Bất cập quản lý rừng ở Hà Nội - Bài 1: Nhùng nhằng giữa quy hoạch và thực tế

Trong thời gian qua, việc quy hoạch và quản lý rừng của thành phố Hà Nội đã bộc lộ những hạn chế, kéo theo đó phát sinh nhiều hệ lụy.

Rừng ở Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đơn thuần là vấn đề sinh thái, cải thiện môi trường hay phục vụ phát triển kinh tế, du lịch mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng cho Thủ đô. Vì vậy, việc quy hoạch và quản lý rừng cần được thực hiện một cách bài bản nhằm phát huy tốt chức năng của rừng cũng như để người dân yên tâm trồng và giữ rừng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc quy hoạch và quản lý rừng của thành phố Hà Nội đã bộc lộ những hạn chế, kéo theo đó phát sinh nhiều hệ lụy.

Đó là, diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị thu hẹp; xây dựng trái phép trên đất rừng; đất rừng trồng lấn với đất thổ cư; sang nhượng đất rừng trái phép; chồng chéo trong quản lý rừng... khiến cho nguồn tài nguyên rừng chưa phát huy được tiềm năng. Xuất phát từ những vấn đề trên, TTXVN xin giới thiệu loạt bài viết về bất cập quản lý và quy hoạch rừng.
Bài 1: Nhùng nhằng giữa quy hoạch và thực tế
Huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội có 4.557 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc địa bàn 11 xã và thị trấn. Trong năm 2006, Thanh Tra Chính phủ đã thực hiện thanh tra toàn diện về quản lý đất rừng.

Qua đó, chỉ ra nhiều sai phạm và yêu cầu thành phố Hà Nội, huyện Sóc Sơn cùng các sở, ngành liên quan xử lý sai phạm, khắc phục bất cập trong quản lý đất rừng, chấn chỉnh hoạt động xây dựng trái phép, sang nhượng đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm kết luận của Thanh Tra Chính phủ vẫn chưa được thực hiện triệt để.
*Thực tế tồn tại ở Minh Tân

Công trình xây dựng tại khu vực quy hoạch rừng phòng hộ thuộc khu Đồng Đò thôn Minh Tân xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN

Công trình xây dựng tại khu vực quy hoạch rừng phòng hộ thuộc khu Đồng Đò thôn Minh Tân xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN

Thôn Minh Tân nằm cuối xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn tách biệt với những thôn khác bằng con đường đá cuội quanh co và khuất sau những cánh rừng xanh tốt. Từ năm 1983 đến năm 1985, huyện Sóc Sơn có chủ trương đưa 130 hộ dân với 474 nhân khẩu của 5 xã Kim Lũ, Xuân Thu, Bắc Phú, Tân Hưng và Minh Trí lên khu kinh tế mới Đồng Đò khai hoang trồng rừng để rồi thành lập ra thôn Minh Tân ngày nay.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đội 4, thôn Minh Tân - một trong những người dân đầu tiên lên vùng kinh tế mới Đồng Đò và bám trụ đến bây giờ, thời điểm mới lên khu kinh tế mới người dân được nhà nước hỗ trợ gạo ăn trong 6 tháng, 100 kg xi măng, 600 viên ngói, tiền để sinh hoạt.
Từ chỗ 130 hộ dân, sau 33 năm thôn Minh Tân đã có hơn 162 hộ với 650 nhân khẩu sinh sống rải rác trên khu đất rộng khoảng 2 km2. Nhiều hộ gia đình đã có tới ba thế hệ sinh sống tại khu kinh tế mới Đồng Đò, Minh Tân. Hiện tại thôn Minh Tân đã có cơ sở Đảng và các tổ chức đoàn thể theo đúng cấp hành chính quy định của Nhà nước.

Nhưng điều trớ trêu ở chỗ, dù sinh sống 33 năm nhưng hiện nay thôn Minh Tân chưa có tên trên bản đồ theo quy định. Tất cả diện tích thôn Minh Tân đều được quy hoạch thành đất rừng phòng hộ, kể cả nhà nhà văn hóa, trạm y tế, trường học của thôn.
Nói về việc “nhảy dù” vào đất rừng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó thôn Minh Tân (Minh Trí) bày tỏ, quy hoạch không thực tế dẫn tới hệ lụy. “Chúng tôi là người đi theo tiếng gọi chính sách của Nhà nước giờ lại nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, vi phạm pháp luật cho nên rất khó khăn trong phát triển kinh tế, hơn nữa lại không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoạt động xây dựng bị cấm.”
Cầm trong tay tờ quyết định đi khai hoang vùng kinh tế của huyện Sóc Sơn ghi năm 1985 đã úa màu thời gian nhưng còn rõ chữ, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhớ lại, khi lên Đồng Đò toàn đồi núi trọc, ai ở được bao nhiêu thì ở, tự khai phá. Nhiều năm cơ quan nhà nước chưa thiết lập bản đồ địa chính giữa rừng với khu dân cư.
Còn ông Nguyễn Mạnh Tài, đội 4, thôn Minh Tân nêu bức xúc, đến nay đã có ba thế hệ sinh sống, song không được xây dựng nhà cửa, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên người dân không yên tâm sản xuất, nếu kéo dài tình trạng không rõ ràng giữa đất ở và đất rừng thì khó khăn càng chồng chất.
*Dở dang giấc mơ làm giàu từ rừng
Thấy quy hoạch chưa sát với thực tế, người dân Minh Tân đã đệ đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng của thành phố nhưng không hiểu sao đã nhiều năm trôi qua, bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ huyện Sóc Sơn vẫn chưa được điều chỉnh và đất sinh sống của người dân thôn Minh Tân vẫn chưa được tách ra khỏi đất rừng.
Theo ông Tạ Văn Chiêm, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trước thời điểm năm 2005 - 2007, huyện này thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội cho rà soát lại toàn bộ đất rừng trên địa bàn.

