Bất cập trong triển khai dự án làng nghề tập trung ở huyện Đan Phượng

Thời gian vừa qua, nhiều bạn đọc ở xã Liên Trung (huyện Đan Phượng, Hà Nội) gửi đơn, thư tới Báo Nhân Dân phản ánh những bất cập trong việc đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất và việc UBND huyện Đan Phượng đã san lấp hơn 31.000 m2 diện tích mặt nước khu vực hồ Chậu không đúng quy định. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tưới, tiêu, phòng chữa cháy và điều hòa không khí của ba hồ tại các xã Liên Hồng, Liên Hà và Liên Trung.

Hồ Chậu tại xã Liên Trung (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đang bị san lấp để làm dự án.

Ngày 4-5-2016, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2154/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng khu đấu giá quyền sử dụng đất phát triển làng nghề xã Liên Trung, huyện Đan Phượng. Theo đó, UBND huyện Đan Phượng được giao chủ đầu tư xây dựng dự án này với tổng diện tích là 8,14 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 186 tỷ 475 triệu đồng (trong đó chi phí phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 93 tỷ đồng). Mục tiêu của Dự án nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách về mặt bằng đất sản xuất để duy trì và phát triển làng nghề, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thành phố nói chung và huyện Đan Phượng nói riêng.

Tuy nhiên, trong quá trình thu hồi đất để thực hiện dự án, các cơ quan chức năng của huyện Đan Phượng đã không thực hiện đúng thủ tục, trình tự thu hồi đất, tự ý đưa người và phương tiện đến đập phá, san ủi nhà cửa, lán trại, xưởng sản xuất của 27 hộ dân khi chưa lập phương án đền bù hỗ trợ. Có hộ bị đập phá nhà cửa, tài sản khi không có ai ở nhà, không có người chứng kiến như hộ ông Nguyễn Trọng Vượng, bà Nguyễn Thị Đoàn, bà Hoàng Thị Thông…

Ông Nguyễn Trọng Vượng, đại diện cho các hộ dân cho biết, ngày 29-11-2016, UBND huyện Đan Phượng có thông báo với nội dung: Thu hồi đất của gia đình ông Nguyễn Trọng Vượng thửa đất số 75, tờ bản đồ số 1 diện tích 144 m2 tại xứ đồng vùng 1, xã Liên Trung. Thời gian điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm: Bắt đầu từ ngày 30-11-2016 đến ngày 30-12-2016. Trường hợp ông Nguyễn Trọng Vượng không chấp hành việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Nhà nước tiến hành kiểm đếm bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Thông báo là như vậy, nhưng các cơ quan chức năng của huyện Đan Phượng lại không tiến hành kiểm đếm đất và tài sản trên đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ. Ngày 2-6-2017, gia đình ông Vượng bị chính quyền cưỡng chế phá dỡ toàn bộ mặt bằng nhà xưởng và tài sản trên đất, nhưng mãi đến ngày 23-7-2017, Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh quỹ đất Đan Phượng mới đưa dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ cho gia đình ông Vượng. Như vậy có thể khẳng định, UBND huyện tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của ông Vượng khi chưa lập phương án bồi thường, hỗ trợ. Việc làm nói trên không đúng các quy định của pháp luật. Để hợp thức cho việc cưỡng chế không đúng này, ngày 31-8-2017, UBND huyện đã ban hành Kết luận số 168/KL-UBND có nêu: Ngày 17-4-2017, UBND xã tổ chức cưỡng chế, phá dỡ các công trình vi phạm, trong quá trình tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm, UBND xã và các ban, ngành đoàn thể xã và chi bộ thôn, cụm dân cư tiếp tục vận động, tuyên truyền, đôn đốc các hộ tự tháo dỡ công trình, di chuyển nguyên vật liệu, máy móc ra khỏi nơi vi phạm. Từ ngày 17-4 đến ngày 2-6-2017, UBND xã Liên Trung đã cưỡng chế, phá dỡ xong 18 trong số 27 công trình sai phạm. Có 9 hộ tự tháo dỡ, trong đó có gia đình ông Nguyễn Trọng Vượng. Ông Vượng cho rằng, việc UBND huyện ban hành văn bản nêu trên là không đúng, bởi gia đình ông không tự tháo dỡ, mà bị chính quyền đến cưỡng chế. Trong kết luận này cũng nêu: Việc 27 hộ dân tự ý xây dựng lều lán, nhà xưởng trên đất nông nghiệp và đất công do UBND xã Liên Trung quản lý tại khu vực chân đê hồ Chậu là vi phạm Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Các hộ cũng tự nhận là có vi phạm. Theo bà Nguyễn Thị Vân: “Việc UBND huyện ban hành Kết luận nêu trên là để đối phó, khiến người dân bức xúc, bởi vì không ai trong số 27 hộ tự nhận là có vi phạm”.

