Bất cập đấu thầu, đặt hàng đào tạo giáo viên

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chỉ ra 5 bất cập khi thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng có 5 nguyên nhân dẫn đến những bất cập khi thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng có 5 nguyên nhân dẫn đến những bất cập khi thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Chiều 26.5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trường đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá việc tổ chức phiên thảo luận này tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng, giúp cử tri cùng giám sát việc trả lời kiến nghị của các cơ quan chức năng. Chuyển tải kiến nghị của cử tri đến nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết cử tri đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và chế độ hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng đã gần 3 năm từ khi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm ra đời nhưng đến nay mới có rất ít địa phương triển khai phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên. Nhận định nguyên nhân của tình trạng này là do thực tiễn thực hiện nghị định còn nhiều bất cập, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chỉ ra 5 nguyên nhân cụ thể.

Nguyên nhân thứ nhất là việc rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực giáo viên của các địa phương chưa đồng bộ. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng cần tính toán nhu cầu của từng địa phương với giáo viên từng bộ môn, từng cấp học thì mới có thể đặt hàng các trường đào tạo. Khi chưa làm được việc này thì những khâu sau đó còn bị tắc là chuyện đương nhiên.

Thứ hai, việc đào tạo giáo viên đang được hiểu như việc cung cấp một mặt hàng mà các cơ sở đào tạo là doanh nghiệp cung cấp. "Trong khi đó, chất lượng, uy tín, bề dày kinh nghiệm đào tạo giữa các cơ sở này là không giống nhau. Khi đấu thầu, nhiều yếu tố khác cũng quyết định cơ sở nào sẽ thắng thầu. Sẽ ra sao nếu những cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng, có bề dày thành tích lại trượt thầu?", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga băn khoăn.

Thứ ba, sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng (hiểu ngắn gọn là Nhà nước chi trả tiền đào tạo) nhưng khi ra trường không đương nhiên trở thành giáo viên mà vẫn phải qua kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục. Trong quy định của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, nếu sinh viên tốt nghiệp mà không công tác trong ngành thì phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Trường hợp thí sinh không trúng tuyển thì chưa quy định rõ có phải bồi hoàn chi phí hay không. Điều này có thể làm phát sinh trường hợp cố tình trượt để không phải bồi hoàn.

Thứ tư, nhiều địa phương hiện chưa có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên do vẫn có thể tuyển dụng từ các nguồn sẵn có.

Nguyên nhân thứ năm do một số địa phương có nhu cầu nhưng vẫn lúng túng trong bố trí kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm nên chưa thể đặt hàng đào tạo giáo viên.

Nhấn mạnh tất cả những bất cập này khiến cho Nghị định số 116/2020/NĐ-CP chưa thực hiện được ở rất nhiều địa phương sau gần 3 năm có hiệu lực, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần có giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn để nghị định thực sự đi vào cuộc sống.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tin-tuc/bat-cap-dau-thau-dat-hang-dao-tao-giao-vien-235507