Theo đó, đất rừng tại Sóc Sơn được thống kê, cập nhật số liệu lại để xác lập, bổ sung, điều chỉnh bản đồ quy hoạch. Đối với những công trình được xây dựng trước năm 2005 sẽ được điều chỉnh theo dạng giảm trừ.

Tuy nhiên, với thôn Minh Tân ở thời điểm trên do chưa có bản địa chính cho từng hộ (tức là chưa đo vẽ hiện trạng sử dụng đất, tách diện tích đất ở với diện tích đất rừng, mỗi hộ bao nhiêu mét vuông) nên không có cơ sở để điều chỉnh bản đồ quy hoạch 1/5.000 được thiết lập và phê duyệt vào năm 2008.
Vẫn theo ông Chiêm, nguyên nhân của việc không bóc tách được đất rừng với đất ở của thôn Minh Tân do từ năm 1998, khi thực hiện các dự án trồng rừng của Chương trình Lương thực thế giới (PAM), người dân thôn này vẫn nhận cây giống về trồng để tính công điểm.

Trong quá trình trồng rừng, người dân trồng cây cả trong sân, vườn và sau nhà mình nên được xác định là đất lâm nghiệp. Hơn nữa, thời điểm đó việc sử dụng đất để xây dựng các công trình của người dân rất ít không đáng kể so với đất rừng nên có thể những người làm dẫn đạc của địa phương phục vụ quy hoạch lúc đó “bỏ quên” thôn Minh Tân ra khỏi quy hoạch đất rừng.
Qua tìm hiểu, dù nằm trong quy hoạch đất rừng nhưng trong suốt quá trình sử dụng đất, người dân thôn Minh Tân vẫn nộp thuế sử dụng đất ở nông thôn, trong biên lai thuế không hề có dòng nào là nộp tiền thuế đất lâm nghiệp.

Cùng với đó, trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng của một số công trình như: cải tạo, nâng cấp đường Thắng Trí – Lập Trí – Đồng Đò (Sóc Sơn); làm trạm viễn thông… trên đất thôn Minh Tân, các cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn vẫn áp mức giá đền bù đất ở cho người bị mất đất chứ không phải giá đất lâm nghiệp.

Do đất ở bị quy hoạch là đất rừng phòng hộ nên các hộ dân ở thôn Minh Tân không thể làm sổ đỏ để thế chấp vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế. Vì thế, giấc mơ làm giàu của người dân thôn Minh Tân cũng trở nên khó khăn hơn.
Với việc được ví như Đà Lạt - có hồ Đồng Đò rộng lớn, nước trong xanh được ôm trọn bởi rừng thông xanh mướt, hợp với xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng nên một số nhà đầu tư bất động sản đã tìm đến Minh Tân để gom đất.
Báo cáo số 307/BC- UBND của huyện Sóc Sơn chỉ ra đến tháng 8/2018 đã có hơn 314 trường hợp chuyển nhượng đất cho người địa phương khác và việc này đã được trưởng thôn Minh Tân và đại diện UBND xã Minh Trí qua các thời kỳ xác nhận vào một số hợp đồng mua bán với nội dung “có 400 mét vuông đất ở và đất vườn”.
Trao đổi với phóng viên về việc xác nhận diện tích đất ở cho các hộ dân trong quy hoạch rừng phòng hộ, ông Nguyễn Văn An Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí nói: “sai đến đâu cán bộ xã xin nhận trách nhiệm trước các cơ quan chấp trên”.
Dù đất của thôn Minh Tân chưa có giấy chứng nhận, lại đang nằm trong quy hoạch rừng nhưng do có sự sang nhượng nên hoạt động xây dựng diễn ra mạnh mẽ, càng làm cho việc quản lý rừng ở Sóc Sơn gặp khó khăn hơn./.

Mạnh Khánh – Văn Cảnh/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/bat-cap-quan-ly-rung-o-ha-noi-bai-1-nhung-nhang-giua-quy-hoach-va-thuc-te/99503.html