Bất cập trong quản lý bến thủy nội địa ở Phú Thọ

Tại tỉnh Phú Thọ, nhiều bến, bãi không phép, vi phạm quy định vẫn ngang nhiên hoạt động, đe dọa hành lang đê điều, sạt lở bờ, kè sông và gây thất thoát ngân sách. Điều đáng nói ở đây là những sai phạm nêu trên đã diễn ra trong khoảng thời gian dài nhưng chưa bị xử lý dứt điểm.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Thọ kiểm tra một cơ sở kinh doanh khai thác cát, sỏi ven sông.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Thọ kiểm tra một cơ sở kinh doanh khai thác cát, sỏi ven sông.

Tại tỉnh Phú Thọ, nhiều bến, bãi không phép, vi phạm quy định vẫn ngang nhiên hoạt động, đe dọa hành lang đê điều, sạt lở bờ, kè sông và gây thất thoát ngân sách. Điều đáng nói ở đây là những sai phạm nêu trên đã diễn ra trong khoảng thời gian dài nhưng chưa bị xử lý dứt điểm.

Theo ghi nhận của phóng viên dọc các tuyến sông Hồng, sông Ðà, sông Lô, sông Chảy có hàng loạt bến, bãi hoạt động kinh doanh cát, sỏi, gỗ nguyên liệu giấy, gỗ bóc… gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất, bờ sông, đê điều, ảnh hưởng cuộc sống của người dân, gây bức xúc dư luận. Ðáng chú ý, nhiều bến, bãi tự thuê đất của hộ dân, chưa được cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã tự ý san gạt làm nơi tập kết vật liệu. Nhiều bến, bãi tập kết nằm sát mép sông, gần sát chân đê, các công trình quan trọng, cạnh nhà dân với diện tích lớn. Ngoài ra, chủ bến, bãi còn chuyên chở vật liệu trên các xe cơi nới thành thùng, quá trọng tải; bắc ống hút cát ngang nhiên trên dòng sông làm ảnh hưởng lưu thông tàu, thuyền; có hộ còn đổ đất, đổ bê-tông đắp nền vi phạm Luật Ðê điều, lấn đường giao thông, khiến cho lòng sông đang dần bị thu hẹp, cản trở dòng chảy, uy hiếp sự an toàn của đê điều.

Huyện Ðoan Hùng là một trong những địa phương có sông Lô và sông Chảy đi qua. Hoạt động bến, bãi tại địa phương này khá sôi động và có nhiều bất cập trong công tác quản lý. Theo thống kê, huyện Ðoan Hùng hiện có 41 bến và các bến không phép có xu hướng tiếp tục phát sinh mới. Các bến không phép chủ yếu là bến tập kết, khai thác cát, sỏi do người dân địa phương tự mở, người dân hợp đồng với các chủ mỏ để khai thác cát, sỏi, đưa lên vùng đất bãi ven sông. Chẳng hạn, tại xã Ðông Khê, bốn bến thủy nội địa đang hoạt động với nhiều sai phạm. Mặc dù không phép nhưng hoạt động kinh doanh cát, sỏi ở đây đang diễn ra như một đại công trường. Máy múc, máy cẩu múc cát lên xe ô-tô chở đi tiêu thụ, tiếng máy nổ ình ình suốt ngày đêm, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông, vi phạm nghiêm trọng hành lang đê điều, khiến nhiều người dân bức xúc. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, xử lý hành chính và yêu cầu chấm dứt ngay hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa, giải tỏa bãi tập kết vật liệu, các công trình, máy móc, thiết bị trên bến, trả lại nguyên trạng..., nhưng đến nay, bến, bãi này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Ðồng chí Nguyễn Hùng Luân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Ðoan Hùng khẳng định: Trong vài năm trở lại đây, các bến, bãi không phép mọc lên nhiều, rất khó kiểm soát. Cá nhân, tổ chức hoạt động bến, bãi không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, làm thất thu một khoản cho ngân sách và có rất nhiều vi phạm. Quan điểm của huyện là sớm xử lý dứt điểm bến, bãi đang hoạt động và phải đưa ra khỏi quy hoạch vì không phù hợp tiêu chí quy hoạch bến mới, nằm trong hành lang bảo vệ đê, kè, sát miệng cống thủy lợi, công trình thủy lợi. Với bến đang hoạt động đã đưa vào quy hoạch nhưng chưa được cấp phép, huyện sẽ làm báo cáo cụ thể những khó khăn, bất cập lên cơ quan có thẩm quyền để có giải pháp xử lý phù hợp.

Hiện nay, tại tỉnh Phú Thọ có 158 bến hàng hóa, trong đó có 72 bến không phép. Trước thực trạng nêu trên, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp các ngành liên quan thực hiện tổng kiểm tra các bến thủy nội địa trên toàn tỉnh. Ðoàn đã kiểm tra 157 bến tập kết vật liệu, bốc xếp hàng hóa trên các tuyến sông Lô, sông Hồng, sông Ðà, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 71 bến với số tiền 600 triệu đồng. Cuối năm 2017, UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt Quy hoạch bến thủy nội địa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng sắp xếp lại hệ thống bến thủy nội địa hiện có, đồng thời xây dựng các bến mới.

Ngay sau khi có Quy hoạch, Sở GTVT đã triển khai hướng dẫn thủ tục, hồ sơ, trình tự các bước thực hiện để được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là trong công tác quản lý cho nên vi phạm trong hoạt động bến thủy nội địa vẫn còn nhiều, tình trạng bến thủy hoạt động không phép còn phổ biến, tỷ lệ cấp mới, cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy đạt tỷ lệ thấp. Trước tình hình nêu trên, Sở GTVT Phú Thọ đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Cục Ðường thủy nội địa sớm quy hoạch khu vực neo đậu tàu thuyền để quản lý việc đậu đỗ, bốc xếp, sang mạn hàng hóa.

Việc bến, bãi mở ra tràn lan không có phép, trái phép sẽ đem lại nhiều hệ lụy khôn lường. Ðã đến lúc cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cần quyết liệt vào cuộc kiên quyết xử lý dứt điểm và mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, đấu tranh với hoạt động phi pháp, không vì lợi nhuận trước mắt mà gây ra những tác động xấu tới xã hội, môi trường và tài nguyên của đất nước.

Bài, ảnh: Việt Linh và Ðinh Nguyễn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/37619502-bat-cap-trong-quan-ly-ben-thuy-noi-dia-o-phu-tho.html