Bất chấp chiến tranh thương mại, Boeing quyết ở lại Trung Quốc?

Boeing có nhiều đối tác ở Trung Quốc, nhiều bộ phận máy bay của hãng được sản xuất, lắp ráp ở đây.

Mặc cho bầu không khí căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, Boeing - một trong những “ông lớn” trong ngành chế tạo và sản xuất máy bay trên thế giới, vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với các đối tác Trung Quốc thông qua bán hoặc cho thuê máy bay cho các hãng hàng không đại lục.

Một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài chắc chắn sẽ không mang lại lợi ích cho Boeing khi họ đang đầu tư một dây chuyền sản xuất máy bay ở Trung Quốc.

Đầu năm tới, Boeing dự kiến sẽ mở cửa nhà máy ở Chu San, tỉnh Chiết Giang nhằm chế tạo, lắp ráp máy bay phục vụ cho khách hàng ở Trung Quốc.

Boeing hiện đang hợp tác với Tổng công ty máy bay thương mại Trung Quốc (Comac), một tập đoàn quốc doanh, trong dự án lần này.

Boeing không dễ gì rời bỏ thị trường Trung Quốc

Dù căng thẳng đang leo thang, Boeing thể hiện lập trường kiên quyết duy trì dự án này vì mục tiêu đôi bên cùng có lợi với lập trường rằng đây là dự án vì mục đích kinh doanh.

Theo SCMP, Boeing đã bắt đầu nhận ra mối đe dọa khi Xiamen Airlines, khách hàng độc quyền của Boeing trong 30 năm qua, được cho là đang bàn bạc với đối tác Airbus về một đơn đặt hàng máy bay. Hiện thời, đội bay của Xiamen Airlines có tới 170 chiếc máy bay Boeing.

Trong 20 năm tới, Boeing kỳ vọng có thể bán thêm vài ngàn máy bay tới Trung Quốc. Vì vậy, trước một thị trường còn nhiều tiềm năng, họ hoàn toàn hiểu được rủi ro khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa hạ nhiệt

Trong mội hội nghị thượng đỉnh về hàng không diễn ra ở Hàn Quốc hồi tuần trước, ông Randy Tinseth, Phó chủ tịch phụ trách marketing của Boeing, nói rằng Boeing đang cố gắng tác động tới cả hai phía.

Đây được coi là mục tiêu quan trọng với Boeing khi trong 20 năm tới, họ kỳ vọng có thể hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong các thương vụ có tổng giá trị lên tới 1.000 tỷ USD.

“Chúng tôi là công ty xuất khẩu lớn nhất Mỹ. 80% những gì chúng tôi sản xuất ra, chúng tôi đưa ra ngoài Mỹ. Vì vậy, việc đảm bảo nền thương mại công bằng, mở cửa và tự do rất quan trọng với chúng tôi.

Thẳng thắn mà nói, chúng tôi có nhiều đối tác ở Trung Quốc. Một số máy bay chúng tôi chế tạo có bộ phận sản xuất hoặc lắp ráp ở Trung Quốc, vì vậy chúng tôi muốn nhấn mạnh mối quan hệ này”, ông Tinseth nói.

Cũng giống như Boeing, hãng công nghệ Mỹ Apple cũng khó có thể rời bỏ thị trường Trung Quốc bất chấp lời kêu gọi chuyển dây chuyền về Mỹ của Tổng thống Donald Trump.

Apple là công ty công nghệ Mỹ thành công nhất Trung Quốc. Một phần lớn chuỗi sản xuất của Apple được đặt tại Trung Quốc. Năm 2017, khoảng 20% doanh thu của Apple đến từ Trung Quốc, tương đương 44,7 tỷ USD.

Theo dữ liệu từ IDC, 41 triệu điện thoại iPhone đã được tiêu thụ tại Trung Quốc và đây hiện là thương hiệu lớn thứ 5 tại thị trường này.

Apple hiện có khoảng 40 cửa hàng tại Trung Quốc, vận hành nhiều dịch vụ như App Store hay Apple Music.

Mảng dịch vụ đang trở thành một phần kinh doanh gia tăng cho Apple trong bối cảnh thị trường di động đi xuống.

Năm ngoái, mảng này đã chiếm khoảng 13% tổng doanh thu thuần, tăng từ con số 11% của năm trước đó.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/bat-chap-chien-tranh-thuong-mai-boeing-quyet-o-lai-trung-quoc-3368133/