Bất chấp pháp luật vận chuyển pháo nổ - 'Cơ hội' ăn Tết trong trại giam

Nguyễn Đỗ Thu Thủy (SN 2002, quê Hà Nam) bị Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ khi đang vận chuyển hàng chục kg pháo nổ để bán lấy tiền 'bay lắc'. Dịp Tết đến gần, người dân cũng cần hiểu đúng về loại pháo được phép sử dụng.

Người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa, ví dụ pháo bông.

Người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa, ví dụ pháo bông.

Bán pháo lấy tiền “bay lắc”

Ngày 1/1/2021, phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Hà Nam cho biết vừa bắt quả tang đối tượng Nguyễn Đỗ Thu Thủy (SN 2002, trú tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm) về tội Vận chuyển, mua bán pháo nổ trái phép.

Rạng sáng cùng ngày, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đảm bảo ANTT trong đêm Tết Dương lịch năm 2021, tại địa bàn thôn Thá, phường Liêm Chính, phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Công an phường Liêm Chính, TP.Phủ Lý, bắt quả tang đối tượng Thủy đang vận chuyển 12 dàn pháo hoa nổ loại 36 quả, 20 pháo cối, 2 bánh pháo dây tổng trọng lượng 20kg mang đi bán.

Tại cơ quan công an, bước đầu Thủy khai nhận mua số pháo trên của 1 đối tượng không quen biết ở cầu Thái Hà, huyện Lý Nhân về bán kiếm lời lấy tiền “bay lắc”.

Hiện phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh đã bàn giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Phủ Lý thụ lý giải quyết theo quy định.

Mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, các đối tượng buôn bán pháo lậu liên tục hoạt động. Công an các tỉnh đều đồng loạt ra quân để triệt phá hành vi buôn bán trái phép này. Mặc dù các đối tượng đều nhận thức hành vi vi phạm nhưng vì hám lợi nên bất chấp để thực hiện hành vi buôn bán, vận chuyển pháo lậu.

Trước đó, Công an huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vừa bắt quả tang đối tượng Trần Văn Hải (SN 1999, trú huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) về hành vi buôn bán pháo nổ trái phép.

Khi Trần Văn Hải đang vận chuyển pháo đem đi bán ở thôn Chợ, xã nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường thì bị Công an huyện Vĩnh Tường bắt giữ. Cơ quan công an đã thu giữ tại chỗ 71kg pháo nổ. Tiếp tục khám xét nơi ở của Trần Văn Hải, công an thu giữ thêm 2 hộp pháo nổ, 10 quả pháo trứng.

Tại cơ quan công an, Hải khai rằng, gia đình Hải đang làm ăn, buôn bán tại Hà Giang. Mặc dù biết rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vì thấy việc buôn bán pháo kiếm được nhiều lợi nhuận nên đã mua pháo từ Hà Giang, vận chuyển bằng xe khách về Vĩnh Phúc bán kiếm lời.

Thông tin với phóng viên, Công an tỉnh Phú Thọ cũng cho biết, vào ngày 28/12/2020, tại khu vực phường Dữu Lâu (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) tổ công tác của Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện xe ô tô BKS 30V- 6054 có biểu hiện nghi vấn.

Tiến hành kiểm tra, cơ quan công an bắt quả tang đối tượng Tô Văn Huy (SN 1982, trú phố Tân Quang, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đang có hành vi vận chuyển hàng cấm là pháo nổ. Tang vật thu giữ tại chỗ gồm 36 hộp pháo hình vuông và 5 quả pháo có dạng hình quả trứng. Tổng khối lượng 51kg.

Quá trình đấu tranh, đối tượng Huy khai nhận, khi đang vận chuyển thuê số pháo trên từ huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang về TP.Việt Trì để giao hàng cho 1 người không biết tên tuổi với giá 3 triệu đồng. Khi đi đến tổ 3C, khu Hương Trầm, phường Dữu Lâu, TP.Việt Trì thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ.

Nguyễn Đỗ Thu Thủy bị bắt cùng tang vật.

Phân biệt loại pháo người dân được sử dụng

Thông tin với phóng viên ĐS&PL, lãnh đạo Công an huyện Sơn Dương đã có phân tích cụ thể về loại pháo nào người dân được sử dụng theo đúng Nghị định số 137 được ban hành ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Trước tiên người dân được sử dụng pháo hoa và không được sử dụng pháo hoa nổ và pháo nổ. Do đó cần hiểu về các loại pháo này như sau:

Theo đó, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp. Khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Ví dụ: Một số loại pháo hoa thường thấy như que, nến, pháo bông khi đốt phụt ra các tia sáng đủ màu sắc mà không có tiếng nổ.

Pháo hoa nổ là loại pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Ví dụ một số loại pháo hoa nổ thường thấy: Pháo hoa nổ bắn vào đêm Giao thừa hằng năm, các loại pháo dàn, hộp 36 hoặc 48...

Theo quy định, pháo hoa sẽ được phép sử dụng trong các trường hợp như: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Người sử dụng pháo hoa phải có đủ năng lực hành vi dân sự (tức là người từ đủ 18 tuổi trở lên không phải là người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi.

Pháo nổ và pháo hoa nổ được sử dụng bởi các cơ quan có thẩm quyền trong các dịp cụ thể. Người dân tuyệt đối không được sử dụng pháo hoa nổ.

Chế tài xử lý

Cũng theo lãnh đạo Công an huyện Sơn Dương, hiện nay chế tài xử lý trường hợp vi phạm liên quan đến pháo nổ đã rất rõ ràng. Cụ thể, hành vi vi phạm về pháo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ- CP từ 500 nghìn đồng đến 40 triệu đồng.

Tương tự, hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo có thể bị xử lý hình sự theo các tội quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) phạt tù từ 01 năm đến 10 năm. Nghị định số 137 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/01/2021 và thay thế cho Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Vị lãnh đạo Công an huyện Sơn Dương khuyến cáo, để đảm bảo an toàn vui xuân đón Tết, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực hiện đúng các quy định về quản lý, sử dụng pháo.

Đặng Thủy

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (3)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/bat-chap-phap-luat-van-chuyen-phao-no-co-hoi-an-tet-trong-trai-giam-a352230.html