Bất cập quản lý vỉa hè ở TP HCM - Bài 2: Số phận hàng rong

Khi không thể dẹp được hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, TP Hồ Chí Minh triển khai việc đưa bà con về kinh doanh tại các khu vực buôn bán tập trung, thường gọi nôm na bằng tên gọi 'phố hàng rong'. Sau hơn một năm đi vào hoạt động, nhóm PV báo Đại Đoàn Kết đã đến ghi nhận thực trạng, vấn đề phát sinh xung quanh mô hình quản lý này.

Phố hàng rong trên đường Nguyễn Thái Học quy hoạch đã lâu nhưng chưa triển khai.

Tín hiệu tích cực cho hộ nghèo

Phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm ở Q1, TP HCM đi vào hoạt động được hơn một năm nay, với hơn 20 gian hàng bán đồ ăn uống các loại, chủ yếu phục vụ vào buổi sáng và buổi trưa.

Gặp chúng tôi, tổ phó tự quản “phố hàng rong” Nguyễn Văn Chiêm là ông Bùi Đức Lợi cho biết, đến thời điểm này có thể khẳng định việc giải quyết về nơi buôn bán cho người bán hàng rong đem lại cuộc sống ổn định cho họ, mà đa phần trong đó là các hộ nghèo trên địa bàn quận. Theo ông Lợi thì chỉ 20 gian hàng được bày bán nhưng phố hàng rong lại ổn định việc làm cho khoảng 40 hộ dân bán đủ hai ca sáng và trưa. Một hộ kinh doanh ở phố hàng rong mỗi ngày cũng bán được 70-80 dĩa cơm, có hôm nhiều hơn nếu trùng vào giờ tan sở ở các cao ốc, văn phòng trung tâm quanh đó. “Ngoài được thành phố tạo điều kiện kinh doanh ở gian hàng số 19 thì tôi cũng tranh thủ chạy Grab đi giao hàng, nên thu nhập cũng tăng được lên chút đỉnh”- ông Lợi nói.

Hạn chế duy nhất ở phố hàng rong này, theo ông Lợi, khách hàng chủ yếu là nhân viên công sở, ít khách vãng lai nên vào những ngày thứ 7, chủ nhật thường rất vắng vẻ khách mua. Hơn nữa, các hộ kinh doanh cũng chỉ được bán theo ca với khung thời gian khá ngắn (11h-14h) nên việc buôn bán cũng chưa thỏa mãn được kỳ vọng của tiểu thương.

Ngoài “phố hàng rong” Nguyễn Văn Chiêm, TP HCM cũng bố trí một khu vực trung tâm khác cho người bán hàng rong là khuôn viên của công viên Bách Tùng Diệp (Q1). Tại đây có 20 gian hàng, chia làm 2 ca bán theo khung thời gian buổi sáng từ 6h-9h và buổi trưa từ 11h-14h. Tổng cộng có 40 hộ kinh doanh hàng rong được bán ở đây thường xuyên mỗi ngày. Sau thời gian buổi sáng, khi hết giờ, các hộ tiểu thương phải dọn hàng hóa để dành không gian cho các hộ kinh doanh ca tiếp theo. Bà Trần Thị Út, một hộ kinh doanh ở đây cho biết, trước đây bà bán bánh mì, nước uống mưu sinh ở vỉa hè phía đường Nguyễn Du (Q1) nhưng thu nhập khá bấp bênh, lại phải lo lắng đẩy xe hàng ngày, nay đây mai đó. Từ ngày về đây, bà Út thấy an tâm hơn bởi không phải nơm nớp lo cán bộ đô thị xử phạt, lại có thêm nhiều mối khách quen mới.

Được biết, ở cả hai tuyến phố hàng rong, các tiểu thương đều được miễn phí tiền điện, nước. Dù chỉ là thời gian đầu, nhưng theo nhiều tiểu thương đây là một chính sách khuyến khích được nhiều người bán hàng rong ủng hộ. Đối với thực khách đến dùng bữa (sáng, trưa) cũng không phải nơm nớp lo trật tự đô thị xử phạt như trước đây. Ông Thắng, chủ gian hàng nước giải khát số 5 ở “phố hàng rong” công viên Bách Tùng Diệp cho biết, do địa điểm phố hàng rong gần nhiều tòa nhà văn phòng, các cao ốc nên việc buôn bán ở đây thuận lợi, nhất là vào buổi trưa. Thế nhưng ông Thắng cũng chia sẻ, ngay cả hai phố hàng rong hiện nay ở trung tâm thành phố vẫn chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu về buôn bán của hàng ngàn hộ có nhu cầu trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, việc nhân rộng mô hình này, bao giờ, ở đâu vẫn là những điều mà rất nhiều tiểu thương khác vẫn đang mong ngóng, chờ đợi.

Nhiều tiểu thương cũng hy vọng thành phố sẽ mở thêm các khung giờ, như thêm thời gian buổi tối để phục vụ cho khách du lịch, vì nếu chỉ kinh doanh hai ca như hiện nay thì thời gian hơi ngắn.

Loay hoay tìm vỉa hè trên “đất vàng”

Hai phố hàng rong ở trung tâm Q1 dù đi vào hoạt động chưa lâu. UBND thành phố có chủ trương nhân rộng, nhưng giao cho các quận chủ động tìm quỹ đất.

