Bất chấp 16 tàu chiến Trung Quốc bủa vây, chiến hạm Anh vẫn mạnh mẽ tiến vào biển Đông

Bất chấp 16 tàu chiến Trung Quốc bủa vây, chiến hạm HMS Sutherland F81 của hải quân Anh vẫn thực hiện chuyến tuần tra tại biển Đông, nhằm bảo vệ tự do hàng hải trên tuyến đường biển quan trọng này.

 Bộ Quốc phòng Anh cho biết quân đội Anh cần bảo vệ các tuyến đường thương mại quan trọng trên biển, đặc biệt là tại biển Đông, nơi Trung Quốc đang đưa ra yêu sách phi lý nhằm đòi chủ quyền toàn bộ vùng biển này.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết quân đội Anh cần bảo vệ các tuyến đường thương mại quan trọng trên biển, đặc biệt là tại biển Đông, nơi Trung Quốc đang đưa ra yêu sách phi lý nhằm đòi chủ quyền toàn bộ vùng biển này.

Tờ The Times Anh ngày 1-7 cho hay, các quan chức cấp cao như Bộ trưởng Quốc phòng Anh đang có kế hoạch tranh thủ sự ủng hộ của Hoàng gia, thuyết phục Thủ tướng Anh Theresa May tăng thêm ngân sách cho quân đội Anh để nâng cao sức mạnh hải quân.

Kế hoạch này nhằm mục đích thuyết phục hoàng tử Charles và hoàng tử Harry để giành được sự "ủng hộ đạo đức" của nữ hoàng Anh, bảo đảm cho Anh tiếp tục duy trì địa vị cường quốc quân sự, để bảo vệ tự do hàng hải trên các tuyến đường biển quan trọng trên thế giới.

Quân đội Anh muốn thuyết phục Thủ tướng Theresa May tăng ngân sách quốc phòng ít nhất 2,5 tỷ bảng Anh/năm để duy trì sức mạnh quân sự ở mức tối thiểu. Điều này sẽ giúp hải quân Anh tiếp tục tung hoành trên các vùng biển xa xôi chẳng hạn như biển Đông.

Thủ tướng Anh từng nghi ngờ khả năng quân đội Anh duy trì một lực lượng quân sự đỉnh cao. Chính điều này đã khiến bà không mạnh tay cho những chi tiêu quốc phòng.

Trong khi đó quân đội Anh cho rằng Thủ tướng Theresa May cần ý thức hơn về tầm quan trọng của quân đội nước này trong việc duy trì vai trò ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Anh sau khi rút khỏi EU (Brexit).

Bộ Quốc phòng Anh cho biết sau khi Brexit, quân đội Anh cần bảo vệ các tuyến đường thương mại trên biển chủ yếu, đặc biệt là lo ngại sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông. Vừa qua, khi tuần tra Biển Đông, tàu hộ vệ HMS Sutherland F81 của Hải quân Anh đã bị 16 tàu chiến Trung Quốc bủa vây theo dõi.

Trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Anh và Pháp ngày 3-6 tuyên bố sẽ đưa tàu chiến đến Biển Đông nhằm thách thức sự hiện diện quân sự phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này.

Tuyên bố trên của giới chức quân sự Anh - Pháp được xem là hành động đáp trả mạnh mẽ nhất hiện nay của hai quốc gia này trước sự bành trướng thế lực trên biển Đông ngày càng mạnh bạo của phía Trung Quốc.

Chiến hạm HMS Sutherland của Hải quân Hoàng gia Anh cũng đã tới cảng Singapore và ngay sau đó đã tiến vào biển Đông.

Báo chí Trung Quốc tỏ ra rất quan tâm đến sự kiện này. Bắc Kinh thường đưa ra các cảnh báo cho bất cứ quốc gia nào muốn đưa tàu chiến đến biển Đông.

Tuy nhiên dường như chẳng quốc gia nào quan tâm đến những cảnh báo đe dọa này, bởi biển Đông thuộc vùng biển quốc tế, bất cứ quốc gia nào muốn độc chiếm cũng đều bị lên án. Chính vì thế chiến hạm HMS Sutherland (F81) của hải quân Anh vẫn thẳng tiến vào vùng biển này.

Chiến hạm HMS Sutherland (F81) là chiếc chiến hạm thuộc lớp tàu hộ vệ tên lửa Type 23 của Hải quân Hoàng gia Anh, nó là con tàu thứ 13 của lớp.F81 được khởi đóng vào ngày 14-10-1993 tại nhà máy đóng tàu Yarrow, hạ thủy ngày 9-2-1996, chính thức làm nhiệm vụ từ ngày 4-7-1997

Tàu có lượng giãn nước đầy tải 4.900 tấn với chiều dài 133 m; chiều rộng 16,1 m; mớn nước 7,3 m, thủy thủ đoàn 185 người (có thể tăng lên 205 người trong một số nhiệm vụ đặc biệt).

Như vậy kích thước của chiếc Sutherland tương đương với một khu trục hạm hạng nhẹ

Hệ thống động lực của tàu HMS Sutherland là sự kết hợp giữa động cơ diesel-điện và turbine khí (CODLAG) bao gồm 4 máy phát chạy dầu diesel Paxman Valenta 12CM công suất 1.510 kW, 2 động cơ điện GEC công suất 2.980 kW và 2 động cơ Rolls-Royce Spey SM1C công suất 23.190 kW.

Tàu có thể chạy với tốc độ 28 hải lý/h (52 km/h) trong khi vận tốc tối đa không bị giới hạn là 34,4 hải lý/h, tầm hoạt động 7.500 hải lý (14.000 km) nếu hải trình ở tôc độ kinh tế 15 hải lý/h (28 km/h).

Chiếc Sutherland được vũ trang khá mạnh bao gồm 32 ống phóng thẳng đứng của tên lửa phòng không tầm ngắn Sea Wolf.

8 tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon bố trí ngay phía trước tháp chỉ huy, 4 ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ cỡ 324 mm Stingray.

Pháo hạm của tàu sử dụng cỡ nòng khá lạ thường, đó là khẩu BAE 4,5 inch Mk8 (113 mm).

2 pháo tự động DS30M Mk2 cỡ 30 mm, 2 súng máy nòng xoay minigun và 4 súng máy hạng nặng 12,7 mm.

Tàu có khả năng mang theo 1 trực thăng Lynx HMA8 cho cả nhiệm vụ chống ngầm lẫn chống tàu mặt nước, nó được vũ trang bằng tên lửa diệt hạm Sea Skua và ngư lôi Stingray cỡ 324 mm.

Có thể thấy HMS Sutherland không phải là một chiếc chiến hạm mới và hiện đại như loại Type 45 Daring, loại tàu khu trục mạnh nhất của hải quân Anh.

Tuy nhiên sự hiện diện của nó tại khu vực biển Đông chắc chắn sẽ khiến cho Hải quân Trung Quốc phải đặc biệt lưu tâm.

Ngoài các hoạt động tuần tra của Hải quân Mỹ, sự góp mặt của Hải quân Anh và Pháp được cho là sẽ tạo ra áp lực đáng kể lên Trung Quốc, khiến Bắc Kinh không thể tự do thực hiện tham vọng phi lý trên Biển Đông như trước kia.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/anh-bat-chap-16-tau-chien-trung-quoc-bua-vay-chien-ham-anh-van-manh-me-tien-vao-bien-dong/773997.antd