Bất chấp nhiều nước phản đối, Nhật quyết định xả nước nhiễm xạ ra biển

Ngày 13/4, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, nước này đã quyết định xả hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển, bất chấp dư luận trong nước và quốc tế phản đối.

Nhật quyết định xả nước nhiễm phóng xạ ra biển

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã ra thông báo này sau cuộc họp với các bộ trưởng liên quan để chính thức hóa kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ tích tụ tại nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương.

Thảm họa động đất 9,0 độ richter hôm 11/3/2011, dẫn tới một đợt sóng thần lịch sử tấn công đông bắc Nhật Bản, tạo ra thảm họa hạt nhân Fukushima trong suốt một thập kỷ qua. Ảnh hưởng của động đất và sóng thần đã khiến lõi của các lò phản ứng số 1-3 của nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi tan chảy. Nhật Bản đã sử dụng một lượng nước lớn làm mát các lò phản ứng. Hậu quả là đã tạo ra hàng triệu tấn nước bị nhiễm phóng xạ từ vụ tai nạn đó.

Đến nay, nhà máy đã phải loay hoay để lưu trữ một khối lượng lớn nước bị ô nhiễm. Chúng được trữ trong các bể chứa khổng lồ với số lượng nước nhiễm xạ đã vượt 1,25 triệu tấn và dự kiến Nhật Bản sẽ không còn đủ chỗ để chứa nước nhiễm xạ vào năm tới.

Những túi đất bị ô nhiễm tại Tomioka, Fukushima nhiều năm sau thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản

Những túi đất bị ô nhiễm tại Tomioka, Fukushima nhiều năm sau thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản

Quá trình xả nước nhiễm xạ diễn ra thế nào?

Chính phủ Nhật Bản cho biết, việc xả nước sẽ bắt đầu sau khoảng 2 năm, và toàn bộ quá trình dự kiến sẽ mất hàng thập kỷ.

Nước được đổ ra biển là nước đã được xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến, loại bỏ hầu hết các chất gây ô nhiễm. Tuy nhiên, theo Tân hoa xã, những chất như tritium, một sản phẩm phụ phóng xạ của các lò phản ứng hạt nhân, rất khó lọc.

Theo một số chuyên gia hàng hải, các đồng vị ruthenium, coban, stronti và plutonium trong nước thải cũng đủ khiến dư luận dấy lên lo ngại.

Trước đây, Nhật Bản từng xem xét việc xử lý bằng cách hóa hơi hay lưu trữ dưới lòng đất nước có chứa tritium như một giải pháp thay thế. Tuy nhiên, xét từ khía cạnh tài chính và tính khả thi về kỹ thuật, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định chọn phương án xả ra biển. Trước khi đưa xuống đại dương, nước đã qua xử lý này sẽ được pha loãng để đạt các tiêu chuẩn quốc tế.

Làn sóng phản đối mạnh mẽ ở cả trong và ngoài Nhật Bản

Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ngành đánh bắt cá Nhật Bản và người dân. Theo các chuyên gia, vụ xả nước nhiễm phóng xạ này được cho là sẽ giáng một đòn mạnh vào ngành đánh bắt cá ở Fukushima, bởi nhiều năm qua, ngành đánh bắt cá đã tìm nhiều cách để khôi phục sản xuất, chứng minh các loại thủy hải sản ở khu vực này đảm bảo an toàn.

Những bể chứa nước đã qua xử lý tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Ông Hiroshi Kishi, người đứng đầu liên minh hợp tác xã nghề cá quốc gia nói trong một cuộc họp với chính phủ: “Kế hoạch này có thể gây ra tác động thảm khốc đến tương lai của ngành đánh bắt cá Nhật Bản”.

Ngoài ra, việc xả nước phóng xạ có thể khiến các nước khác thắt chặt hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản của Nhật Bản, đảo ngược nỗ lực gần đây của người dân cũng như doanh nghiệp Nhật.

Hiện tại, còn một số quốc gia và khu vực tiếp tục áp đặt các hạn chế đối với các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản của Nhật Bản do hậu quả của cuộc khủng hoảng Fukushima do lo ngại về tính an toàn của sản phẩm.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama cho biết, Chính phủ Nhật Bản mong muốn tìm kiếm sự hợp tác của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các tổ chức toàn cầu khác, nhằm minh bạch về vấn đề này.

Chính phủ Nhật Bản lúc đầu đặt ra kế hoạch quyết định về việc xả nước vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, vấn đề này đã trì hoãn do vấp phải sự phản đối quyết liệt của ngư dân địa phương.

Theo một cuộc khảo sát do Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) thực hiện vào cuối năm ngoái, 51% người được hỏi cho biết họ "phản đối" hoặc "hoàn toàn phản đối" ý tưởng xả nước thải ra biển, trong khi chỉ 18% nói rằng họ ủng hộ kế hoạch này.

Một cuộc thăm dò khác do báo Asahi Shimbun thực hiện vào tháng 1 cho thấy, 55% người được hỏi phản đối kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ của chính phủ ở Fukushima ra biển, trong khi 32% nói rằng họ ủng hộ.

Lãnh đạo đảng đối lập của Nhật Bản Yukio Edano cho biết, đảng CDPJ đã lên án mạnh mẽ kế hoạch này, đồng thời cho rằng quyết định của Chính phủ là không thể chấp nhận được và hoàn toàn coi thường tiếng nói của người dân Fukushima.

Một số nhóm môi trường bao gồm Friends of the Earth Japan và Ủy ban Công dân về Năng lượng Hạt nhân thì cho biết, họ đã thu thập được hơn 64.000 chữ ký từ 88 quốc gia và khu vực trong một bản kiến nghị trình lên Chính phủ nhằm đảo ngược quyết định xả nước thải của Fukushima ra biển.

Kế hoạch cũng làm dấy lên lo ngại từ các nước láng giềng về tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với sức khỏe người dân và các doanh nghiệp thủy sản.

Trung Quốc đã bày tỏ sự quan ngại về quyết định của Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói, Trung Quốc kêu gọi phía Nhật Bản hành động có trách nhiệm và thận trọng trong việc xử lý chất thải hạt nhân. Bởi nó liên quan đến lợi ích cộng đồng, lợi ích sống còn của các nước láng giềng. Việc xử lý cần cẩn trọng và đúng cách để tránh làm tổn hại thêm môi trường biển, duy trì an toàn thực phẩm và sức khỏe con người.

Hàn Quốc thì lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về quyết định của Nhật Bản. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam nói: "Sẽ rất khó để chấp nhận nếu phía Nhật Bản quyết định xả nước ô nhiễm từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima mà không có sự tham vấn đầy đủ."

"Chính phủ của chúng tôi bày tỏ quan ngại nghiêm trọng vì quyết định này có thể có tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự an toàn của người dân và môi trường xung quanh", ông Choi Young-sam nói thêm.

Hải Yến

(Theo Tân Hoa Xã)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bat-chap-nhieu-nuoc-phan-doi-nhat-quyet-dinh-xa-nuoc-thai-nhiem-phong-xa-ra-bien-n189932.html