Bất cập trong việc hỗ trợ thiệt hại do bệnh tả lợn châu Phi

Bệnh tả lợn châu Phi xảy ra trong thời gian qua với tốc độ lây lan rất nhanh đã làm cho người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề, nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, cuộc sống lao đao. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ người dân giảm thiệt hại, vượt qua thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ này vẫn còn có những bất cập, cần được xem xét, điều chỉnh trong thời gian tới.

Lực lượng chức năng kiểm đếm, cân trọng lượng lợn mắc bệnh trước khi tiến hành tiêu hủy.

Lực lượng chức năng kiểm đếm, cân trọng lượng lợn mắc bệnh trước khi tiến hành tiêu hủy.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến 12-2019, toàn bộ 29 xã, thị trấn của huyện Thường Tín (Hà Nội) bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành, với 1.325 hộ chăn nuôi có lợn mắc dịch, buộc phải tiêu hủy gần 30 nghìn con, chiếm xấp xỉ một nửa tổng đàn lợn toàn huyện. Văn Tự là xã có số lợn mắc dịch nhiều nhất, có làng gần như bị “xóa sổ” đàn lợn. Gia đình anh Phạm Văn Minh, thôn An Lãng, xã Văn Tự có hai trang trại lợn với tổng đàn hơn 200 con. Dịch tả lợn châu Phi tràn tới, chỉ trong khoảng hơn một tuần đã “quét” sạch cả hai trang trại lợn của gia đình anh, với gần 30 tấn lợn phải tiêu hủy, tổng thiệt hại ước tính khoảng hơn 1,4 tỷ đồng. Kể từ khi lợn mắc dịch phải tiêu hủy đến nay đã hơn sáu tháng, hai trang trại chăn nuôi rộng khoảng 4.000 m2 của gia đình anh Minh vẫn còn để trống, mọi người trong gia đình vẫn chưa thể nguôi ngoai trước tổn thất nặng nề của dịch bệnh.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Ðặng Thị Thanh Hương kể rằng, khi tham gia tiêu hủy lợn dịch, chị đã chứng kiến không ít cảnh người chăn nuôi vật vã, đau xót, bàng hoàng khi mất trắng cả đàn lợn. “Dù đã có quyết định tiêu hủy, nhưng khi chúng tôi đến nhà, vẫn thấy gia đình cho lợn ăn như ngày thường vì họ không muốn mất chúng. Có người còn chọn cách đi lánh tạm nhà hàng xóm để không phải chứng kiến cảnh những con lợn bị tiêu hủy” - bà Hương nói.

Không xót xa sao được khi đàn lợn là cả gia tài, là nguồn sống, là thành quả lao động của cả gia đình trong một thời gian dài. Vì vậy, khi biết có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi có lợn mắc dịch phải tiêu hủy, ai cũng mong mỏi để bù đắp phần nào thiệt hại, mất mát do dịch bệnh gây ra. “Gia đình tôi cũng bớt phần nào khó khăn khi được Nhà nước hỗ trợ một phần thiệt hại” - anh Phạm Văn Minh ở thôn An Lãng, xã Văn Tự chia sẻ.

Tuy nhiên, anh Minh cũng cho rằng, do việc tính giá hỗ trợ thay đổi theo ngày dẫn đến mức hỗ trợ không thống nhất, không đồng đều. Có trường hợp hai, ba hộ chăn nuôi có lợn chết cùng ngày, nhưng mức hỗ trợ lại khác nhau do ngày ra quyết định tiêu hủy khác nhau. Trường hợp gia đình anh có lợn mắc dịch, đã lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm từ ngày 30-4-2019 nhưng đến 4-5-2019 mới nhận được kết quả và có quyết định tiêu hủy, khi đó giá hỗ trợ lợn tiêu hủy đã giảm từ 31 nghìn đồng/kg xuống còn 28 nghìn đồng/kg, khiến mức tiền hỗ trợ gia đình anh nhận được giảm xuống cả trăm triệu đồng. Cũng do chính sách hỗ trợ chưa thống nhất từ đầu dịch cho nên gia đình anh không được hỗ trợ gần 5 tấn lợn nái đã tiêu hủy, tương đương khoản tiền 200 triệu đồng.

Trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Lự, ở xã Minh Cường cũng là một thí dụ. Ngày 26-6-2019, gia đình bà Lự có lợn mắc bệnh và đã báo cán bộ thú y lấy mẫu bệnh phẩm. Ngày 27-6-2019, bà Lự nhận được kết quả xét nghiệm lợn dương tính với bệnh tả lợn châu Phi, quyết định tiêu hủy đàn lợn gồm: 28 con lợn thương phẩm (958 kg); 7 con lợn nái (2.278 kg). Ðúng ngày này (27-6), mức hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do lợn dịch giảm xuống còn 25.000 đồng/kg, dẫn đến mức chênh lệch tiền hỗ trợ bà Lự được nhận giảm so với ngày 26-6-2019 khoảng 40 triệu đồng. Bà Lự đã có đơn kiến nghị UBND huyện Thường Tín xem xét lại mức hỗ trợ để gia đình không bị thiệt thòi nhưng đến nay chưa được chấp thuận.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng cho biết: Về trường hợp của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Lự, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản trả lời, theo đó giữ nguyên cách tính như ban đầu là căn cứ vào ngày ra quyết định tiêu hủy lợn để áp giá hỗ trợ. “Chúng tôi cũng đã đề xuất thành phố ban hành mức giá cố định cho dễ thực hiện, tránh gây thắc mắc, hiểu lầm cho người dân nhưng đến nay chưa được xem xét”, bà Phượng cho biết. Việc tính giá hỗ trợ lợn dịch tiêu hủy thay đổi theo ngày đã và đang không chỉ gây thắc mắc, nghi ngờ trong nhân dân mà còn gây khó cho chính những cán bộ thực thi chính sách.

Ông Hoàng Xuân Hữu, Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên (Thường Tín) cho biết, tổng số lợn phải tiêu hủy do mắc dịch tả ở xã này gần 52 tấn, số tiền nhà nước hỗ trợ đã chi cho người dân là 2.364.450.000 đồng. Việc hỗ trợ được áp dụng theo hướng dẫn chung của huyện và thành phố, mức giá hỗ trợ thay đổi theo ngày, càng về sau càng thấp. Trong khi đó, những hộ có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh thời gian sau thậm chí còn thiệt hại hơn vì phải mất thêm chi phí nuôi, phòng chống dịch, cho nên đã gây thắc mắc trong nhân dân.

Không chỉ bất cập trong quy định cách tính giá hỗ trợ mà ngay trong quá trình thực hiện, cán bộ thực thi cũng có những sai sót, gây thiệt thòi cho người dân. Ðơn cử, trường hợp hộ gia đình bà Nguyễn Vân Anh, ở xã Nghiêm Xuyên. Khi gia đình phát hiện lợn mắc bệnh đã báo cán bộ thú y xã, cán bộ thú y xã cũng báo về huyện nhưng cán bộ thú y huyện không lấy mẫu bệnh phẩm kịp thời, lợn chết phải đem tiêu hủy cho nên hộ dân không được hỗ trợ, gây thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Hoặc có hộ chăn nuôi đã tiến hành tiêu hủy lợn nhiều lần mới nhận được kết quả xét nghiệm lợn dương tính với bệnh tả lợn châu Phi, số lợn đã tiêu hủy rồi không được hỗ trợ, khiến người dân chịu thiệt thòi. Một số trường hợp khác trong vùng dịch bệnh, hộ chăn nuôi có lợn chết nhưng cũng không được hỗ trợ.

Thiệt hại do bệnh tả lợn châu Phi gây ra cho người chăn nuôi thời gian qua là vô cùng lớn. Nhiều gia đình trắng tay chỉ trong một thời gian rất ngắn, nợ ngân hàng không trả được. Người dân rất mong sớm nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để giảm bớt khó khăn, phục hồi kinh tế, tái sản xuất. Tuy nhiên, việc hỗ trợ không chỉ cần kịp thời mà cần hỗ trợ thế nào để bảo đảm công khai, công bằng, hợp lý cho tất cả người dân bị thiệt hại.

THƠ THÁI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/ban-doc-viet/item/42896602-bat-cap-trong-viec-ho-tro-thiet-hai-do-benh-ta-lon-chau-phi.html