Bắt đầu từ Huyền thoại: Những quyết định có tính lịch sử

Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn ký Quyết định thành lập Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh vào ngày 11/8/1999. Xin chúc mừng những thành viên của Ban có mặt từ những từ ngày đầu tiên cho đến hôm nay nhân kỷ niệm 16 năm ngày thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, những người đã góp phần mình làm cho đường Hồ Chí Minh từ Huyền thoại trở thành Hiện thực! Là người trực tiếp soạn thảo Quyết định lịch sử này, tôi muốn kể lại cho mọi người những kỷ niệm về những năm tháng không quên ấy, những năm tháng bắt đầu từ Con đường Huyền thoại!

Trước tiên, có thể nói ngay rằng, Quyết định thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ GTVT là Quyết định có “2 số”. Số đầu tiên là QĐ số 1972/1999 nhưng chính thức là QĐ số 1999/1999.
1+9+7+2=19 (9 nút) và 1+9+9+9=28 (8 nút). Tại sao lại là 2 số? Tại sao 9 nút và tại sao lại chọn 8 nút?

Với riêng tôi ngày 11/8 cũng là ngày có sự trùng hợp ngẫu nhiên, 11/8/1986 và 11/8/1999. Đó là ngày tôi đến nhận nhiệm vụ mới tại Liên Hiệp Xí Nghiệp Lâm Nông Công nghiệp Đăk Glây (1986) và ngày thành lập Ban QLDA đường HCM (1999). Những con số và những sự trùng hợp ngẫu nhiên cứ gắn bó với cuộc đời tôi như là những định mệnh từ tiền kiếp để lại.

Tôi đến nhận công tác tại Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước về Công trình Xa lộ Bắc Nam đặt tại tầng 4 nhà D, 80 Trần Hưng Đạo Hà Nội (Trụ sở Bộ GTVT) vào ngày 24/10/1997. Khi đó anh Phan Hiền, Giám đốc Sở GTVT Kon Tum cùng đi với tôi đến để “giao” tôi cho anh Hà Đình Cẩn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư của Bộ kiêm Chủ nhiệm Văn phòng thường trực (VPTT) này vì tôi đang là Phó Giám đốc Sở giúp việc cho anh Phan Hiền đến nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng thường trực giúp việc cho anh Hà Đình Cẩn. Đó là hai người Anh, hai người Thủ trưởng trực tiếp mà tôi rất kính trọng, mến phục và thân thiết! Ngày 03/11, tức là 10 ngày sau đó, tôi mới nhận được Quyết định do Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn ký tiếp nhận, điều động và bổ nhiệm tôi làm Phó Chủ nhiệm VPTT cùng với Dương Tuấn Minh, một Phó Chủ nhiệm từ Cienco 5 ra (nay là Tổng Giám đốc Cửu Long CIP).

VPTT của chúng tôi lúc đó có 7 người là Anh Cẩn, anh Minh, tôi, Phạm Mai Hương (sau này là Trưởng phòng Kế hoạch của Ban), Khúc Mạnh Hải (sau này là Trưởng phòng Kế hoạch Cienco 1), Dương Văn Khôi (sau này là Thanh tra của Thanh tra Chính phủ), Nguyễn Văn Tâm (Lái xe) và 3 chuyên gia là Kỹ sư Cao cấp Đỗ Bắc (người của Tedi), anh Phúc (biệt danh là Phúc Kính) và anh Ca (nguyên Chuyên viên của Vụ Kế hoạch Đầu tư của Bộ).

Đó là những người đầu tiên làm nhiệm vụ chuẩn bị cho việc Đầu tư xây dựng Công trình Xa lộ Bắc Nam mà sau này được đổi tên thành đường Hồ Chí Minh, những công việc bắt đầu từ Huyền thoại.

Từ địa phương ra công tác ở Trung ương là cả một sự thay đổi vô cùng lớn lao, giống như mình đang đi trên dòng sông bay giờ ra với Đại dương, với Biển cả vậy. Thay đổi cả nhận thức, suy nghĩ và tầm vóc của nhiều vấn đề, đặc biệt là các mối quan hệ làm việc, quan hệ công tác…Tham dự các cuộc họp do các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ chủ trì tôi như được lớn lên lần nữa ở độ tuổi 37, 38 dù tôi đã là Phó Giám đốc sở GTVT từ năm 34 tuổi (1994). Nói lại điều này để thấy giá trị to lớn của những thu hoạch, những học hỏi về tư duy Lãnh đạo từ các đồng chí Lãnh đạo Cao cấp mà tôi được chứng kiến.

