Bất cập trong thiết kế phục trang sân khấu

Lâu nay, trong lĩnh vực thiết kế sân khấu, công việc chung của phần mỹ thuật cũng như phục trang hầu như đều do các họa sĩ thiết kế đảm nhiệm. Sự ôm đồm này là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng phục trang của diễn viên mắc không ít lỗi, thậm chí gây phản cảm, ảnh hưởng tới chất lượng tác phẩm nghệ thuật.

Lâu nay, trong lĩnh vực thiết kế sân khấu, công việc chung của phần mỹ thuật cũng như phục trang hầu như đều do các họa sĩ thiết kế đảm nhiệm. Sự ôm đồm này là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng phục trang của diễn viên mắc không ít lỗi, thậm chí gây phản cảm, ảnh hưởng tới chất lượng tác phẩm nghệ thuật.

Khi kinh phí còn hạn hẹp, phần dành cho thiết kế trang phục cho mỗi vở diễn sân khấu hiện nay đang ở mức rất thấp, thường xuyên bị giảm thiểu một cách tối đa. Bên cạnh đó, việc nhiều họa sĩ cùng một lúc vừa phải lo phục trang, vừa phải đảm trách mỹ thuật của vở diễn thực sự đã đặt ra một số khó khăn khiến chất lượng công việc khó bảo đảm. Trước thực trạng này, NSND, họa sĩ Hoàng Song Hào - người từng nhận nhiều giải thưởng về thiết kế mỹ thuật sân khấu, đã có lần lên tiếng khá gay gắt về việc cần phải có nhà thiết kế trang phục riêng cho mỗi vở diễn sân khấu để bảo đảm tính chuyên nghiệp và chất lượng tác phẩm. Tuy nhiên, với lý do thiếu người và kinh phí eo hẹp nên tình trạng phổ biến hiện nay là các đơn vị sân khấu phó thác cho các họa sĩ thiết kế sân khấu tự do “sáng tạo”, dẫn đến nhiều sai sót khiến người xem dở khóc, dở cười, nhất là với những vở diễn về đề tài lịch sử. Do thiếu kiến thức lịch sử, không tuân thủ các quy định cơ bản về trang phục từng thời kỳ, cùng với sự tùy tiện trong việc phục dựng các lễ phục thời xưa nên họa sĩ đã mạnh dạn cho Hoàng hậu nhà Lê mặc váy tân thời, hay việc tùy tiện “cách tân” đến mức gây sốc như khăn vành dây của Nam Phương hoàng hậu thời Bảo Ðại cũng được đội lên đầu của Bà Trưng, Bà Triệu hàng ngàn năm trước; hoặc nàng Mạnh Lệ Quân lại mặc sườn xám dạ hội... Hay một tình trạng khá phổ biến trong không ít vở diễn lịch sử, từ vua chúa cho đến thường dân đều xuất hiện trong những bộ trang phục sặc sỡ mầu sắc, lóng lánh kim tuyến, kim sa.

Trong khi tại nhiều nhà hát, phần đầu tư cho thiết kế phục trang chỉ ở con số khiêm tốn vài ba chục triệu đồng thì cũng có một vài nhà hát dám “chơi sang” thuê riêng nhà thiết kế phục trang với số tiền đầu tư lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhưng ngay cả việc “chịu chi” này cũng chưa chắc khiến phần phục trang sân khấu đạt chuẩn về đúng và đẹp. NSƯT Thu Hà nhận xét, khoan nói về việc làm ẩu, ngay như những vở được đầu tư tốt như vở Oan khuất một thời, họa sĩ thiết kế của vở diễn mặc dù là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực thời trang, với các vở cải lương lớn của sân khấu thành phố Hồ Chí Minh, nhưng để có một thiết kế giàu tinh thần của kẻ sĩ xứ Bắc, xây dựng đúng chân dung, cốt cách của Nguyễn Trãi cách đây mấy trăm năm thì vẫn chưa thuyết phục. Về kỹ thuật dựng “phom”, dáng trang phục của vở diễn thì không dễ để bắt lỗi. Tuy nhiên đây là tác phẩm sân khấu làm về một nhân vật có thật, một triều đại có thật trong lịch sử, song các hoa văn, tiểu tiết, kiểu dáng,... được nghiên cứu còn thiếu tinh tế và chưa thuyết phục. Thí dụ họa tiết của quan hay của vua đều sử dụng họa tiết thời Nguyễn một cách rất rõ ràng trong khi trang phục của hoàng hậu Nguyễn Thị Anh lại mang phong cách đặc trưng của thời Lê dẫn đến sự khập khiễng, khiến người xem bình thường cũng có thể dễ dàng nhận thấy.

