'Bát cơm chan đầy nước mắt' của nàng dâu được để phần

Nàng dâu tủi nhục khi phải chịu cảnh ăn cơm thừa canh cặn sau cả chó.

Có những bữa cơm quây quần, ấm cúng nhưng cũng có bữa cơm chan đầy nước mắt mà lý do chẳng hề to tát, chỉ xung quanh việc để phần.

Hình ảnh mâm “cơm thừa canh cặn” những nàng dâu chia sẻ từng bị hồ nghi là chiêu trò câu like bởi ai nấy đều nghĩ, thời này đâu còn kiểu phần cơm như thế. Nhưng, đó lại là chuyện thực 100% mà chính các nàng dâu cũng ngờ không, lại “rơi trúng đầu mình”.

Hì hục đi chợ, nấu nướng nhưng lúc ăn cơm, nàng dâu lại bận cho con ăn. Và đây là "bãi chiến trường" khi cô quay lại

“Ăn cơm sau cả chó”

3 năm làm dâu, số bữa cơm tối N.H. (sinh năm 1989, Thanh Hóa) được ăn cùng gia đình chỉ đếm trên đầu ngon tay. Mỗi lần phải ăn sau nhà chồng, cô đều “lấy nước mắt chan canh”.

Nhắc đến mâm cơm để phần, N.H xua tay: “Đấy không gọi là để phần mà gọi là ăn thừa, thậm chí, cơm người không ngon bằng cơm chó vì ăn sau nó”.

Cô đi làm xa nhà 20 cây số nên chỉ ăn bữa tối cùng gia đình. Hôm nào hôm nấy, vừa tắt bếp bưng đồ ăn ra ngoài, cô đã thấy gia đình chồng xúm quanh mâm cơm, mặc kệ nàng dâu hí hoáy lau dọn, tắm giặt.

Tôi còn cứ ngỡ mọi người chờ cơm, nào ngờ đến khi vào thì chỉ còn một đống lộn xộn, rau còn một nhúm, canh còn mấy thìa… Vừa ăn vừa lã chã nước mắt”, H. kể.

H. rút kinh nghiệm, cùng gia đình ăn uống xong xuôi mới đi làm việc khác nhưng cô lại tủi thân khi thấy bố mẹ chồng, em chồng ý ới gọi nhau ăn cơm, chỉ riêng tên cô không bao giờ được nhắc đến.

Mâm cơm tan nát khiến nàng dâu chạnh lòng

Thời gian nuôi con nhỏ, H. càng chịu lắm nỗi tủi hơn xung quanh miếng ăn, miếng uống. Cô phải bón cho con nên thường ăn sau, đến lúc quay vào chỉ còn một mâm bát đũa lộn xộn chờ rửa.

Khi thì còn toàn những miếng không ngon, khi thì chỉ còn vài ngụm canh nuốt không nổi. Tủi nhất là lúc họ gọi chó đến ăn, còn mình thì vẫn lủi thủi đút cơm cho con nhỏ”, chị nói.

Bức xúc là vậy nhưng H. chỉ ngậm đắng chứ không dám góp ý hay tỏ thái độ. Có đôi lần cô chia sẻ với chồng nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy.

Rồi khi đã quen với việc ăn đồ thừa, H. thường cố tình bận rộn để được ăn sau vì không muốn bị bố mẹ chồng soi mói, lườm nguýt.

Hai năm làm dâu của chị Thanh Hằng (26 tuổi) cũng nhiều nỗi tủi hờn. Đó không chỉ là khi phải ăn cơm thừa trong những ngày tăng ca mà còn là lúc bị gia đình soi mói miếng ăn.

Nhà chồng chị thường xuyên có người lễ lạt, bánh kẹo bừa phứa. Thế nhưng, mỗi lần muốn ăn thứ gì đó, chị đều phải giấu diếm vì sợ bị mẹ chồng nói xấu sau lưng là “tham ăn tục uống”.

Đây là "đĩa thịt gà" mẹ chồng phần cho nàng dâu

Nhiều lần mua hoa quả về, chị chưa kịp động đến đã hết veo, đôi khi là nhà chồng ăn, đôi khi là mẹ chồng đem cho hàng xóm.

