Bắt Chủ tịch Công ty Đại Nam: Bao nhiêu người đã bị khởi tố liên quan đến VEAM?

Hàng loạt những sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và công ty con, nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo của VEAM bị khởi tố, trong khi vụ án vẫn đang được mở rộng điều tra.

Ngày 10/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Quang Tiến (trú tại phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Đại Nam và Đào Quốc Việt, nguyên Giám đốc Công ty CP Vận tải và Thương mại VEAM (Vetranco) – công ty con của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Trần Quang Tiến và Đào Quốc Việt bị bắt tạm giam để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS năm 2015.

Bị can Đào Quốc Việt và Trần Quang Tiến. (Ảnh Bộ Công an)

Bị can Đào Quốc Việt và Trần Quang Tiến. (Ảnh Bộ Công an)

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định: Đào Quốc Việt, nguyên Giám đốc Vetranco và Trần Quang Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Đại Nam, đã có hành vi thông đồng để ký kết, thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hóa khống lòng vòng giữa các công ty, chuyển tiền thanh toán trái quy định rồi chiếm đoạt, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước với tổng số tiền 182,9 tỉ đồng.

Việc bắt giữ hai bị can Trần Quốc Tiến và Đào Quốc Việt là kết quả của quá trình điều tra mở rộng đối với những sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Trước đó, trong quá trình điều tra vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Nhà máy ô tô VEAM theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 05/CSKT ngày 10/01/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, ngày 13/1/2020, C03 đã ra các Quyết định khởi tố bị can, đối với Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc nhà máy ô tô VEAM và Trần Thị Thanh Tâm, cán bộ nhà máy ô tô VEAM về tội “Tham ô tài sản” và áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam.

Bị can Nguyễn Đức Toàn và Trần Thị Thanh Tâm.

Nhà máy ô tô VEAM là dự án của VEAM, có địa chỉ tại tỉnh Thanh Hóa. Dự án này được triển khai từ năm 2004 với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là khoảng 600 tỉ đồng, bằng cách mua lại nhà máy từ Hàn Quốc.

Theo dự kiến, Nhà máy ô tô VEAM sẽ đi vào hoạt động sau 18 tháng tháo dỡ, vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam lắp đặt. Tuy nhiên quá trình thực hiện dự án gặp nhiều trục trặc dẫn đến chậm tiến độ.

Kết luận Thanh tra của Bộ Công Thương đầu năm 2019 cho thấy, đến 31/12/2018, tổng vốn đầu tư VEAM chuyển cho dự án nhà máy ô tô này lên đến gần 2.000 tỉ đồng và lỗ lũy kế 343 tỉ đồng. Hàng tồn kho vào thời điểm 31/12/2018 là 2.950 xe, trong đó xe sản xuất từ 2017 trở về trước là 2.355 và xe sản xuất từ 2015 về trước là 219 xe, gây thua lỗ nặng cho VEAM.

Hồi tháng 8/2019, C03 cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra ở VEAM và một số đơn vị thành viên.

Trong đó, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc VEAM và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH máy kéo và máy nông nghiệp (TAMAC), cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị can Trần Ngọc Hà

Mới đây nhất, ngày 7/3/2020, C03 đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/CSKT và ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Hà (bị can đã bị khởi tố trước đó trong vụ án); Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Vũ Quang Tâm, nguyên Phó Tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng quản trị VEAM, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Bị can Vũ Quang Tâm.

Như vậy, tính đến nay đã có 8 người bị khởi tố, bao gồm: Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Vũ Từ Công, Phó Tổng Giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH Máy kéo nông nghiệp (những người này bị khởi tố hồi tháng 8/2019); Trần Quang Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP tập đoàn Đại Nam; Đào Quốc Việt, nguyên Giám đốc Công ty CP Vận tải và Thương mại VEAM cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Riêng Nguyễn Đức Toàn, Phó giám đốc nhà máy ô tô VEAM và Trần Thị Thanh Tâm, cán bộ nhà máy ô tô VEAM bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”.

Liên quan tới vụ án, trước đó vào tháng 5/2019, Bộ Công Thương đã công bố kết quả thanh tra tại VEAM. Liên quan đến việc kinh doanh, nhập khẩu 1.500 bộ linh kiện ô tô Changan, kết luận thanh tra chỉ rõ việc ông Trần Ngọc Hà đã ký hợp đồng cầm cố giấy tờ giá do Sacombank phát hành để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto với số tiền 136,72 tỉ đồng khi chưa được sự phê chuẩn của Hội đồng quản trị VEAM.

Ông Trần Ngọc Hà cũng đã đồng ý để Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM mua 3000 bộ linh kiện của TCG để lắp 3000 xe ô tô Hyundai trong năm 2017 khi không có kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017, không có phương án kinh doanh số ô tô này. Điều này dẫn đến tồn kho cuối năm 2017 cao (5588 xe), gấp hơn 2 lần so với kế hoạch tồn kho giao. Ngoài ra, ông Trần Ngọc Hà liên quan đến việc kinh doanh, nhập khẩu 2.010 bộ linh kiện xe ô tô Hyundai 72.

Hiền Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/24h/bao-nhieu-nguoi-da-bi-khoi-to-vi-lien-quan-den-vu-an-veam-269330.html