngớt cùng những giọt nước mắt đã chảy vì xúc động của khán phòng đêm 29-9-2019 không chỉ dành cho nhân vật chính - ca sĩ Phạm Thùy Dung - mà còn dành cho dàn nhạc và người thầm lặng phía sau: Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Sau đêm diễn, Phạm Thùy Dung nói, cô tan chảy vì hạnh phúc.

Thành công của chương trình là vượt ngưỡng chờ đợi. Những bản phối pha trộn âm nhạc phương Đông và phương Tây, kết hợp nhuần nhuyễn tính học thuật của âm nhạc giao hưởng thính phòng, tính thời thượng của tiết tấu âm nhạc đại chúng và chất bản địa từ âm nhạc dân gian của Trần Mạnh Hùng đã “nâng cấp” khả năng cảm thụ âm nhạc của khán giả. Có lẽ, từ nay khán giả sẽ không còn hoang mang hay sợ hãi khi lựa chọn đến với các chương trình âm nhạc thính phòng vì sự quy chuẩn nhiều lý tính của nó.

Trong Trăng hát của Phạm Thùy Dung có 2 khách mời là Tùng Dương và Đăng Dương, tiếng vỗ tay cũng dành cho họ. Tùng Dương nhận xét: “Đây là một live concert đúng nghĩa với Orchestra tại thánh đường Nhà hát Lớn, đẹp mộng mị từ mọi chi tiết tới tổng thể. Là, những bản phối lớp lang và nhiều xúc cảm của Trần Mạnh Hùng...”.

Nhưng, không phải là không thót tim nếu là người nghe với một sự chú ý đặc biệt mẫn cảm dành cho nhạc sĩ, người tạo ra những bản tổng phổ mới cho những bài hát đã từng thành công với cách nghe cũ. Tôi lại hỏi Trần Mạnh Hùng:

- Điều gì thôi thúc anh tiếp tục mạo hiểm?

Âm nhạc nên là một vườn hoa đa dạng và khác biệt, bản thân tôi cũng như các nghệ sĩ luôn muốn tìm tòi khám phá và thể nghiệm ở các mức độ khác nhau, nếu sợ hãi cái mới và cái đa dạng khác biệt của đồng nghiệp thì ta nên chọn một nghề khác sẽ an toàn hơn.

Cảm động với câu trả lời đó tôi lại đưa anh thêm câu hỏi nữa:

“Đã từng được đánh giá cao, có nhiều sáng tác được đón nhận sao anh không dành toàn bộ sức sáng tạo cho sáng tác như không ít các nhạc sĩ khác hiện tại?”.

Anh bảo: “Sáng tác thì có lợi cho tên tuổi của bản thân mình nhưng chuyển soạn và sản xuất các chương trình âm nhạc thì lại có lợi chung cho sự phát triển của đời sống văn hóa âm nhạc của quốc gia. Mặt khác, ở Việt Nam, nếu chỉ dựa vào sáng tác thì có lẽ cuộc sống của tôi còn gặp nhiều khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. Hãy thử nhìn lại một thập kỷ vừa qua, đã có mấy lần dàn nhạc giao hưởng quốc gia chơi tác phẩm của tôi? Nếu tôi nhớ không lầm, sau khi nhạc sĩ Phó Đức Phương đấu tranh để đòi nâng tiền bản quyền âm nhạc cho các tác giả giao hưởng, mỗi tác giả sẽ được nhận 1 triệu đồng cho mỗi lần dàn nhạc trình diễn một tác phẩm giao hưởng của họ...”.

Câu trả lời khiến cho tôi lặng đi.

Đã từng không có cơ hội vào biên chế…

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng từng là giảng viên chuyên ngành sáng tác của Nhạc viện Hà Nội, là một người thầy có nhiều sinh viên ngưỡng mộ, một vị trí làm việc ổn định, ngoài ra còn là giám đốc âm nhạc một số liveshow của NSƯT Đăng Dương hay ca sĩ Lan Anh hát với dàn nhạc giao hưởng được ca sĩ và người thưởng thức rất hài lòng, không hiểu vì lý do gì anh lại chuyển vùng, vào TP HCM đòi hỏi đối mặt với rất nhiều thay đổi. Tôi hỏi.