Cuối tháng 11/1997 anh Cẩn giao cho tôi cùng Kỹ sư Cao cấp Đỗ Bắc (chúng tôi hay gọi đùa với biệt danh “Bác Nhanh” – tuy đã có tuổi nhưng rất khỏe mạnh, dẻo dai, làm gì cũng rất nhanh) dẫn đoàn làm phim của Xưởng phim Tài liệu Trung ương do Đạo diễn NSƯT Lò Minh (Chúng tôi gọi đùa là “Thái tử” – con trai của “Thủ lĩnh dân tộc Thái – Mèo” Lò Văn Hặc) và anh Nguyễn Khánh Toàn phụ trách. Mục đích của đoàn làm phim là xây dựng một bộ phim tài liệu, quay những cảnh hiện tại từ Bắc vào Nam khi chưa có Xa lộ Bắc Nam để sau này có tư liệu để so sánh Trước và Sau khi có Xa lộ. Vì là người chủ trì vạch tuyến cho Xa lộ Bắc Nam nên “Bác Nhanh” dự kiến lộ trình chuyến đi xuyên Việt gồm hai chặng. Những ngày đầu đi Cao Bằng, lên hang Pác Bó; chặng sau đi dọc phía Tây theo các tuyến đường hiện hữu từ Hà Nội đi Xuân Mai (Hà Tây) qua Chợ Bến, Xóm Kho (Hòa Bình) đi Ngọc Lặc, Lam Kinh (Thanh Hóa) đến Tân Kỳ (Nghệ An) vào Khe Cò (ranh giới Nghệ An – Hà Tĩnh) rồi đi Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng rồi lên Tây Nguyên và vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đi đến đâu chúng tôi cũng liên hệ với các Sở GTVT sở tại, các đơn vị thuộc Bộ GTVT để thu thập số liệu, ghi hình … cũng có lúc phỏng vấn cả người dân.

Đáng tiếc vì nhiều lý do khác nhau, đến nay bộ phim tư liệu ấy đã không được hoàn thành như ý định ban đầu.

Do khó khăn về vốn đầu tư trong cả nước, đầu năm 1998 Công trình Xa lộ Bắc Nam là một trong 8 công trình phải dừng, giãn tiến độ. Công trình đang khẩn trương làm công tác lập Dự án đầu tư bỗng dừng lại. Để có kinh phí hoạt động cho VPTT anh Cẩn cử tôi vào gặp anh Lê Long Dình, Tổng Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận ở Thành phố Hồ Chí Minh, rồi vào Đà Nẵng gặp anh Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Công ty Tư vấn Giao thông 5 để vay tiền. Đúng là lúc khó khăn phải nhờ những người anh em trợ giúp mới hiểu được tấm lòng hào hiệp, nghã tình của nhau, mới thấu hiểu thêm câu: “miếng khi đói gói khi no”, rằng “qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”… Có những hôm anh Cẩn và tôi, hai anh em rủ nhau ra ngồi vỉa hè ăn miến ngan uống bia hơi Hà nội tâm sự về cuộc sống, lẽ đời, công việc để hiểu thêm về nhau. Suýt chút nữa tôi đã chuyển công tác sang cơ quan khác rồi ấy chứ. Anh Cẩn bảo tôi: Thôi ông ở lại đi anh em mình tiếp tục chiến đấu, vượt qua khó khăn này. Tôi bảo: Anh bảo em ở thì em ở lại với anh chứ! Những thời khắc buồn nhất, bi quan nhất trong sự nghiệp công tác đó luôn in đậm trong tôi không thể phai mờ.

Trong khoảng thời gian chờ đợi để Công trình khởi động trở lại, có một lần tôi nói với anh Cẩn: “Bây giờ mà có mưa bão làm đứt đường không đi lại được thì mọi người mới thấy cần phải đầu tư xây dựng ngay Công trình này anh nhỉ”. Quả nhiên đến tháng 8 rồi tháng 9/1998 hai trận “Đại hồng thủy” liên tiếp xẩy ra ở miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và của, QL 1A nhiều đoạn bị ngập sâu, đèo Hải Vân bị sạt lở đứt đường cả một đoạn dài, giao thông bị ách tắc đình trệ trong một thời gian.

