Bắt đầu 2 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội: 'Nóng' ngay từ đầu với giáo dục và giao thông

Bắt đầu từ sáng nay (26-10), Quốc hội sẽ dành 2 ngày thảo luận tại hội trường về Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận sáng 26-10.

Quốc hội cũng sẽ đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, riêng nội dung ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn sẽ được dành cả ngày thứ 2 (29-10) để đại biểu tập trung thảo luận chuyên sâu hơn.

Về nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội trong 2 ngày, Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách và thảo luận tại tổ.

Trong quá trình thảo luận, Đoàn chủ tịch sẽ mời các thành viên Chính phủ giải trình về nội dung các đại biểu, nhân dân và cử tri quan tâm. Với 69 đại biểu đăng ký phát biểu trong buổi sáng đầu tiên, phiên thảo luận bộc lộ sức "nóng" ngay từ đầu với những vấn đề về giáo dục, giao thông được đặt ra mà theo đại biểu là "điểm đen" không đáng có.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An).

"Đứng trên thành công nhìn lại, chúng tôi thật sự khâm phục trước những bước phát triển ngoạn mục của nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua. Cử tri trân trọng biết ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cảm nhận về một Chính phủ gần dân, thương dân, trọng dân đang có sức lan tỏa trong lòng cử tri cả nước. Đó là những điểm sáng, điểm mừng mà qua tiếp xúc cử tri đại biểu ghi nhận được" - ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ.

Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu cử tri còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước tình trạng thất thoát lãng phí trong đầu tư công còn quá lớn. Nếu như đầu nhiệm kỳ nhiều ĐBQH lên tiếng phản ứng gay gắt vì 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ do Bộ Công Thương quản lý thì đến bây giờ lại phát sinh thêm các dự án do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý. Đơn cử như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ vừa nghiệm thu thông xe chỉ sau vài trận mưa đã hỏng...

"Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm 1222,352 tỷ đồng và 97,2 triệu USD. Cứ tình trạng điều chỉnh tăng thêm và kéo dài thời gian thế này thì thất thoát lãng phí là nhiều vô kể. Cử tri đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội cần xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây nhà nước giao cho Bộ quản lý xây dựng Dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam và nhiều công trình giao thông quan trọng của đất nước với tổng mức đầu tư hàng triệu tỷ đồng thì thất thoát rất lớn là điều khó tránh khỏi" - đại biểu đoàn Nghệ An bày tỏ.

Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, đại biểu nêu cử tri tri tỏ ra thất vọng vì đổi mới thi cử là khâu đột phá trong cải cách giáo dục, với kỳ thi "2 trong 1" xem ra khó thành công và còn có quá nhiều lỗ hổng.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu ví dụ: "Năm 2017, đề thi quá dễ đã tạo ra cơn mưa điểm 10 gấp 40 lần so với 2016 và bi kịch là có những em 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng 1. Năm 2018 đề thi lại quá khó và phát hiện ra chuyện động trời là gian lận trong thi cử. Đây là những "điểm đen" không nên có".

Nhiều đại biểu phát biểu tiếp theo cũng tập trung phân tích và nêu các vấn đề sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ về những tồn tại trong các lĩnh vực giáo dục, giao thông, quy hoạch, xây dựng...

Phiên thảo luận được truyền hình và phát thanh trực tiếp để nhân dân và cử tri theo dõi.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/916840/bat-dau-2-ngay-thao-luan-ve-kinh-te---xa-hoi-nong-ngay-tu-dau-voi-giao-duc-va-giao-thong