Bất chấp căng thẳng thương mại với Trung Quốc, triển vọng xuất khẩu nông sản của Australia vẫn khả quan

Bất chấp các rào cản thương mại mà Trung Quốc áp đặt lên các sản phẩm nông nghiệp của Australia, triển vọng xuất khẩu nông sản của nước này trong năm 2020 vẫn khả quan.

Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu thịt bò Australia lên 12% vào cuối tháng 6/2020. (Nguồn: Alofood)

Cảnh báo thương mại trên được ra trong Báo cáo triển vọng giữa năm của Ngân hàng Nông thôn Australia đối với các ngành phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của Trung Quốc, bao gồm len, cũng như các nhà sản xuất đã bị áp thuế, như sản xuất lúa mạch.

Tuy nhiên, báo cáo cũng đánh giá, bất chấp những căng thẳng đang diễn ra với Trung Quốc và tình hình không chắc chắn của đại dịch Covid-19, nông nghiệp Australia vẫn hoạt động tốt trong năm 2020, một phần nhờ lượng mưa lớn gần đây trên các khu vực bị hạn hán.

Dữ liệu của Cục Thống kê Australia công bố tuần trước cho thấy, giá trị xuất khẩu than nhiệt của nước này sang Trung Quốc đã giảm 25%, tương đương 95 triệu AUD (63 triệu USD), trong tháng 5, sau khi Trung Quốc yêu cầu 5 doanh nghiệp công ích lớn thuộc sở hữu của nhà nước không sử dụng sản phẩm của Australia.

Các báo cáo sau đó cho hay, các mỏ than nhiệt ở Australia đã tạm thời ngừng hoạt động do nhu cầu giảm, khiến cho số lượng việc làm trong ngành khai khoáng giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 5.

Căng thẳng với Trung Quốc leo thang khi Australia thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế về việc Trung Quốc xử lý dịch Covid-19. Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết, người đồng cấp Trung Quốc đã không trả lời các cuộc gọi của ông trong tháng 5.

Kể từ đó, Trung Quốc đã khuyến cáo công dân không đi du lịch hoặc đi học tại Australia do lo ngại về nạn phân biệt chủng tộc. Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đã cáo buộc Australia thực hiện các hoạt động gián điệp và “gây đối đầu”.

Báo cáo của Ngân hàng Nông thôn Australia nêu rõ việc Trung Quốc áp dụng mức thuế 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia, trị giá 600 triệu AUD (42 triệu USD) trong năm ngoái, đã thực sự đẩy lúa mạch Australia ra khỏi thị trường quan trọng nhất này, và việc chuyển sang các thị trường thay thế như Saudi Arabia và Nhật Bản sẽ làm giảm lợi nhuận của người nông dân Australia.

Bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc vào tháng 5 đối với việc nhập khẩu thịt bò từ bốn lò mổ lớn của Australia, Giám đốc điều hành Ngân hàng Nông thôn Australia Will Rayner cho rằng, nhu cầu thịt bò Australia vẫn sẽ tăng mạnh trong những tháng còn lại của năm 2020 do sự sụt giảm tới 20 triệu tấn thịt lợn ở Trung Quốc gây ra bởi dịch tả lợn châu Phi.

Đánh giá trên của ông Rayner được đưa ra sau khi Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu thịt bò Australia lên 12% vào cuối tháng 6 và sẽ duy trì mức thuế này cho đến hết năm 2020, do số lượng thịt bò xuất khẩu từ Australia đạt mức hạn ngạch 179.000 tấn sớm hơn so với những năm trước.

Tuy nhiên, theo một nhà phân tích khác, xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc đã gặp khó khăn trong năm 2020 và bây giờ, khi giá tăng, các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ không có đủ tiền để mua thịt bò Australia.

Ngân hàng Nông thôn Australia cũng lưu ý, sản xuất len của nước này, một ngành công nghiệp có tỷ lệ xuất khẩu khoảng 75% sang Trung Quốc, đang gặp khó khăn sau khi dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu và sản lượng quần áo, cũng như do các căng thẳng với Trung Quốc.

Do đó, theo báo cáo triển vọng giữa năm của ngân hàng trên, ngành sản xuất len của Australia đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, trong khi chi phí cho việc xử lý lông cừu ở đây đang tăng lên. Báo cáo cho rằng, Australia nên bắt đầu chuyển một số nhu cầu sang các thị trường xuất khẩu mới nổi khác.

Theo Bộ Nông nghiệp Australia, các nhà sản xuất của nước này đã xuất khẩu khoảng 3,16 tỷ AUD (2,1 tỷ USD) lông cừu chưa được xử lý sang Trung Quốc trong năm 2018-2019, cho thấy giá trị lớn hơn và sự phụ thuộc nhiều hơn của ngành này vào thị trường Trung Quốc so với lúa mạch.

Ông Rayner nói rằng, dù căng thẳng với Trung Quốc và Covid-19 làm thay đổi nhu cầu toàn cầu đối với hàng nông sản Australia, tình hình bất ổn và tình trạng khan hiếm sản phẩm trong các siêu thị mà người dân nước này đã phải trải qua sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp trong nước. Nhận thức của người dân về nguồn gốc thực phẩm và sự an toàn của nguồn cung đã được nâng cao hơn.

Ông Rayner cho biết thêm, bất chấp các rào cản thương mại mà Trung Quốc áp đặt lên các sản phẩm nông nghiệp của Australia, triển vọng xuất khẩu nông sản của nước này trong năm nay vẫn tốt hơn nhờ những trận mưa quý giá so với các năm hạn hán trước.

(theo TTXVN)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-chap-cang-thang-thuong-mai-voi-trung-quoc-trien-vong-xuat-khau-nong-san-cua-australia-van-kha-quan-118896.html