Bất cập quản lý việc giết, mổ động vật tự phát

Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm (GMGSGC) là một khâu quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, công tác quy hoạch, quản lý GMGSGC vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng GMGSGC thủ công, tự phát diễn ra tràn lan, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường.

Giết mổ gia cầm tại một chợ cóc trên địa bàn phường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: TRẦN HUYỀN

Giết mổ gia cầm tại một chợ cóc trên địa bàn phường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: TRẦN HUYỀN

Khu vực chợ tạm trên đường Tân Mỹ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nằm sát Bệnh viện Thể thao (Mỹ Đình), là địa điểm họp chợ ngay cạnh khu vực mương thoát nước, còn được gọi là “chợ mương bẩn”. Thực tế, bên trong chợ, sự nhớp nháp, bẩn thỉu và hôi tanh của khu vực bày bán gia cầm cũng “tương đồng” với cái tên. Tại đây, người kinh doanh giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ. Và chung quanh những chiếc lồng đựng gà, ngan, vịt, chim bồ câu sống được quây tròn là khu vực giết mổ của các tiểu thương. Xô nhựa, chậu đựng nước cáu bẩn để bừa bãi trên mặt đường.

Tuy giết mổ hàng trăm con gia cầm các loại mỗi ngày, nhưng tất cả đều được chủ hàng nhúng chung trong một nồi nước đun từ sáng đến chiều tối. Chỉ cần lựa chọn những con gà ưng ý, sau năm đến 10 phút là khách hàng có ngay con gà làm sạch. Bên cạnh những lồng gà sống là những con gà được thịt sẵn, lông gà và nội tạng hòa lẫn dòng nước thải, bốc mùi hôi thối. Phần lớn những người mổ gia cầm đều không đeo khẩu trang và găng tay, mọi công đoạn giết mổ, bán hàng chỉ được tiến hành trong vỏn vẹn vài mét vuông.

Chị Nguyễn Kim Anh (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) chia sẻ: Thật ra, ai cũng biết gà, vịt làm thịt ở chợ không kỹ và cũng không sạch sẽ, nhưng vì ngại đem về nhà làm, cho nên đành để người bán giết mổ luôn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng luôn thích ăn thịt tươi hơn thịt cấp đông, “ngại” mua gia cầm đã được sơ chế sẵn, họ mua gà sống rồi mới yêu cầu người bán giết mổ. Vợ chồng anh Huấn, một thương lái bán gia cầm sống tại khu Bệnh viện Thể thao (Mỹ Đình), cho biết: “Trước đây, ở khu chợ này chỉ có từ một đến hai người bán, nhưng do nhu cầu mua bán tăng, đến nay khá nhiều hộ kinh doanh buôn bán, giết mổ gia cầm sống ngay tại chợ. Nhất là vào dịp lễ, Tết, nhu cầu mua của người dân tăng cao từ 20 đến 30%, cho nên số người buôn bán gia cầm sống tại chợ cũng tăng theo.

Dạo qua các chợ tại quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, những hình ảnh tương tự như nêu trên diễn ra phổ biến.

Lý giải tình trạng buôn bán GMGSGC thủ công, nhỏ lẻ vẫn hoạt động tự phát, tràn lan, lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội cho rằng, đó là do công tác quản lý GMGSGC còn nhiều bất cập. Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có tất cả 1.074 cơ sở GMGSGC; trong đó, 1.041 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công; 26 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; bảy cơ sở giết mổ công nghiệp. Theo thiết kế, các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp và tập trung khi hoạt động hết công suất có thể cung ứng tới 88,7% nhu cầu thịt gia cầm và 59,8% nhu cầu thịt lợn mỗi ngày cho toàn thành phố. Song thực tế, các cơ sở này mới chỉ cung ứng được 45% nhu cầu thực phẩm giết mổ có kiểm soát ra thị trường, số còn lại do hơn 1.000 cơ sở GMGSGC nhỏ lẻ, thủ công nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng cung ứng.

Toàn thành phố hiện có bảy cơ sở giết mổ tập trung, nhưng hoạt động cầm chừng, chỉ phát huy được 10 đến 15% công suất thiết kế. Nguyên nhân là do các cơ sở giết mổ công nghiệp không có nguồn cung nguyên liệu ổn định, thiếu hệ thống phân phối sản phẩm; thiếu sự hỗ trợ về chế biến sau giết mổ, cho nên chưa tạo được chuỗi liên kết sản phẩm từ chăn nuôi - giết mổ - sơ chế - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Đáng nói, vốn đầu tư cơ sở giết mổ gia cầm tập trung quá lớn, gấp hàng chục lần so với xây dựng cơ sở bán công nghiệp, dẫn tới chi phí giết mổ cao. Mặt khác, do người tiêu dùng chưa quan tâm nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Những điều này đã khiến cho các cơ sở giết mổ thủ công, nhỏ lẻ tiếp tục tồn tại.

Tình trạng buôn bán, GMGSGC nhỏ lẻ, tự phát không chỉ là thói quen có hại, mà còn có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Thời gian tới, để khắc phục bất cập trong công tác quản lý GMGSGC, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh GMGSGC, cùng với việc tập trung triển khai kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về việc quản lý GMGSGC giai đoạn 2016-2020, các cơ quan chức năng cần chú trọng thông tin tuyên truyền, giới thiệu, biểu dương các cơ sở sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý, có chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ khôi phục hoạt động của các cơ sở giết mổ công nghiệp; ban hành các quy định nhằm quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm. Sản phẩm động vật tiêu thụ phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch, có dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt, có tem kiểm tra vệ sinh thú y với sản phẩm đã chia nhỏ, bao gói; xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh trái quy định, vi phạm các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.

“Mặc dù các địa phương và lực lượng thú y đã tích cực vào cuộc, nhưng vẫn không thể kiểm soát hết tình trạng giết mổ gia cầm sống tại các chợ và các điểm GMGSGC tự phát trong thành phố. Nguyên nhân là do các hộ giết mổ khá nhỏ lẻ, phân tán trong khi lực lượng kiểm tra còn mỏng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe”.

Đỗ Phú Sơn

Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục

Thú y Hà Nội

“Để hạn chế việc GMGSGC tự phát và phục vụ tốt cho công tác quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm, thành phố cần quy hoạch các điểm giết mổ gia cầm tập trung, có kiểm soát nguồn gốc. Đồng thời, các cấp, ngành phải cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen cho cả người kinh doanh và người tiêu dùng".

Trần Xuân

(Hội Khoa học kỹ thuật và Thú y Việt Nam)

“Do chi phí giết mổ ở lò mổ công nghiệp thường cao gấp nhiều lần so với giết mổ bán công nghiệp hoặc nhỏ lẻ, nhưng giá bán trên thị trường lại không thay đổi. Thêm nữa, người tiêu dùng lại chưa có thói quen dùng thịt đông lạnh hoặc thịt bảo quản mát, cho nên phần lớn các hộ GMGSGC thủ công vẫn thực hiện theo phương thức cũ để giảm chi phí, tăng lợi nhuận”.

Nguyễn Thị Hương

(Hộ giết mổ động vật ở huyện Thanh Trì, Hà Nội)

KIM OANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/33347502-bat-cap-quan-ly-viec-giet-mo-dong-vat-tu-phat.html