Bất cập trong phòng, chống sốt xuất huyết tại Hà Nội

Từ đầu năm đến nay, TP Hà Nội đã có khoảng 25.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH), bảy người đã tử vong; 14 trong tổng số 30 quận, huyện thuộc diện báo động đỏ về bệnh SXH. Theo bạn đọc phản ánh, SXH tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp là do công tác phòng, chống dịch chưa thật sự hiệu quả; người dân còn lơ là, chủ quan.

Người bệnh mắc sốt xuất huyết thăm khám tại Bệnh viện đa khoa Ðống Ða (Hà Nội).

Người bệnh mắc sốt xuất huyết thăm khám tại Bệnh viện đa khoa Ðống Ða (Hà Nội).

Chủ quan, thiếu hiểu biết về phòng và chống SXH

Anh Nguyễn Văn Hải, nhân viên cửa hàng sửa xe máy ở phố Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa kết thúc đợt điều trị SXH tại Bệnh viện đa khoa Ðống Ða (Hà Nội), cho biết: “Lúc mới bị sốt tôi chủ quan cho rằng bị sốt dịch, cho nên tự mua thuốc uống, mấy ngày sau xuất hiện các triệu chứng sốt cao, kèm theo chảy máu chân răng, đại tiện ra máu,... Ðến bệnh viện khám, xét nghiệm máu thì các bác sĩ phát hiện tôi bị mắc SXH nặng, phải nhập viện ngay”. Cũng suy nghĩ như anh Hải, chị Nguyễn Thị Hương ở đường Nguyễn Ðức Cảnh (Hoàng Mai, Hà Nội) kiên quyết không mở cửa cho nhân viên y tế vào nhà phun thuốc diệt muỗi với lý do, “gia đình không có ai mắc SXH. Hơn nữa, phun thuốc này rất độc hại, chưa chắc muỗi, bọ gậy đã chết mà có thể những người thân trong nhà lại mắc bệnh ung thư”. Mặc dù trước đó, chung quanh nhà chị đã có rất nhiều người mắc SXH phải vào các bệnh viện điều trị.

Tại phường Láng Thượng (Ðống Ða, Hà Nội), một trong những quận nằm trong diện báo động đỏ của thành phố về tình hình SXH, công tác phun thuốc diệt muỗi được UBND phường thông báo đến từng tổ dân phố với nội dung: “Hộ gia đình (nhà riêng) chỉ phun ở tầng một và hướng vòi phun lên tầng hai; chung cư (cũ) phun từ tầng năm trở xuống; chung cư (mới xây dựng) phun từ tầng ba trở xuống; mỗi hộ gia đình phun từ 40 giây đến 60 giây...”. Trên thực tế, việc phun thuốc diệt muỗi chỉ được thực hiện ở tầng 1 của các gia đình ở phường Láng Thượng và nhiều khu dân cư khác trên địa bàn thành phố. Anh Ðặng Tiến T, ở ngõ 426 Ðường Láng, phường Láng Hạ (Ðống Ða, Hà Nội), cho biết: "Ngõ nhà tôi có rất nhiều người bị SXH phải nhập viện, tôi đã thông báo cho tổ trưởng dân phố và cán bộ y tế phường đến phun thuốc nhưng chỉ được phun ở tầng 1. Sau đó, mỗi gia đình bồi dưỡng ít nhất 50 nghìn đồng thì nhân viên mới phun đầy đủ các tầng, các phòng...”.

Theo một số chuyên gia y tế dự phòng, việc hướng dẫn chỉ phun thuốc diệt muỗi ở tầng một (đối với hộ gia đình) của UBND phường Láng Thượng và một số địa phương là không đúng, không đạt hiệu quả trong diệt muỗi gây SXH. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì đối với nhà chung cư, nhà ở có nhiều tầng, nhiều phòng, thì phun tất cả các phòng, các góc, cầu thang, sân thượng... với nguyên tắc phun từ tầng trên xuống tầng dưới, từ trong ra ngoài bằng cách đi giật lùi hết phòng này sang phòng khác.

