Bất cập dịch vụ xe đưa đón học sinh ở Gia Lai

Dịch vụ xe đưa đón học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua đem lại nhiều tiện ích. Ngoài việc phục vụ nhu cầu đi lại của học sinh, bảo đảm an toàn giao thông, còn góp phần hạn chế tình trạng học sinh chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe đi mô-tô đến trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, loại hình dịch vụ này tồn tại nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, rất cần sự quan tâm, kiểm soát, quản lý của các ngành chức năng.

Thiếu ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của các lái xe là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông.

Thiếu ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của các lái xe là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông.

Theo kết luận của các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, những tồn tại, hạn chế phổ biến của loại hình xe đưa đón học sinh là: nhà xe, chủ xe không đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng; chất lượng phương tiện không bảo đảm, nhiều xe quá cũ, xe đã hết niên hạn sử dụng. Cá biệt, có những trường hợp tài xế không có giấy phép lái xe phù hợp phương tiện điều khiển… Chính những nguyên nhân này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trật tự an toàn giao thông và gây nên những thảm họa trong thời gian qua.

Vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra với xe đưa đón học sinh ở thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, Gia Lai vào trưa 18-3-2017, khiến ba trường hợp tử vong, 16 trường hợp bị thương nặng, dù xảy ra khá lâu nhưng cho đến giờ vẫn là nổi đau không thể nguôi ngoai của nhiều người…

Bà Phạm Thị Diêu, Hiệu trưởng THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang) nhớ lại, chiếc xe gây tai nạn là xe dịch vụ tư nhân, nhà trường không có hợp đồng thuê xe mà do phụ huynh tự liên hệ rồi cùng nhau thuê để chở con em đang học cấp 2, 3 ở xã H’ra đến trường. Vào thời điểm xảy ra tai nạn thương tâm, xe chỉ mới đưa đón học sinh đến trường gần một tháng…”.

Còn em Lê Văn Được, học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Hưng Đạo, người có mặt trên chiếc xe khách hôm đó may mắn thoát nạn, kể lại: “Trước khi xảy ra tai nạn, em và các bạn thấy bác Thanh (tài xế) vừa lái xe, vừa nghe điện thoại, đến đoạn đường trên, xe đã lao thẳng vào chiếc xe tải đang lùi từ bên đường ra”… Cũng theo em Được, chiếc xe chở học sinh này có 35 chỗ ngồi nhưng thường xuyên chở đến 50, 60 người, khiến nhiều học sinh phải đứng suốt quãng đường từ nhà đến trường…

Qua tìm hiểu được biết, ban đầu, hoạt động xe ô-tô đưa đón học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Gia Lai chỉ giới hạn từ một số cơ sở giáo dục lớn và trung tâm như các thị xã và TP Plây Cu. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát triển lên 11 huyện, thị xã với 111 phương tiện, chiếm 17% số lượng xe vận chuyển khách trên toàn tỉnh.

Ngoài các đơn vị có đăng ký kinh doanh và được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Gia Lai cấp phép tham gia đưa đón học sinh, vẫn còn khá nhiều đơn vị không có đăng ký và chính những bất cập này đang mang lại nỗi lo lớn cho các bậc phụ huynh.

Chị Nguyễn Thị Nga, ở xã H’ra (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Người dân chúng tôi ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa đủ điều kiện sắm phương tiện cho các cháu tự đến trường. Có xe đưa đón tập trung dù phải tốn thêm một khoản tiền nhưng bù lại mình yên tâm, không phải lo con mình đi lung tung, không quản lý được. Chúng tôi mong muốn làm sao các cháu đi lại được an toàn là điều hạnh phúc nhất”.

Cùng suy nghĩ với chị Nga, chị Đặng Thị Trinh, phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP Plây Cu chia sẻ: “Nếu có nhiều học sinh đi xe buýt thì việc sử dụng phương tiện cá nhân sẽ giảm, nhất là việc hạn chế các cháu học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe mô-tô đến trường; mặt khác, phụ huynh bớt lo lắng khi để con tự đến trường. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi còn băn khoăn là chất lượng của một số phương tiện chưa bảo đảm, thái độ phục vụ của nhà xe đôi khi thiếu tận tình”.

Sau những bất cập do loại hình này đem lại, nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đợt kiểm tra đầu năm học, đoàn kiểm tra liên sở gồm Sở GTVT, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và Phòng CSGT (Công an Gia Lai) đã tiến hành kiểm tra điều kiện hoạt động của xe ô-tô đưa đón học sinh tại các huyện Ia Grai, Chư Pah, Chư Prông, Đác Đoa, Ia Pa, Phú Thiện, Chư Sê, Mang Yang, Đức Cơ, Chư Pưh và TP Plây Cu.