Liên quan việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đấu giá quyền sử dụng đất phát triển làng nghề thôn Hạ, xã Liên Trung và việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng của 27 hộ dân khu vực hồ Chậu; tại Kết luận số 168/KL-UBND của UBND huyện nêu rõ: Qua việc xử lý các trường hợp vi phạm tại khu vực chân đê hồ Chậu, thôn Hạ, xã Liên Trung cho thấy: Công tác quản lý, sử dụng đất đai của UBND xã có nhiều thiếu sót, khuyết điểm. Nhiều trường hợp vi phạm đất đai và trật tự xây dựng diễn ra trong nhiều năm nhưng không được UBND xã xử lý kịp thời, kiên quyết. Quá trình xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền, vận động còn thiếu sức thuyết phục, một số hộ dân chưa hiểu rõ và nghiêm túc chấp hành, dẫn đến phải tổ chức cưỡng chế, phá dỡ, gây thiệt hại cho các hộ dân và tốn kém cho ngân sách của Nhà nước. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng giao nhiệm vụ: Yêu cầu UBND xã Liên Trung kiểm điểm trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác quản lý đất đai nêu trên.

Mặc dù ban hành kết luận như vậy, nhưng đến nay đã hơn 11 tháng, UBND xã Liên Trung vẫn chưa tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân để xảy ra vi phạm. Trao đổi về việc chậm trễ trong việc xử lý cán bộ để xảy ra vi phạm theo Kết luận số 168/KL-UBND, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Trọng Hoàng cho biết: “Hiện nay, UBND huyện đã giao Phòng Nội vụ tham mưu, đề xuất việc xử lý một số cán bộ để xảy ra những sai phạm nêu trên, trong số này có một số cán bộ đã nghỉ hưu”.

Ngoài ra, theo phản ánh của các hộ dân, khu vực hồ Chậu với diện tích hơn 31.000 m2 (nằm trên địa phận thôn Hạ, xã Liên Trung) được hình thành từ lâu đời. Hồ Chậu là nơi cung cấp nước tưới, tiêu thoát lũ cho cả vùng đồng bằng thuộc ba xã Liên Hồng, Liên Hà và Liên Trung. Chưa kể, nguồn nước dồi dào của hồ bảo đảm phục vụ chữa cháy cho hàng trăm hộ dân làm nghề chế biến lâm sản trên địa bàn. Nhưng đầu năm 2018, toàn bộ diện tích hồ Chậu đã được UBND huyện Đan Phượng san lấp để thực hiện dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Theo người dân phản ánh, việc UBND huyện Đan Phượng tiến hành lấp hồ Chậu là không đúng quy định tại Luật Thủ đô năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Tại khoản 2 Điều 14 Luật Thủ đô 2012 quy định rõ: “Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng…”. Điều 56, Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định rõ: “Nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch phải được điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và bảo vệ để điều hòa nguồn nước. Hồ, ao, kênh, mương, rạch trong đô thị, khu dân cư phải được quy hoạch để cải tạo, bảo vệ. Tổ chức, cá nhân không được lấn chiếm, xây dựng trái phép công trình, nhà ở trên mặt nước hoặc trên bờ tiếp giáp mặt nước hồ, ao, kênh, mương, rạch; hạn chế tối đa việc san lấp hồ, ao trong đô thị, khu dân cư”.

Có thể nhận thấy nhiều bất cập trong việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đấu giá quyền sử dụng đất phát triển làng nghề tại thôn Hạ, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng. Thứ nhất, hồ Chậu bị san lấp không đúng quy định. Thứ hai, UBND xã Liên Trung tự ý phá dỡ, cưỡng chế tài sản của người dân khi chưa kiểm đếm, chưa lập phương án bồi thường, hỗ trợ. Đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và huyện Đan Phượng sớm điều tra, làm rõ và trả lời những kiến nghị của người dân.

Bài và ảnh: THÀNH OANH THƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/37280202-bat-cap-trong-trien-khai-du-an-lang-nghe-tap-trung-o-huyen-dan-phuong.html