Bất cập liên thông

Thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều đại biểu rất quan tâm tới các vấn đề thực học, thực nghiệp, cũng như bày tỏ băn khoăn về những thí điểm trong giáo dục. Trong đó đáng chú ý những bất cập về phân luồng học sinh phổ thông tồn tại lâu nay. Ông Lê Quân- Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết, mục tiêu đến năm 2020 phải có 30% học sinh THCS học nghề và 2025 đạt 40%. Nhưng đến nay mới đạt khoảng 8%.

Học nghề với học sinh phổ thông vẫn là vấn đề nan giải.

Nơi làm tốt hơn cả là Vĩnh Phúc thì con số này cũng mới đạt 20%. Đa số địa phương thực hiện việc phân luồng chưa tốt, đồng thời phân luồng cũng chưa thực sự gắn với đào tạo.Hiện nay, công tác phân luồng đa số phụ thuộc vào nỗ lực của các trường nghề. Họ phải lăn lộn để đi chiêu sinh.

Trong nhiều bài viết trước đây, chúng tôi cũng đã chỉ ra thực trạng bất cập phân luồng sau THCS và sau THPT; chỉ ra những “điểm nghẽn” khiến cho việc phân luồng gặp khó. Có thể thấy, điểm vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với chương trình trung cấp (TC) dành cho học sinh tốt nghiệp THCS muốn liên thông lên hệ cao đẳng (CĐ) là phải học đủ khối lượng văn hóa THPT. Song toàn bộ phần văn hóa này thuộc quản lý nhà nước của Bộ GDĐT.

Theo quy định, các trường CĐ không được dạy văn hóa mà việc này do các trung tâm GDTX thực hiện. Việc học nghề một nơi, học văn hóa một nẻo như hiện nay đã góp phần đẩy người học và các trường vào thế khó - trong khi Nhà nước chủ trương đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS.

Thực chất, chủ trương phân luồng sau THCS đã được đặt ra nhiều năm qua, nhưng trên thực tế chưa đạt được những kết quả như mong đợi. Phần vì tâm lý người học muốn làm thày hơn làm thợ; đặc biệt còn một bộ phận không nhỏ e dè khi đứng trước nhu cầu muốn học liên thông từ hệ TC nghề lên CĐ, hoặc ĐH mà chặng đường vừa học văn hóa- vừa học nghề cũng không mấy giản đơn.

Trong khi, thời gian vừa qua Bộ LĐTBXH đã thí điểm mô hình học hết 9 năm thì được lên học CĐ. Như vậy với chương trình 3-4 năm thiết kế tổng thể cả văn hóa cả kỹ năng nghề, các em đến 18-19 tuổi gia nhập thị trường là rất hiệu quả. Năm vừa rồi kết quả tuyển sinh nghề vượt trội cũng nhờ mô hình này.

Chính vì những bất cập và thực tế nói trên, khi thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa rồi, ông Lê Quân đề nghị khi sửa Luật Giáo dục cần quan tâm, ghi rõ phân luồng là để người học nghề có cơ hội tiếp tục phát triển, bổ sung trách nhiệm và giải pháp cho việc học liên thông; cần bổ sung quy định là người học xong trình độ bậc dưới đủ điều kiện để học liên thông lên bậc trên, tránh tình trạng như hiện nay, học hết văn bằng muốn liên thông lên ĐH phải tham gia kỳ thi tuyển sinh quốc gia. Cụ thể hơn, ông Lê Quân đề nghị Điều 27 có thể mở ra quy định: Học sinh THCS không chỉ học liên thông lên TC mà có thể học lên CĐ.

Ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy, cách đây 3 năm, Bộ GDĐT đã có chủ trương yêu cầu các trường ĐH dừng tuyển sinh hệ TC,CĐ. Mục đích chính là để các trường ĐH tập trung các nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo từ ĐH trở lên. Dẫu thế, tuyển sinh hệ CĐ trong các trường ĐH vẫn còn bỏ ngỏ giám sát.

Còn với các trường đào tạo nghề, kể từ năm 2017, khi hệ đào tạo TC,CĐ chuyển từ Bộ GDĐT sang Bộ LĐTBXH, khâu tuyển sinh lại đang gặp khó. Năm 2018 là năm thứ 2, các trường TC, CĐ chuyển từ Bộ GDĐT về Bộ LĐTBXH quản lý.

Theo phản ánh, tình hình tuyển sinh của các trường nghề vẫn vô vàn khó khăn, thậm chí có tỉnh không tuyển được thí sinh nào. Trước đó, tại Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh, thi tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 do Bộ LĐTBXH tổ chức, những khó khăn trong tuyển sinh TC, CĐ đã từng được đưa ra phân tích thẳng thắn.

Đại diện Vụ Đào tạo chính quy (Bộ LĐTBXH) cho biết, năm 2017 cả nước có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 388 trường CĐ, 551 trường TC, và hơn 1.000 trung tâm GDNN. Tuy nhiên, có tới 63 tỉnh chỉ tuyển sinh được dưới 100 sinh viên CĐ. Trong đó 3 tỉnh không tuyển được trình độ CĐ là Cao Bằng, Lai Châu, Đăk Nông.

Trong tháng 10 vừa qua, thông tin về đề xuất sử dụng chung dữ liệu tuyển sinh TC,CĐ với Bộ GDĐT (do Bộ LĐTBXH đề xuất) đã nhận được sự quan tâm của người học. Đại đa số ý kiến cho rằng, nếu được như vậy sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh trong quá trình làm hồ sơ dự tuyển, cũng như đăng ký nguyện vọng tuyển sinh. Nhiều ý kiến đồng tình: Việc kết nối giữa hai Bộ là rất cần thiết và đáng ra phải làm từ lâu. Việc kết nối này sẽ góp phần giảm bớt thủ tục hành chính, kết nối không riêng gì ở khâu tuyển sinh, mà còn liên quan cả đến đào tạo liên thông. Trước mắt là tư vấn hướng nghiệp để người học, nhất là những người trẻ tự tin trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề vào đời.

Hương Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/bat-cap-lien-thong-tintuc422890