Qua kiểm tra 67 phương tiện, đoàn đã phát hiện sáu xe thay đổi thiết kế ghế ngồi; ba xe hoạt động không đăng ký kinh doanh, không có phù hiệu theo quy định; 23 xe không niêm yết tên và số điện thoại chủ xe trên phương tiện; 18 xe không có bình chữa cháy hoặc có bình chữa cháy nhưng hết hạn sử dụng; 16 xe thiếu hệ thống thoát hiểm; một xe mua bán nhưng chưa sang tên đổi chủ.

Các phương tiện vi phạm tùy theo mức độ đã bị Đoàn kiểm tra xử phạt bằng tiền; nhiều phương tiện bị ra quyết định tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép lái xe và đình chỉ hoạt động, điển hình như: Công an huyện Ia Grai đã quyết định xử phạt 10,8 triệu đồng xe ô-tô BKS 81B-011.68, loại xe chở khách 24 chỗ, do ông Nguyễn Tư Thoan (SN 1979, ở thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) làm chủ phương tiện và đang tham gia chở học sinh hai Trường THCS Tôn Đức Thắng và Võ Thị Sáu (phân hiệu 2).

Theo cơ quan chức năng, những lỗi mà chủ xe vi phạm là: không đăng ký hợp đồng đưa đón học sinh; qua thời gian sử dụng chiếc xe này đã hư hỏng nhiều... Ngoài ra, để chở thêm nhiều học sinh, lái xe đã độ chế thêm nhiều băng ghế để học sinh có chỗ ngồi.

Mới đây nhất, qua kiểm tra, kiểm soát, Sở GTVT Gia Lai đã đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam ra quyết định đình chỉ một dây chuyền kiểm định trong thời gian một tháng đối với Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-02D; đình chỉ chức danh đăng kiểm viên từ một đến ba tháng đối với ba đăng kiểm viên thuộc Trung tâm 81-02D và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-03D. Những đăng kiểm viên này liên quan trực tiếp việc Thanh tra giao thông trong quá trình kiểm tra, phát hiện có nhiều xe đăng ký chở học sinh ở một số trường vi phạm, như: chưa chấp hành quy định đăng ký với cơ quan chức năng về đưa đón học sinh; thay đổi thiết kế, thậm chí có những xe cũ nát, không bảo đảm an toàn nhưng vẫn được đăng kiểm, lưu hành.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Văn Hạnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Gia Lai cho biết: “Qua đợt kiểm tra, những xe vi phạm đã giao cho các ngành chức năng địa phương tiếp tục quản lý, theo dõi và yêu cầu chủ phương tiện khắc phục những tồn tại mới được phép hoạt động trở lại. Sở sẽ thường xuyên phối hợp với lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông kiểm tra các phương tiện ô-tô đưa đón học sinh, xử lý nghiêm các trường hợp không bảo đảm an toàn, vi phạm khi tham gia giao thông, kiên quyết cấm lưu hành những xe đã cũ, những xe đã được cải hoán từ xe chở khách đường dài để chở học sinh ở vùng sâu, vùng xa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.

Cùng quan điểm với ông Hạnh, ông Lê Duy Định, Phó Giám đốc sở GD-ĐT Gia Lai cho biết thêm, Sở GD-ĐT và Sở GTVT đã tiến hành ký kết quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý xe ô-tô đưa đón học sinh, sinh viên. Riêng ngành GD-ĐT cũng có quy định yêu cầu các hiệu trưởng nhà trường phải rà soát lại các hợp đồng đã ký với các chủ xe, bảo đảm đúng quy định và phải chịu trách nhiệm nếu ký hợp đồng đưa đón học sinh với các chủ xe không đủ điều kiện, để xảy ra tai nạn giao thông.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở GD-ĐT tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các phương tiện xe ô-tô đưa đón học sinh trên địa bàn, xử lý nghiêm các phương tiện mất an toàn, vi phạm các quy định, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh và tạo sự an tâm cho phụ huynh.

Vụ tai nạn xe đưa đón học sinh ở huyện Mang Yang, Gia Lai vào trưa 18-3- 2017, khiến ba trường hợp tử vong, 16 trường hợp bị thương nặng.

Bài, ảnh: PHAN HÒA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40810602-bat-cap-dich-vu-xe-dua-don-hoc-sinh-o-gia-lai.html