Bất cập trong phân bố cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Theo chuyên gia, việc phân bố các cơ sở GDNN không hợp lý giữa các vùng miền sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng tại chỗ.

Đào tạo nghề tại chỗ tại một số vùng còn chưa đồng đều. Ảnh minh họa

Đào tạo nghề tại chỗ tại một số vùng còn chưa đồng đều. Ảnh minh họa

“Vắng” cơ sở GDNN ở một số vùng

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức, công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa với quy hoạch thời kỳ trước, các quy hoạch có liên quan. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan trong quá trình lập và triển khai thực hiện và giám sát quy hoạch...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có trách nhiệm bảo đảm việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, cơ cấu phân bố các cơ sở GDNN còn chưa đồng đều, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng Sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Các vùng Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc là những vùng có ít các cơ sở GDNN, chủ yếu là các cơ sở GDNN phục vụ cho đào tạo nghề ngắn hạn, còn các trường cao đẳng và trung cấp có số lượng rất ít.

Theo TS Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Kỹ thuật Cao Thắng: Bối cảnh phát triển khoa học công nghệ đang đặt ra một yêu cầu cấp thiết cho các cơ sở sản xuất kinh doanh là phải đổi mới công nghệ đi đôi với nâng cao trình độ đội ngũ công nhân.

Do vậy, việc phân bố các cơ sở GDNN không hợp lý giữa các vùng miền như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng tại chỗ cũng như ảnh hưởng tới hiệu quả lao động cho các trung tâm lao động.

Các cơ sở GDNN đang phải đối mặt với nhiều thách thức về việc tuyển sinh khó khăn do tâm lý người học không muốn học nghề. Phần lớn người học nghề thuộc đối tượng gia đình có thu nhập thấp, khó quy định trần thu học phí ở mức cao dẫn đến nguồn thu từ học phí thấp. Trong khi chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu để dạy thực hành lớn.

Việc triển khai thực hiện xã hội hóa GDNN còn chậm và nhiều lúng túng, không đồng đều ở các tỉnh, thành phố, địa phương. Các cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài thường tập trung ở các thành phố, vùng kinh tế trọng điểm.

Có tình trạng nhiều trường cùng đào tạo nghề giống nhau trên một địa bàn, trong khi chính sách thu hút người học lại thiếu thống nhất.

Việc sắp xếp các cơ sở GDNN ở các bộ, ngành, địa phương hiện nay còn mang tính hành chính, cơ học. Các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng nguyên tắc sáp nhập cụ thể, chưa xác định chỉ tiêu giảm đầu mối cơ sở GDNN công lập.

Chưa xây dựng cụ thể lộ trình tự chủ đối với các cơ sở GDNN công lập, chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN sau sắp xếp. Thậm chí, một số địa phương lại bố trí cơ sở vật chất, nhất là quỹ đất ở trung tâm đô thị vào mục đích sử dụng khác.

TS Lê Đình Kha cho rằng, giải pháp để quy hoạch mạng lưới GDNN đồng bộ cần được sự quan tâm từ các bộ, ngành, địa phương... để có các chính sách ưu đãi và đầu tư có trọng điểm, truyền thông định hướng và phân luồng. Phải gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, đặc biệt là doanh nghiệp địa phương.

NGƯT.TS Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM. Ảnh NVCC

Nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu

Theo NGƯT.TS Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM: Việc phân bố các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chưa đồng đều. Vì vậy, cần có chiến lược quy hoạch cho đồng bộ.

Cần cơ cấu lại hoặc giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động kém hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động GDNN theo quy định.

Đối với các cơ sở GDNN công lập đang hoạt động có hiệu quả, xây dựng lộ trình tự chủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án tự chủ để tiếp tục phát huy thế mạnh của trường ngày càng phát triển và hội nhập khu vực và quốc tế. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa GDNN, nhất là trong các ngành công nghệ cao.

Ngoài ra, cần huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở GDNN. Triển khai nhanh quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của địa phương và cả nước.

Sắp xếp, tổ chức lại cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu lao động qua đào tạo nghề nghiệp của các bộ, ngành, địa phương theo từng thời kỳ. Ưu tiên phát triển các trường chất lượng cao tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, các nước phát triển trong nhóm G20 và các cơ sở GDNN cho các ngành, nghề, đối tượng đặc thù.

Lấy mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Thực hiện công khai, minh bạch việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN.

Sắp xếp, tổ chức lại cơ sở GDNN thực hiện theo lộ trình phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, người học. Bảo toàn tài sản của Nhà nước và đất đai của các cơ sở GDNN sau khi sắp xếp, tổ chức lại.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, ưu tiên phát triển đào tạo các ngành, nghề theo lĩnh vực, địa bàn mà các cơ sở GDNN ngoài công lập làm được và làm tốt.

Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDNN. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau sắp xếp, tổ chức lại.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/bat-cap-trong-phan-bo-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-fRsaAplMg.html