Anh nói: “Sau gần 10 năm giảng dạy sáng tác âm nhạc ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tôi đã không có cơ hội để được nhận vào đây để làm việc. Thêm nữa, khí hậu và môi trường sống ngoài Hà Nội quá khắc nghiệt với bản thân tôi nên cuối cùng thì tôi đã quyết định đến với TP HCM để sinh sống và làm việc. Tôi đã học được nhiều kiến thức âm nhạc khi sống ở Hà Nội và tôi cũng học được nhiều giá trị tốt đẹp khi vào miền đất phương Nam. Tôi yêu mến và biết ơn cả hai nơi này!”.

Những câu trả lời của Trần Mạnh Hùng luôn khiến tôi ngạc nhiên và xúc động. Anh không màu mè khách sáo, không vòng vo và luôn chân thành, luôn nói ngắn nhất và chạm đến sự thật nhất. Người ta bảo rằng Trần Mạnh Hùng là người khó tính. Ngẫm ra, có sự chuyên nghiệp nào, có thành công nào lại dựa trên sự dễ dãi?

Nâng cao dân trí…

Trong dòng chảy cuộc sống, tất cả các loại hình nghệ thuật đều vướng vào vấn đề “hóc búa”: cái được đại chúng/số đông chấp nhận luôn là cái vừa vừa. Âm nhạc đại chúng, hội họa thị trường, văn học thị dân sẽ có lượng “tiêu thụ” gấp nhiều lần so với những tác phẩm có đẳng cấp, đòi hỏi năng lực, trình độ, sự đầu tư song lại ít người nhận ra để hâm mộ/mua về... Nhưng những người như Trần Mạnh Hùng, điều quan tâm trước hết là giá trị tác phẩm. Họ nghĩ đến tác phẩm trước. Điều đó khiến tôi nghĩ đến sự nghiệp “nâng cấp người nghe/xem, nâng cấp dân trí của những người như Trần Mạnh Hùng.

Mặc dầu giá vé của các chương trình âm nhạc đại chúng hiện vẫn cao hơn giao hưởng thính phòng (không chỉ ở Việt Nam mà ở thế giới cũng vậy) mặc dầu sự đầu tư về thời gian, nhân lực và vật chất của những concert như của Lan Anh, Đăng Dương hay Phạm Thùy Dung là lớn hơn rất so với các show đại chúng nhưng tôi tự hỏi đáng buồn biết bao nếu cuộc sống không có những giá trị đỉnh cao.

Nhưng, trên thực tế, những concert thính phòng kể trên đã bán hết sạch vé trước ngày diễn, không biết có phải ngoài những yếu tố: đẳng cấp của ca sĩ chính, ca sĩ khách mời, dàn nhạc còn một điều tối quan trọng là tên tuổi Trần Mạnh Hùng với những sáng tạo đáng kể của anh?

Câu hỏi cuối cùng của tôi với anh trong cuộc trò chuyện là: “Đời sống “cơm áo gạo tiền” có làm anh phải lùi bước trước những điều anh đặt ta cho mình để nhường chỗ cho thỏa hiệp... thị hiếu?”.

- Cái tai và thẩm mĩ của tôi sẽ dẫn đường cho tôi khi gặp khó khăn.

Anh trả lời ngắn gọn.

Tôi thật sự biết ơn khi anh đã dành cho tôi cuộc “trò chuyện” dài trong khoảng thời gian quá eo hẹp của lần ra Hà Nội này. Ngoài chương trình Trăng hát, anh còn làm việc với dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời với những bản tổng phổ viết cho phim Truyền thuyết quán tiên, trong đó có bài hát Anh ở nơi đâu viết cho giọng ca Phạm Thu Hà...

Cuộc trò chuyện khiến tôi thêm tin rằng cái tên Trần Mạnh Hùng sẽ còn tồn tại rất lâu trong đời sống âm nhạc của chúng ta.

Trần Thị Trường

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/bat-dau-tu-tam-hon-cua-da-566411/