Bắt chước

Hàng nhái hàng thật lắm khi lẫn lộn y như yêu quái trong Tây Du Ký. Nếu sao chép y chang hàng thật thì sẽ đối mặt với làm hàng giả. Vì vậy, các nhà sản xuất nghĩ đủ chiêu lách luật, miễn sao gây cảm giác cho người tiêu dùng có vẻ hàng xịn.

Một nghìn lẻ một cách nhập nhèm nhận diện hình ảnh có thể kể như sau: Giày MIKE thay cho NIKE; Logo SUNBUCKS COFFEE thay cho STARBUCKS COFFEE; Máy laptop dùng logo 1 quả táo lành lặn thay cho quả táo cắn dở của hàng APPLE; Logo ADIDOGS thay cho ADIDAS; Logo áo nhái LACOSTE thì có hẳn 2 con cá sấu nhe răng hơn 1 con ở logo chính hãng.

Có ông chủ vườn thú hài hước đến mức cho cả ngao Tây Tạng vào để giả làm sư tử. Chiếc ôtô X7 của hãng xe Landwind có nhái giống hệt Range Rover Evoque và mức giá rẻ bằng một phần tư. Rẻ như cho.

Mỹ đã mua phải lô hàng nhái trị giá hơn 20 triệu USD do Trung Quốc sản xuất trong giai đoạn 2013-2018, trong đó gồm 200 bộ áo khoác "tàng hình" chuyên đối phó kính hồng ngoại để trang bị cho binh sĩ không quân Mỹ tham chiến tại Afghanistan.

Loại áo khoác chính hãng hấp thụ bức xạ cận hồng ngoại, khiến người mặc gần như tàng hình trước các loại kính nhìn đêm. Áo nhái không có công nghệ đó, các binh sĩ được phát loại áo này cũng không biết mặc phải hàng nhái. Rất nguy hiểm cho tính mạng của họ.

Minh họa: Tả Từ

Minh họa: Tả Từ

Một quan chức Mỹ cảnh báo cần chấm dứt việc lắp linh kiện trôi nổi vào các thiết bị quân sự Mỹ. Không thể để một linh kiện giá 2 USD làm lệch đường đi của một quả tên lửa triệu USD Tomahawk.

Một số du khách Hàn Quốc rất thích mua hàng nhái của Trung Quốc. Một phần là giá hàng nhái quá rẻ, phần khác là thời trang phù du theo mốt. Đi đôi giày nhái Italia rồi selfie (tự chụp) dăm bữa quẳng đi được rồi.

Một số người nước ngoài thích vào trang mạng Việt Nam chỉ vì được nghe, tải nhạc vô tận không một xu bản quyền. Họ có thể kể vanh vách tên những ca sĩ được yêu thích như Phương Ly, Sơn Tùng… Họ không quan tâm trang mạng đó có phải là tên trùm trộm không. Tác động kêu gọi "nghe có ý thức" của nhạc sĩ Quốc Trung và một số nhạc sĩ khác chưa thực sự làm thay đổi đời sống.

Mới đây, Đài Truyền hình đã ngừng phát sóng phim cổ trang "Thịnh Đường huyễn dạ" vì theo phản ảnh của khán giả phim này đã sử dụng Nhã nhạc cung đình của Việt Nam vào bối cảnh nhà Đường. Cụ thể là bài "Lưu thủy kim tiền".

Nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ trên tài khoản cá nhân của mình: "…nguy hiểm nhất là không biết mục đích của những người làm phim này như thế nào. Song, nếu chỉ đơn thuần xét về khía cạnh khai thác âm nhạc nước ngoài vào phim làm nhạc phim thì nhiều nước đã làm, không riêng Trung Quốc.

Nếu nhìn ở khía cạnh này thì cũng có thể nhẹ lòng, và thậm chí thấy vui vì nhạc của mình có hay người ta mới động đến. Song qua đây, có lẽ cũng nên sớm tôn vinh những bản nhạc lễ trong văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam thành di sản quốc gia… một mặt để tri ân tổ tiên, một mặt cũng là để khẳng định "chủ quyền" quốc gia về âm nhạc".

Chủ quyền rút gọn lại như một cá nhân sáng tạo. Khi sản phẩm của mình bị nhái và trở nên quen thuộc với thị trường, tác giả của tác phẩm có nguy cơ bị kiện ngược về bản quyền; có khi tác giả sẽ bị gán cho danh hiệu đạo nhạc. Tác giả dù không muốn phiền phức vẫn phải vào cuộc vì sợ mình sẽ bị tố là ăn trộm. Nói rộng ra, bản quyền là tư thế quốc gia.

Còn bạn. Bạn có ủng hộ nghe nhạc "chùa" trên mạng không?

Lê Tâm

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/bat-chuoc-593870/