Sự thiếu chuyên nghiệp, tùy hứng, thậm chí là tùy tiện trong thiết kế còn thể hiện khá rõ ở việc sử dụng mầu sắc theo trang phục. Mầu sắc trang phục của từng loại vai diễn vốn được quy định rất rõ như: mầu vàng chỉ dành cho vua, mầu đỏ cho võ tướng, mầu tía dành cho quan văn,... thì ở nhiều vở diễn bị sử dụng lẫn lộn. Theo các nhà nghiên cứu thì ở triều Trần có quy định rất cụ thể: quan nhất phẩm mặc mầu tía; nhị phẩm mầu đại hồng; tam phẩm mầu đào hồng; tứ phẩm mặc ngũ phẩm mầu lục, người không có phẩm hàm và nô bộc dùng mầu trắng, người hầu phải mặc váy mở, không dùng xiêm... Nhưng không phải nhà thiết kế phục trang nào cũng tuân thủ các quy định này. Bên cạnh đó các trang phục cũng cần phân biệt đặc trưng họa tiết rồng các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn,... nếu không sẽ dễ dẫn đến việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, gây phản cảm.

Đáng buồn là hiện nay vẫn còn tình trạng một số nghệ sĩ thiết kế chỉ chú trọng làm đẹp mà chưa thật sự hiểu được giá trị của những bộ trang phục đúng, phù hợp với tinh thần của vở diễn. Có thể lấy thí dụ như một vở diễn có bối cảnh lịch sử là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi họa sĩ đưa trang phục cho diễn viên thử mẫu, nhiều người vì không quen với lối trang phục rộng, cho rằng như thế là xấu, không tôn sắc vóc của diễn viên nên đòi thay đổi và người chịu trách nhiệm về vở diễn cũng lại đồng tình với quan điểm “duy mỹ” này. Vì thiếu kiên quyết, không bảo vệ được quan điểm nghệ thuật của mình, nhà thiết kế buộc phải chiều lòng diễn viên, trở thành người “đẽo cày giữa đường”. Kết quả là một trong các yếu tố làm cho vở diễn không thể thuyết phục được công chúng chính vì những bộ quần áo lạc điệu, diễn viên xuất hiện trên sân khấu giống trình diễn thời trang hơn là nhân vật của vở diễn về đề tài lịch sử. Nhưng cũng với một vở diễn về giai đoạn lịch sử này, cũng với nhà thiết kế đó, nhờ sự cương quyết của đạo diễn nên đã giữ đúng ý đồ sáng tạo nhằm phản ánh sự chân thực lịch sử và trở thành một yếu tố giúp vở diễn thu được thành công đáng kể. Chưa nói cá biệt có trường hợp do khối lượng công việc phải đảm nhận quá lớn nên các họa sĩ khó lòng kham nổi, vì vậy họ giải quyết bằng cách đưa ra một ý tưởng chung chung, việc thực hiện phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà may. Tại không ít vở diễn, diễn viên sử dụng những bộ trang phục “dở khóc dở cười”, phản thẩm mỹ khiến người xem không khỏi bức xúc… Có một thực tế của sân khấu trong nước hiện nay là nhiều trường hợp, không chỉ họa sĩ thiết kế cần có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình, mà còn cần cả sự sáng suốt của những người chịu trách nhiệm chính với vở diễn như đạo diễn, nhà sản xuất...

“Chuyện dài kỳ” liên quan việc đúng - sai, đẹp - xấu của phục trang sân khấu dù muốn hay không cũng đã tác động không nhỏ đến cảm xúc của công chúng. Trong một số trường hợp, những bộ trang phục kệch cỡm hoặc không ăn nhập với vở diễn đã khiến công chúng kém mặn mà khi đến nhà hát. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân mang tính chủ quan từ họa sĩ thiết kế và những hạn chế về kinh phí đầu tư cho phục trang, không thể không nói đến một nguyên nhân quan trọng là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có những công trình tập hợp đầy đủ, chi tiết và đáng tin cậy liên quan đến trang phục của từng thời kỳ trong lịch sử dân tộc. Một số công trình nghiên cứu đơn lẻ tiêu biểu như Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam (Trịnh Quang Vũ, NXB Văn hóa - Thông tin, H.2005), Trang phục Việt Nam (Ðoàn Thị Tình, NXB Mỹ thuật, H.2006)... Gần đây nhất có cuốn Ngàn năm mũ áo của Trần Quang Ðức (NXB Thế giới, H.2013) nghiên cứu trang phục ở Việt Nam từ năm 1009 đến năm 1945, dù được đánh giá khá công phu song là công trình có tính cá nhân và vẫn còn những điểm băn khoăn, thậm chí gây tranh cãi. Do còn thiếu những căn cứ xác tín về sử liệu, nên thời gian qua, người thiết kế trang phục sân khấu buộc phải có một số sáng tạo để bù lấp khoảng trống này, sao cho từ cứ liệu lịch sử ít ỏi còn tồn tại cùng hiểu biết của mỗi cá nhân về thời kỳ lịch sử vở diễn đề cập,… mà các ý tưởng của họ vẫn có thể ăn nhập, không bị bật ra khỏi cốt truyện.