Bộ Chính trị triệu tập họp để nghe báo cáo về Công trình Xa lộ Bắc Nam. Anh Cẩn cùng Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn trực tiếp báo cáo tại cuộc họp. Họp về anh Cẩn nói lại cho chúng tôi biết chủ trương của Bộ Chính trị là: Đổi tên Công trình Xa lộ Bắc Nam thành đường Hồ Chí Minh và cho triển khai đầu tư xây dựng ngay đoạn từ Hà Tĩnh vào đến Kon Tum. Tất cả chúng tôi đều nhận thức được tầm quan trọng của Dự án và tính chất cấp bách của nó để tập trung toàn lực vào việc triển khai thực hiện ngay.

Về tổ chức triển khai thực hiện Dự án, lâu nay về chỉ đạo có Ban chỉ đạo cấp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn làm Trưởng Ban, thành viên là Lãnh đạo các Bộ có liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ KHĐT, Bộ TC, Bộ XD, Bộ LLĐTB&XH, Trung ương Đoàn TNCS HCM…Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo ngoài nhiệm vụ làm công tác Văn phòng cho Ban chỉ đạo còn làm nhiệm vụ tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GTVT về chuyên môn của Dự án, tương tự như nhiệm vụ của Vụ KHĐT vậy. Tư vấn Tổng thể của Dự án là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT Tedi do Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Long làm Tổng giám đốc.

Tuy nhiên với tình hình mới thì cần phải tổ chức lại công việc quản lý điều hành thực hiện Dự án, vì vậy anh Cẩn giao cho tôi dự thảo mô hình tổ chức.
Tôi đề xuất 3 phương án:

1. Giữ nguyên như hiện nay (VPTT Ban chỉ đạo Nhà nước và các Ban QLDA của Bộ).
2. Giữ nguyên VPTT Ban chỉ đạo Nhà nước và thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh.
3. Thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ GTVT trên cơ sở chuyển nguyên trạng bộ khung VPTT Ban chỉ đạo sang Ban này.

Sau khi họp với Bộ trưởng về anh Cẩn nói với tôi rất ngắn gọn: Bộ trưởng chọn phương án 3, ông xuống làm việc với Vụ Tổ chức Cán bộ đi nhé.

Tôi xuống Vụ TCCB đóng ở tầng 3 gặp anh Phạm Thế Minh, Vụ trưởng (sau này là Thứ trưởng Bộ GTVT), anh Minh giao cho anh Nguyễn Duy Huy (sau này là phó Vụ trưởng), anh Trần Văn Lâm (sau này là Vụ trưởng) dự thảo quyết định thành lập Ban QLDA ĐHCM. Ngày 11/8/1999, Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn ký Quyết định, anh Huy thông báo với tôi: Số Quyết định là 1972, “9 nút”, đúng ý thích của sếp Cẩn nhé! Tự dưng tôi thấy không “cảm tình” với số này vì là “số lùi” nên tôi sang phòng làm việc của anh Cẩn đề nghị thay số khác cho “nó tiến”, anh Cẩn đồng ý. Vậy là tôi xuống Văn thư của Bộ đề nghị cho đổi số Quyết định. Lúc này đang là seri 19…và sẽ là 20…do đó chỉ còn số 1999, “8 nút” là phù hợp với ý thích của chúng tôi thôi. Vậy là Quyết định chính thức có số 1999/1999. Quyết định này đặc biệt ở chỗ có 3 số 1999: QĐ số 1999/1999 ngày 11/8/1999.

Thông qua các mối quan hệ công tác, bạn bè của anh Cẩn, tôi được làm quen và ấn tượng nhất là Tiến sỹ Phạm Quang Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính Phủ (đã mất) người đã góp công rất lớn để tham mưu giải quyết các thủ tục, chuyển tải các ý kiến chỉ đạo, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đối với Công trình Xa lộ Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh sau này. Đặc biệt là Quyết định Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 số 18/QĐ TTg ngày 03/02/2000, trùng với kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Quyết định 18 này là một quyết sách cực kỳ kịp thời, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Một Quyết định của Ý Đảng – Lòng Dân.