Chống SXH theo kiểu phong trào

Mặc dù các ban, ngành, đoàn thể của TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực và bước đầu đã có những kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của Ðoàn chuyên gia thuộc Bộ Y tế thì vẫn còn rất nhiều ổ bọ gậy, ổ muỗi tồn tại trong các khu dân cư, khu nhà trọ không được người dân loại bỏ. Công tác phun hóa chất và diệt bọ gậy tại Hà Nội chưa triệt để. Có đến 10% số gia đình đóng cửa không tiếp cận được, 35% số gia đình không chấp nhận việc phun hóa chất tất cả các tầng, khoảng 50% đến 60% số gia đình chỉ cho phun tầng 1. Tại cuộc họp gần đây giữa Bộ Y tế với Sở Y tế Hà Nội về đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống SXH trên địa bàn thành phố, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Ðắc Phu cho rằng, hiện nay số ca mắc SXH mới tại các quận nội thành có xu hướng giảm, nhưng tại các huyện ngoại thành lại tăng. Bởi trước đó, các biện pháp phòng, chống SXH mới chỉ tập trung tại các quận có nhiều người mắc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số khu dân cư, công trường xây dựng, nghĩa trang,... một số quận, huyện thuộc diện báo động đỏ về SXH như: các xã Bích Hòa, Cự Khê, Dân Hòa (huyện Thanh Oai); phường Khương Ðình (quận Thanh Xuân); phường Phú Lãm (quận Hà Ðông) và phường Trung Liệt (quận Ðống Ða)... có rất nhiều ổ bọ gậy trong các lọ hoa, máy phun sương, bình lọc nước, chậu cây cảnh. Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cho rằng việc phun hóa chất diệt muỗi và diệt bọ gậy được thực hiện qua loa, chiếu lệ và chưa vào tận các ngõ, ngách; mỗi đội phun hóa chất phải có ba người, gồm: hai cán bộ thay nhau phun và một cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, nhưng hầu hết chỉ có một người phun; công tác tuyên truyền diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi ở cấp cơ sở diễn ra chậm, khiến số ổ dịch tăng lên; nhiều đội trưởng đội xung kích là các tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố đã lớn tuổi, sức khỏe không bảo đảm; theo quy định mỗi đội xung kích phụ trách từ 30 đến 50 gia đình nhưng hầu hết các đội phụ trách từ 120 đến 150 hộ; một số đội xung kích khi kiểm tra tại các gia đình còn để sót bọ gậy; các tổ giám sát hoạt động chưa thường xuyên, thiếu cán bộ giám sát.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh từ đầu năm đến nay thành phố có khoảng hơn 25.000 người mắc SXH, trong đó có bảy người chết. Nếu tính theo số người mắc SXH tuyệt đối thì Hà Nội đang đứng đầu cả nước. Nguyên nhân là do phần lớn người dân vẫn chủ quan, xem thường bệnh SXH; sự phối hợp của người dân với các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong phòng, chống SXH chưa cao; khoảng 30% số đội xung kích diệt bọ gậy, chống SXH hoạt động chưa hiệu quả. Hơn nữa, thành phố hiện có khoảng 2.300 công trường xây dựng và khoảng 118 nghìn khu nhà trọ của sinh viên, người lao động không bảo đảm vệ sinh môi trường; năm nay, mùa hè đến sớm, Hà Nội không có đợt rét tháng ba (âm lịch) như mọi năm... Ðây là những điều kiện, môi trường thuận lợi để bọ gậy, muỗi gây SXH phát triển mạnh.

Bệnh SXH xảy ra tại Hà Nội đã kéo dài hơn hai tháng. Hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế của thủ đô đều quá tải bệnh nhân SXH, nhiều cán bộ y tế cũng bị lây chéo. TP Hà Nội đứng đầu cả nước về số ca mắc và con số mắc SXH vẫn không ngừng tăng. Nếu y tế dự phòng tốt thì hoàn toàn có thể ngăn chặn hoặc làm giảm phát sinh bệnh.

NGUYỄN MINH THƯ

(Phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội)

Qua giám sát thực tế cho thấy, thành phố Hà Nội chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng nhiều quận, huyện chưa tích cực triển khai, thậm chí tuyến xã, phường, thị trấn còn “bình chân”. Nếu cấp cơ sở không quyết liệt, thì khó ngăn chặn được bệnh SXH.

NGUYỄN THANH LONG

Thứ trưởng Bộ Y tế

Nhiều người từng bị SXH cho rằng sẽ không mắc nữa, nhưng vi-rút Dengue gây SXH có bốn chủng huyết thanh là Den 1, Den 2, Den 3 và Den 4. Người bệnh bị nhiễm chủng vi-rút nào, thì chỉ có khả năng miễn dịch bền vững với chủng vi-rút đó và chỉ miễn dịch một phần với các chủng vi-rút khác. Chính vì vậy, một người có thể mắc SXH nhiều lần và mắc lần sau sẽ nặng hơn lần trước.

PHẠM BÁ HIỂN

Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Ðống Ða (Hà Nội)

Bài và ảnh: MINH DUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/34033202-bat-cap-trong-phong-chong-sot-xuat-huyet-tai-ha-noi.html