“Nếu hỏi đến chỗ hoa quả đó, kiểu gì mẹ chồng cũng nói: “Tưởng chị ăn no ngoài đường, ngoài chợ rồi nên tôi không phần”. Nghe có cay đắng không?”, chị ngậm ngùi.

Thế nhưng, nỗi uất ức ấy chưa thấm vào đâu so với những lần em chồng đưa con cái về chơi. Ăn uống xong xuôi, một mình chị hì hục rửa hai mâm bát đũa, còn họ quây quần ăn hoa quả tráng miệng.

“Có lần mẹ chồng bảo: “Rổ vải thiều để ở nhà trong, vào mà ăn”, mà trời ơi, rổ hoa quả đó là một rổ vỏ, chỉ còn vài quả xấu xí”. Uất ức lắm, chỉ mong thoát ra khỏi cái nhà ấy ngay lập tức”, chị bức xúc.

Cả hai nàng dâu hẩm hiu đều cho rằng, đối với nhà chồng, họ không phải người thân mà là kẻ hầu người hạ. Những chuyện nhỏ xảy ra xunh quanh miếng ăn khiến họ cảm thấy bị coi thường, cũng từ đó mà tình cảm đối với nhà chồng dần sứt mẻ.

Để phần cơm thế nào cho đúng cách?

Có rất nhiều chuyện “xô đũa, lệch bát” xuất phát từ mâm cơm gia đình. Trong nhiều năm tư vấn, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa từng nhận được nhiều lá thư tâm sự xung quanh chuyện này.

Nhìn mâm cơm thế này, nàng dâu phải ứa nước mắt

Chuyên gia khẳng định, bữa ăn trong gia đình rất quan trọng, là cơ hội gắn kết tình cảm gia đình. Thế nhưng, ở thời đại “lắm công nhiều chuyện”, không phải ai cũng được cùng gia đình quây quần dùng bữa.

Theo ông, nỗi tủi hờn khi phải ăn “cơm thừa canh cặn” là cảm xúc dễ hiểu bởi, ai cũng muốn được ăn cơm ngon, canh ngọt, đồ ăn sạch sẽ, nóng hổi.

Hơn nữa, cách ăn uống, để phần còn thể hiện sự quan tâm, yêu thương các thành viên dành cho nhau. Không được ăn cơm gia đình đã là thiệt thòi, thêm chuyện phải ăn đồ thừa thì khó tránh được cảm giác chạnh lòng.

“Thế nên, chuyện ăn uống ra sao, để phần thế nào để người ăn sau thấy ấm lòng không thể xem nhẹ”, chuyên gia khẳng định.

Miếng ăn tưởng chừng là chuyện vụn vặt nhưng lại có ý nghĩa quan trọng (ảnh minh họa)

Chuyên gia tâm lý gợi ý, cách để phần lịch sự nhất là để mỗi phần thức ăn ra bát, đĩa riêng, sau đó xếp vào mâm sạch sẽ cùng chiếc bát và đôi đũa mới.

Thường thì người ăn trước sẽ chọn miếng ngon để phần cho người ăn sau, nhiều ít tùy theo mâm cơm gia đình.

“Xuề xòa nhất cũng phải để thức ăn gọn gàng ở một góc đĩa, không ai động vào. Mâm cơm để phần phải sạch sẽ, gọn gàng thì người ăn sau mới thấy được yêu thương, tôn trọng”, chuyên gia nói.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, mâm cơm để phần bừa phứa, đôi khi không xuất phát từ sự ghét bỏ mà do thói quen xuề xòa trong chuyện ăn uống của người ăn trước. Đó là thói quen thiếu lịch sự mà mỗi người đều phải thay đổi để tình cảm gia đình bền vững hơn.

Về phía các nàng dâu, chuyên gia đưa ra lời khuyên, không nên vì chuyện này mà hậm hực, ghẻ lạnh cha mẹ chồng.

Thay vì cãi vã hay ngậm ngùi để nỗi bức xúc đó tích tụ ngày một lớn, nàng dâu nên chủ động để phần cơm lịch sự nếu có cơ hội ăn trước. Nhìn vào đó, các thành viên còn lại trong gia đình sẽ hiểu và dần thay đổi.

Hạ Nhiên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/song-tre/bat-com-chan-day-nuoc-mat-cua-nang-dau-duoc-de-phan-770886.html