Trở lại với Quyết định đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 số 18/QĐ TTg ngày 03/2/2000, bản thảo ban đầu của Quyết định này khi đó do Ban QLDA đường Hồ Chí Minh dự thảo, người trực tiếp soạn thảo là tôi.

Tôi nhớ vào khoảng cuối năm 1999 một hôm Tiến sỹ Phạm Quang Minh vào phòng làm việc của tôi và bảo: “Sơn ơi, mình dự thảo Quyết định đầu tư đường Hồ Chí Minh đi.” Tôi phấn khởi ngồi ngay vào máy tính và soạn thảo cùng anh Minh. Vì trước đó đã có rất nhiều bản báo cáo về Dự án nên chỉ việc lấy ra để “sao chép, cắt dán” rồi thêm bớt câu từ cho phù hợp, tuy vậy cũng phải mất cả tuần lễ bản thảo mới hoàn thành. Trong khi tôi ngồi soạn thảo, một hôm anh Cẩn đến và đứng trước cửa phòng tôi chỉ đạo tôi: Sơn này, cậu đưa Tổng mức đầu tư (TMĐT) Dự án lên 5.300 tỷ nhé, đừng để 4.800 tỷ sợ sau này thiếu đấy. Tôi đáp: Vâng anh, nhưng số liệu của Tedi đưa ra có 4.800 tỷ, bây giờ đưa lên 5.300 tỷ thì phải lý luận thêm thế nào cho hợp lý anh ạ.

Qui mô ban đầu của Giai đoạn 1 ứng với TMĐT 4.800 tỷ là rất “khiêm tốn”: Cầu, cống bê tông cốt thép; nền đường rộng 9m, mặt đường làm bằng cấp phối thiên nhiên rộng 7m, những đoạn đèo dốc có độ dốc dọc từ 5% trở lên mới được láng nhựa mặt đường. Tuyến chính có điểm đầu là Xuân Mai (Hà Tây) điểm cuối là Ngọc Hồi (Kon Tum) dài khoảng 850 km (trừ đoạn Cam Lộ - Túy Loan dài 205 km chưa làm vì gần QL 1A) và Nhánh Tây dài 500 km (Khe Gát-Quảng Bình → Khe Sanh -Quảng Trị, đi trùng QL 9 về ĐăK Rông đi Thạnh Mỹ -Quảng Nam), tổng cộng đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 1.350 km.

Hai anh em thảo luận một lúc rồi chốt lại là: TMĐT Giai đoạn 1 là 5.300 tỷ ứng với mặt đường beton nhựa. Vào thời điểm ấy con số 5.300 tỷ là vô cùng lớn, chúng tôi cũng không dám tin là sẽ có vốn để đầu tư.

Tôi chuyển bản thảo cho anh Minh và chờ đợi. Mãi cho đến đầu tháng 02/2000 chuẩn bị nghỉ tết Canh Thìn thì đúng 28 tết anh Cẩn thông báo cho tôi là Thủ tướng đã ký Quyết định đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 rồi, đó là ngày 03/02/2000, số QĐ là 18/QĐ TTg, mà sau này thường được gọi tắt là Quyết định 18.

Anh em chúng tôi mừng vô kể, vậy là đường Hồ Chí Minh từ trong Huyền thoại đã sắp trở thành Hiện thực. Quyết định 18 này đã đặt nền móng pháp lý vô cùng quan trọng để triển khai đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Sau một thời gian xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng, đến nay các khối lượng (kể cả phát sinh bổ sung) và giá trị của Dự án theo QĐ 18 này đã được Bộ GTVT và Bộ Tài Chính quyết toán.

Tôi viết Kỳ 4 này vào dịp Kỷ niệm 17 năm thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và đồng thời cũng là thay cho nén hương thơm tưởng nhớ đến Tiến sỹ Phạm Quang Minh (đã mất vì bạo bệnh), người anh, người đồng chí, người bạn vong niên thân thiết của tôi, người đã đồng hành góp sức mình cùng chúng tôi tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh từ những ngày đầu tiên, từ những giờ phút khó khăn tưởng như không thể vượt qua cho đến khi đường Hồ Chí Minh từ Huyền thoại đã thành Hiện thực!

Phạm Hồng Sơn |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bat-dau-tu-huyen-thoai-nhung-quyet-dinh-co-tinh-lich-su-63933