Ở Q1, UBND phường Phạm Ngũ Lão từng đề xuất làm phố hàng rong trên vỉa hè Nguyễn Thái Học (đoạn giao Nguyễn Thái Học và Trần Hưng Đạo), với khoảng 20 gian hàng. UBND phường Cầu Ông Lãnh đề xuất 40 gian hàng nằm dọc vỉa hè Nguyễn Thái Học (đoạn giao với Trần Hưng Đạo đến UBND phường). UBND phường Bến Thành thì đề xuất dành phần vỉa hè đường Phan Văn Trường để bố trí quỹ không gian cho phố hàng rong.

Khách du lịch và nhân viên công sở ở phố hàng rong tại Công viên Bách Tùng Diệp (Q1).

Ở một số quận trung tâm khác của TP HCM cũng có các đề xuất liên quan đến phố hàng rong, tuy nhiên khó khăn lớn nhất vẫn là không gian hạn chế, khó bố trí. Một cán bộ trật tự đô thị (giấu tên) thổ lộ, chính việc sử dụng vỉa hè của người đi bộ lâu nay đã “có chủ” nên việc lấy lại để bố trí phố hàng rong không hề đơn giản và cũng không phải là câu chuyện có thể làm một sớm một chiều. Trong khi, ông Đoàn Ngọc Hải- Phó Chủ tịch UBND Q1, phụ trách công tác trật tự đô thị tại quận này thừa nhận, thời gian qua trong quá trình xử lý lấn chiếm vỉa hè lòng đường, ông và các đồng nghiệp đã phải đụng chạm đến lợi ích to lớn của các chủ bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền...và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó. Những nhóm lợi ích này đã phản ứng công khai và ngấm ngầm khi họ bị mất đi nguồn lợi phi pháp từ lấn chiếm vỉa hè.

Vì những bất cập trên, nên dù nhiều tuyến phố được đề xuất từ cách đây hơn một năm để dành quỹ không gian vỉa hè cho phố hàng rong, thế nhưng vẫn chưa thể triển khai. Thậm chí, nhiều tuyến đã nằm trong quy hoạch như ở đường Huyền Trần Công Chúa, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Nghĩa hay Nguyễn Thái Học, Phan Văn Trường,… nhưng việc chọn lựa, bố trí của các quận xem ra vẫn loay hoay chưa rõ. Đáng chú ý, trên đường Nguyễn Thái Học đoạn gần chân cầu Ông Lãnh, dù vạch kẻ kèm theo số thứ tự phân lô đã hoàn thành để đưa phố hàng rong ở đây vào hoạt động thì cả gần một năm nay vẫn “án binh bất động”. Hệ quả là người buôn bán hàng rong vẫn lén lút kinh doanh đồ ăn, hàng nước “tự phát” trên chính khu vực đã được quy hoạch phố hàng rong này.

Chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Hải- một hộ kinh doanh bánh mì ở lề đường Nguyễn Thái Học (Q1) bức xúc, bà con nghe nói quy hoạch khu vực này cho người bán hàng rong từ mấy năm rồi. Một năm qua thì UBND phường Cầu Ông Lãnh đề xuất lên quận, nhưng cuối cùng đến nay chưa thấy cho bà con vào ổn định buôn bán. Cũng theo bà Hải, cán bộ phường cũng rất sốt sắng, đã có kế hoạch lập danh sách các hộ có điều kiện khó khăn (điều kiện có hộ khẩu của phường Phạm Ngũ Lão) để chọn các hộ đủ điều kiện kinh doanh ở phố đi bộ. Nhưng rốt cuộc tất cả cũng vẫn phải chờ, chờ đến bao giờ thì chưa ai trả lời cho bà con.

Liên hệ với đại diện UBND Q1 để tìm hiểu nguyên nhân, một cán bộ quận nêu quan điểm, khi thực hiện công tác chỉnh trang vỉa hè đô thị thì chính quyền mong muốn tạo ra sinh kế bền vững cho các hộ dân, nhất là hộ dân nghèo đang kinh doanh tự phát ở vỉa hè, lề đường trên địa bàn. Do đó, tinh thần chung là quận này sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều tuyến phố dành cho các hộ bán hàng rong sau thời gian thí điểm 2 khu vực phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Tùng Bách Diệp. Thế nhưng, chính vị cán bộ này cũng thừa nhận, do mô hình làm phố hàng rong là chủ trương mới, liên quan đến nhiều ban ngành khác của thành phố như Sở Du lịch, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương,…nên quá trình tiếp thu ý kiến các bên khiến triển khai chậm hơn dự kiến.

Trong khi chờ các phố hàng rong được nhân rộng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố đã giao Sở GTVT, đồng thời nghiên cứu đề xuất chủ trương giao lực lượng Thanh niên xung phong thành phố phối hợp với Viettel để tổ chức thực hiện toàn bộ hoạt động thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô. Quy định này hy vọng sẽ mở ra cơ hội sớm bố trí được các mặt bằng vỉa hè, lòng lề đường thông thoáng cho việc triển khai nhân rộng mô hình phố hàng rong của TP HCM trong thời gian tới.

Thành Luân - Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/do-thi/bat-cap-quan-ly-via-he-o-tp-hcm-bai-2-so-phan-hang-rong-tintuc422944