Dù rằng trong lĩnh vực sân khấu, tác giả có quyền tạo dựng tính ước lệ cho vở diễn, nhưng quyền ấy không có nghĩa là xâm phạm hoặc bỏ qua các yêu cầu về tính chân thực lịch sử. Bối cảnh, trang phục trong sân khấu có thể không đòi hỏi quá chi tiết như trong điện ảnh, song không vì thế họa sĩ có quyền sáng tạo đến mức bất chấp các quy tắc chung, dẫn đến các biểu hiện phi lịch sử, thậm chí phản cảm, phản văn hóa. Như NSƯT, họa sĩ Tất Ngọc từng chia sẻ: Làm sân khấu cho các kịch bản về đề tài lịch sử là rất khó. Khác với cốt truyện của vở diễn, chính mỹ thuật sân khấu gần như tức khắc tác động tới khán giả, đến thẳng với cảm xúc của người xem ngay sau khi mở màn. Có được điều này là nhờ vào vai trò của mỹ thuật sân khấu và trang phục của diễn viên. Song để chinh phục khán giả, mọi sáng tạo của họa sĩ cần phải dựa trên các căn cứ lịch sử, khoa học, tôn trọng kịch bản.

Trước thực trạng trên, để góp phần hạn chế các bất cập, sai sót không chỉ trong phục trang, sân khấu mà cả về nội dung tác phẩm, nhất là tác phẩm về đề tài lịch sử, trong các thành phần tham gia sáng tạo vở diễn cần có sự tư vấn của các nhà sử học. Hiện nay chúng ta có nhiều kênh thông tin hỗ trợ, do đó các họa sĩ cần thường xuyên cập nhật và không ngừng cập nhật, nâng cao kiến thức nền tảng, tránh bị nhiễu loạn thông tin. Về phía các nhà khoa học, cần triển khai những nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử phục trang để tránh tình trạng mò mẫm, tự phát… Những kết quả đã được kiểm chứng và công nhận, rất cần được biến thành kiến thức chung để mọi người đều có thể tìm hiểu và hình dung phần nào về từng thời kỳ lịch sử của dân tộc, cũng như về các khía cạnh của đời sống xã hội… Trên thực tế, căn cứ vào các tư liệu lịch sử, hiện vật tìm được cũng như một số tư liệu của các nhà sử học trong nước cũng như phương Tây ghi lại, chúng ta đã có thể hệ thống hóa, đưa ra cứ liệu chính xác về trang phục từ thế kỷ 18 tới nay. Tuy nhiên, việc xác định trang phục, đời sống của các triều đại trước đó như Lý - Trần - Mạc vẫn đang là một thách thức với các nhà nghiên cứu bởi cả chính sử lẫn dã sử đều rất ít thông tin. Về phía mình, ngành sân khấu cũng cần lưu giữ những thành công của các vở diễn về đề tài lịch sử làm tư liệu tham khảo, học tập cho người làm nghề, nhất là cho các thế hệ hoạt động sân khấu sau này. Và khi nghệ sĩ nói chung và họa sĩ chuyên đảm trách phục trang sân khấu nói riêng luôn nỗ lực phát huy tài năng, không ngừng trau dồi tri thức, biết rút kinh nghiệm từ thành công cũng như thất bại từ người đi trước… thì đó sẽ là nền tảng quan trọng để những cống hiến, sáng tạo của họ sẽ đạt yêu cầu chuẩn mực, đáp ứng được kỳ vọng của công chúng.

CAO NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/39103502-bat-cap-trong-thiet-ke-phuc-trang-san-khau.html