Bất chấp quy định, lễ hội vẫn bị thương mại hóa

Mùa lễ hội xuân Mậu Tuất năm nay dù cơ quan chức năng đã phối hợp với các địa phương nhằm đẩy lùi tình trạng thương mại hóa, bạo lực… Tuy nhiên, đáng buồn tình trạng đó vẫn chưa xử lý được triệt để.

Liền anh liền chị mời trầu tại hội Lim. Ảnh: T.H

Hội Lim 10.000 đồng/cốc trà đá

Ngày 28/2/2018 (13 tháng Giêng) hội Lim chính thức khai mạc. Rất đông khách thập phương từ các địa phương, các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội… đã đổ về trẩy hội.

Hội Lim được tổ chức theo nghi thức truyền thống. Phần tế lễ diễn ra tại khu vực lăng Quận công Nguyễn Đình Diễn, chùa Hồng Ân và phần hội bao gồm; các trò chơi dân gian như Đu tiên, bịt mắt bắt dê, đập niêu, tổ tôm điếm, vật truyền thống, kéo co, thi đấu cầu lông, bóng chuyền hơi, các hoạt động hát quan họ… Tổ chức hát quan họ tại 6 lán và trên sân khấu chính của lễ hội, hát quan họ tại cửa đình, cửa chùa, dưới thuyền tại 10 làng thuộc 3 xã xung quanh đồi Lim, mời các nghệ nhân, câu lạc bộ từ các làng quan họ gốc về trình diễn…

Ngoài ra, cũng có các hoạt động tổ chức hát quan họ tại gia đình các nghệ nhân, hát giao lưu, hát đối đáp quan họ tại các lán trại quan họ và trên sân khấu chính phục vụ du khách.

Tuy nhiên, ngay khi bước chân vào hội, nhiều du khách rất bức xúc vì bị "chặt chém". “Đoàn chúng tôi đã bị "choáng" khi uống 1 cốc trà mà lấy đến tận 10.000 đồng. Trước khi vào, chủ quán cũng không thông báo giá cả để rồi chặt chém thế này là quá thể đáng và chủ quán khẳng định cái này là huyện cho phép(?!). Chúng tôi rất ủng hộ bảo tồn màu sắc của lễ hội phi vật thể, thế nhưng cách thức bảo tồn như thế này thì quá thất vọng"- một du khách đến từ Hải Phòng bức xúc.

Nhiều năm qua, theo quy định của Ban tổ chức, các liền anh, liền chị hát tại các khu vực không được nhận tiền của du khách. Mùa lễ hội xuân Mậu Tuất năm nay, Ban tổ chức hội Lim còn dán tại từng điểm hát bảng nội quy, trong đó có quy định cấm nhận tiền. Trong đó, ghi rõ nếu đội hát nào bị phát hiện nhận tiền của du khách sẽ bị đình chỉ hát quan họ ở các năm sau. Vậy nhưng, theo ghi nhận tại các điểm hát quan họ, các liền anh, liền chị vẫn mặc nhiên nhận.

Tuy nhiên, dư luận hiện nay lại có cách nhìn nhận hoàn toàn khác về hành động nhận tiền này. Nhiều ý kiến trên diễn đàn bình luận rằng, du khách cũng không dễ dàng tặng tiền các liền anh, liền chị, mà chỉ ở những điểm hát hay đi vào lòng người, rung cảm được trái tim của khách thập phương họ mới thể hiện tình cảm bằng hình thức tặng tiền.

Hội Lim năm nay đông hơn mọi năm. Ngoài việc liền anh liền chị nhận tiền của khách còn xuất hiện tình trạng cho thuê quần áo lộn xộn, gây phản cảm trong khu vực hội chính. Hình ảnh phản cảm này đã buộc Ban tổ chức yêu cầu phải thu dọn ngay lập tức. Theo phản ánh của cơ quan chức năng, vấn đề an ninh trật tự tại lễ hội trong ngày đầu tiên về cơ bản rất tốt.

Siết chặt cướp Phết, “đưa tiền lấy ấn”

Dù quyết tâm thắt chặt an ninh, siết chặt các vòng kiểm soát và xây dựng hẳn một kịch bản nhiều lớp song màn cướp phết tại lễ hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) vẫn diễn nhiều màn tranh cướp bạo lực, giẫm đạp lên nhau để tranh cướp phết với mong muốn cầu may đầu năm mới.

Bộ VH-TT&DL vừa có công văn khẩn gửi UBND tỉnh Phú Thọ chấn chỉnh công tác tổ chức Lễ hội Phết Hiền Quan. Dự kiến, lễ hội sẽ còn tiếp tục tổ chức đến hết ngày 28/2 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Mậu Tuất). Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ kịp thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND huyện Tam Nông có biện pháp chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan, không để tiếp tục xảy ra tình trạng bạo lực, phản cảm trong lễ hội. Bộ VH-TT&DL cũng khẳng định, trường hợp không có phương án đảm bảo an ninh trật tự, tính mạng, sức khỏe của người dân, để xảy ra tình trạng bạo lực, tranh cướp phản cảm trong lễ hội, đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ tạm dừng tổ chức lễ hội. Đồng thời, giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất phương án phục dựng lễ hội đúng với nghi thức của lễ hội truyền thống, đảm bảo tiết kiệm, văn minh lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, khơi dậy giá trị tốt đẹp trong hoạt động lễ hội.

Trong khi đó, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cũng yêu cầu Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm ở lễ hội đền Trần. Bố trí các điểm phát ấn thuận lợi cho người dân, du khách, có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm “đưa tiền lấy ấn”. Trong trường hợp để xảy ra các hiện tượng phản cảm, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tính mạng người tham gia lễ hội, Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm về quản lý hoạt động lễ hội theo quy định của Bộ VH-TT&DL quy định về tổ chức lễ hội.

Bức xúc trước mức thu phí ở Yên Tử

Những ngày đầu tháng Giêng Âm lịch, nhiều người du xuân, cúng lễ ở Yên Tử (Quảng Ninh) đã bất ngờ khi phải nộp phí tham quan. Khách hành hương Yên Tử phải mua vé với mức 40.000 đồng/người lớn và 20.000 đồng/ trẻ em. Chị Phùng Thị Nga (25 tuổi, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) nói rằng: "Chúng tôi không phản đối việc thu phí. Ở chùa Hương họ thu lâu rồi, nhưng mức phí hiện nay ở Yên Tử quá cao khiến khách thập phương về với đất Phật không thấy thoải mái. Điều du khách chúng tôi quan tâm nhất là tiền bán vé có được sử dụng đúng mục hay không. Nếu chúng tôi bỏ tiền mua vé hôm nay mà năm sau thấy di tích có nhiều thay đổi tích cực thì cũng vui lòng”. Nhiều ý kiến cho rằng, Yên Tử là trung tâm tâm linh lớn nhất Quảng Ninh nên việc thu phí ở đây là không hợp lý. Người dân khi đi lễ chùa thường có tiền công đức, đây là nguồn tiền dùng để tu bổ di tích.

Hà Phương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bat-chap-quy-dinh-le-hoi-van-bi-thuong-mai-hoa-20180301085626598.htm