Bất cập khai thác titan

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, ngoài diện tích hơn 19.000ha thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan. Các dự án khi đi vào hoạt động đã liên tiếp xảy ra sự cố về môi trường khiến người dân phản đối.

Sự cố vỡ bờ moong chứa nước để khai thác titan của Công ty TNHH Tân Quang Cường gây thiệt hại nặng nề cho người dân

Tỉnh Bình Thuận hiện được đánh giá là “thủ phủ titan” của cả nước với trữ lượng ước tính trên 599 triệu tấn, tổng diện tích được quy hoạch và dự trữ quốc gia lên đến hơn 102.000ha (chiếm 13% diện tích tự nhiên của tỉnh). Tuy vậy, việc khai thác loại “vàng đen” này đã xảy ra nhiều sự cố về môi trường, hàng chục dự án kinh tế khác buộc phải dừng lại vì bị chồng lấn với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan, gây lãng phí nguồn tài nguyên, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh.

Quá nhiều bất cập

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, ngoài diện tích hơn 19.000ha thuộc Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan, tỉnh Bình Thuận còn có khu vực dự trữ khoáng sản quặng titan quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với diện tích gần 83.000ha. Như vậy, tổng diện tích quy hoạch và dự trữ quặng titan toàn tỉnh là trên 102.000ha. Qua khảo sát, khu vực dự trữ loại khoáng sản này được phân bố từ các dãy đồi cát ven biển đến giáp quốc lộ 1A nên đã ảnh hưởng tới hầu hết các quy hoạch ngành và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong khi đó, các dự án thăm dò, khai thác quặng titan khi được quy hoạch đã có chồng lấn với các dự án, quy hoạch khác trước đó nhưng chưa được xử lý. Vùng quy hoạch “vàng đen” phần lớn nằm dọc ven biển, có địa hình cao so với các dự án, khu dân cư xung quanh, an toàn khu vực mỏ không cao nên trong thời gian qua, các dự án khi đi vào hoạt động đã liên tiếp xảy ra 6 sự cố về môi trường khiến người dân phản đối.

Bên cạnh đó, nhiều dự án du lịch, trồng rừng, khu công nghiệp ở tỉnh Bình Thuận khi được chấp thuận đầu tư thì lại chồng lấn với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan nên chưa thể tiếp tục triển khai. Qua kết quả rà soát đến nay, trong 26 khu vực được quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan thì có 18 khu vực có chồng lấn với 46 dự án khác với tổng diện tích chồng lấn gần 3.400ha. “Giấy phép khai thác quặng titan thường có thời gian dài trên 10 năm và sẽ còn gia hạn nếu chưa khai thác hết thân quặng nên chưa biết cụ thể thời gian nào khai thác xong để bàn giao mặt bằng cho các dự án khác, gây bức xúc cho nhà đầu tư có dự án bị chồng lấn”, đại diện một nhà đầu tư du lịch ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) cho biết.

Việc khai thác titan đòi hỏi cần một lượng nước lớn để tuyển quặng. Thế nhưng, theo kết quả đánh giá của dự án Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận thì nguồn nước dưới đất hiện nay khu vực ven biển của địa phương chỉ được khai thác tối đa không quá 28.000m3/ngày đêm. Như vậy, hiện nguồn nước dưới đất khu vực ven biển của tỉnh này chỉ đáp ứng cho sinh hoạt của dân cư và một số lĩnh vực thiết yếu, không đủ khả năng cung cấp cho việc khai thác, tuyển quặng titan.

Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, nhiều chủ đầu tư đã được chấp thuận đầu tư nhà máy chế biến sâu quặng titan hiện gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, tiếp cận công nghệ chế biến tiên tiến, thân thiện môi trường nên đến nay cũng chưa triển khai hoàn thành, chưa đáp ứng với kỳ vọng quy hoạch. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 9 đơn vị hoạt động tuyển tách quặng titan thì đã có 2 đơn vị dừng hoạt động, các đơn vị còn lại hiện chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì bảo quản máy móc, thiết bị.

Dành đất cho du lịch, nông nghiệp

Trước những bất cập nêu trên, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Theo đó, tỉnh Bình Thuận là nơi có lượng nước mặt và nước ngầm rất khan hiếm nên việc quy hoạch loại khoáng sản này cần nêu rõ các giải pháp đầu tư công trình và cung cấp nước mặt cho hoạt động khai thác để đảm bảo nguồn nước cho việc tuyển quặng. Nếu không có đủ nguồn nước mặt thì đưa ra ngoài quy hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho rằng, Chính phủ cũng cần quan tâm giải quyết hợp lý và dứt điểm việc chồng lấn giữa Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan, khu vực dự trữ quặng titan với Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng và các dự án phát triển kinh tế khác nhằm tạo môi trường sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Một số khu vực quy hoạch hoặc đã cấp phép thăm dò, khai thác quặng titan, qua rà soát không còn phù hợp để hoạt động khai thác, cần hoán đổi sang khu vực khác nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận, nhận định, khu vực ven biển tỉnh Bình Thuận hiện có nhiều địa danh, điểm du lịch nổi tiếng cả nước và thế giới. Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận đang phấn đấu đến năm 2030, Mũi Né - Phan Thiết sẽ thành khu du lịch quốc gia và trung tâm du lịch thể thao biển quốc gia. Việc các dự án titan được quy hoạch đang bị chồng lấn với các dự án khác không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà mà còn ảnh hưởng đến nhiều dự án trong các lĩnh vực khác. Do vậy, để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, sử dụng có hiệu quả đất đai, Chính phủ cần quan tâm xem xét đưa khu vực trên ra khỏi khu vực dự trữ quặng titan và điều chỉnh kéo dài thời gian dự trữ từ 50 - 70 năm. Theo ông Chính, trong thời gian này, Chính phủ nên cho phép tỉnh Bình Thuận được chấp thuận đầu tư các dự án đầu tư xây dựng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, điện gió, điện mặt trời,… đã xin đăng ký đầu tư vào tỉnh để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất, đem lại việc làm cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

NGUYỄN TIẾN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/bat-cap-khai-thac-titan-517606.html