Bất chấp pháp luật, tự ý phá rừng nuôi tôm công nghiệp

Hơn 4 năm qua, hàng trăm hộ dân ở kênh Xẻo Đôi, ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) chịu trận trước việc hộ ông Nguyễn Văn Bạch tự ý phá rừng để nuôi tôm công nghiệp, xả thải bừa bãi ra môi trường.

Phần diện tích đất lâm nghiệp ông Bạch tự ý đào bới làm hầm nuôi tôm công nghiệp trái phép hơn 4 năm nay

Tháng 11/2013, ông Bạch tự ý đào bới đất rừng làm ao nuôi tôm công nghiệp với 3ha. Đến tháng 4/2014, ông hoàn thành 9 ao nuôi tôm cho đến nay. Trước sai phạm của ông Bạch, xã đã nhiều lần mời ông lên làm việc, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu trả lại nguyên trạng. Thế nhưng, vụ việc không được giải quyết thỏa đáng. Trái lại, ông Bạch vẫn ngang nhiên thả nuôi và thách thức người dân đi kiện.

Để rõ thêm, chúng tôi có chuyến thâm nhập thực tế thì được biết, gia đình ông Bạch có nhiều hầm tôm công nghiệp, một số ao tôm đang cải tạo để chuẩn bị thả nuôi. Điều đáng nói, khu vực này không nằm trong quy hoạch vùng nuôi tôm. Nhưng ông Bạch vẫn “vô tư” đào bới đất rừng để nuôi tôm suốt một thời gian dài, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Một người dân (giấu tên) cho biết: “Ông Bạch rất tự tung tự tác nên ai cũng e dè, không dám ho he gì”.

Được biết, phần đất trên được Cty Lâm nghiệp Ngọc Hiển quản lý, giao khoán bảo vệ rừng vào năm 1994 với diện tích 6,9ha. Tại đây, có 10 ao nuôi tôm rộng 2,74ha. Trong đó, có 8 ao lớn (để thả nuôi) và 2 ao nhỏ (để vèo tôm). Theo tìm hiểu, ông Bạch có 1 ao xử lý chất thải nhưng không xây dựng hệ thống lắng lọc xử lý theo đúng quy định. “Nguồn nước rất kém, không nuôi tôm được, bà con phải bít lại không dám lấy nước từ bên ngoài vào vuông. Đợi những con nước tốt, không có mùi hôi, mới dám lấy vào”, một người dân cho biết.

Cũng theo ông này, ông Bạch rất độc đoán nên mọi người đều tìm cách tránh va chạm với ông: “Vụ việc đã nhiều lần được địa phương đưa ra giải quyết, nhưng ông Bạch bất chấp. Hôm trước có đoàn kiểm tra tỉnh xuống lập biên bản, thì hôm sau ông lại cho máy vào san lấp, đào ao”.

Ông Phạm Quốc Thanh, Trưởng ấp Tân Tiến (xã Tân Ân Tây) cho biết, người dân không tìm được tiếng nói chung với gia đình ông Bạch. Trong khi xã không thể ngăn được hành vi của ông. “Người dân mong có biện pháp xử lý thỏa đáng. Huyện phải kiên quyết, trả lời dứt khoát để người dân biết cho nuôi hay là không. Chứ kéo dài, cuộc sống người dân địa phương xáo trộn”, ông Thanh bức xúc.

Còn ông Lê Minh Thùy, Chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây, cho biết, đầu năm 2014, xã đã lập biên bản và xử phạt 2 triệu đồng. Buộc ông Bạch phải khôi phục diện tích đất đã phá rừng để nuôi tôm về nguyên trạng ban đầu. Nhưng ông Bạch không chấp hành. Đến ngày 4/5/2015, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ngọc Hiển đi kiểm tra, lập biên bản và xử phạt 20 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, ông Bạch đã nộp phạt đầy đủ.

Về vấn đề khôi phục lại đất rừng thì ông này chỉ thực hiện được 2.250m2, còn 3.750m2 đang nuôi tôm công nghiệp.

Về bức xúc của người dân đối với việc đào bới đất rừng nuôi tôm và xả thải ra kinh Xẻo Đôi, gây ô nhiễm tới các hộ nuôi tôm xung quanh, khiến việc nuôi tôm dưới tán rừng của bà con thường xuyên mất mùa, ông Thùy cho biết, đang chờ kết luận của Sở NN-PTNT tỉnh.

TRẦN DUY

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/bat-chap-phap-luat-tu-y-pha-rung-nuoi-tom-cong-nghiep-post218115.html