Bất cập cầu vượt dành cho người đi bộ

Cầu vượt dành cho người đi bộ là cây cầu được xây dựng nhằm mục đích giúp cho người dân qua lại 2 bên đường dễ dàng hơn, đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn tắc ở những tuyến đường lớn. Tuy nhiên, ở nhiều điểm cầu vượt tại Hà Nội lại xuất hiện nhiều bất cập, không đem đến hiệu quả sử dụng.

Người dân vẫn thản nhiên băng qua đường dù cầu vượt ở ngay trước mặt.

Người dân vẫn thản nhiên băng qua đường dù cầu vượt ở ngay trước mặt.

Theo thống kê từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, có 46 cầu được xây dựng và đã đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2009. Tùy vào quy mô, thiết kế mà mỗi cây cầu có chi phí xây dựng khác nhau, nằm trong khoảng 7 - 10 tỷ đồng.

Mới đây, Hà Nội cũng đã có thêm chiếc cầu vượt hình chữ Y cho người đi bộ tại nút giao thông ngã ba đường Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân). Hiện tại, các công nhân đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để bàn giao công trình. Trong thời gian tới, cầu vượt sẽ tiếp tục được xây dựng ở nhiều tuyến đường khác trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cầu vượt đã được đưa vào sử dụng giờ đang rơi vào trạng thái vắng vẻ, ít người qua lại. Phần lớn người dân vẫn ngang nhiên, bất chấp nguy hiểm để băng qua đường mỗi ngày.

Tại điểm cầu vượt trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), người dân khi đi bộ qua đây không đi qua đầu mà đi thẳng sang bên kia đường mặc dù 2 làn xe đông người qua lại. Cầu vượt để trống và đang có dấu hiệu xuống cấp, thậm chí dưới chân cầu vượt còn là nơi tập kết rác của các hộ sống xung quanh.

Chị Nguyễn Thu Hà cho biết, nhiều người ngại phải leo bậc cầu thang lên xuống hay phải đi bộ một đoạn dài để đến cầu vượt nên vẫn sang đường theo kiểu tiện đâu sang đấy, bất chấp vi phạm chỉ để đi ngang qua đường nhanh hơn. Mặt khác, cầu vượt bắt đầu hoen gỉ khiến người dân đều e ngại khi đi lên cầu.

“Để lên được cầu phải đi một đoạn bậc thang dài và cao, người trẻ đi thì không sao nhưng với các bác cao tuổi lại vô cùng khó khăn. Ở nước ta thì chưa có khu vực thang máy hay đường lên dành cho người khuyết tật nên các đối tượng này không thể lên cầu vượt dễ dàng”, chị Hà chia sẻ.

Hay điểm cầu vượt tại đoạn Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) cũng đang có dấu hiệu xuống cấp, người dân ít sử dụng. Mỗi khi đi qua cầu, nhiều người cảm thấy lo lắng vì cảm nhận được độ rung lắc nhẹ. Bên cạnh đó, khu vực cầu thang lên nhiều bụi bẩn và có mùi hôi nồng nặc, ai đi qua cùng đều cảm thấy khó chịu và không muốn đi lên cầu.

Đoạn cầu thang lên xuống cầu vượt Trần Nhật Duật có nhiều bụi bẩn do lâu ngày chưa được vệ sinh.

Mặt khác, những nơi có nhu cầu qua lại nhiều thì không được đầu tư xây dựng cầu, còn những nơi vắng người đi bộ thì lại xây lắp khiến những công trình này không được sử dụng đúng mục đich ban đầu. Nhiều điểm cầu vượt trở thành nơi tụ tập của các bạn trẻ, quán nước tự phát, chỗ sinh hoạt của người vô gia cư…

Điển hình như những cây cầu có vị trí đẹp, không có mái che, nằm gần các trường đại học ở một số tuyến đường như Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt… Đây là nơi mà nhiều học sinh, sinh viên, các cặp đôi thường xuyên tới uống nước, trò chuyện rất đông vào các buổi tối. Mặc dù đã được lực lượng chức năng nhắc nhở nhưng tình trạng này vẫn tái diễn nhiều lần, gây mất trật tự và mỹ quan đô thị. Nhiều người đành phải chọn cách đi băng qua đường ở dưới vì không còn chỗ để đi trên cầu. Sau mỗi buổi tụ tập, cầu vượt luôn ngập trong rác thải, các bạn trẻ không có ý thức dọn dẹp mà xả thẳng ra cầu khiến những người dân xung quanh khó chịu.

Không chỉ gặp bất cập trong việc sử dụng mà cầu vượt dành cho người đi bộ còn gặp các vấn đề về an ninh, an toàn cho người đi bộ. Bên trong cầu tràn ngập các loại rác như rác quảng cáo, rác sinh hoạt, là tụ điểm của các hoạt động tệ nạn xã hội, gây nguy hiểm cho những người muốn đi trên cầu vượt.

Ví dụ như điểm cầu vượt Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) rất đông sinh viên qua lại do là tụ điểm của nhiều trường đại học. Tuy nhiên, nhiều sinh viên cảm thấy lo sợ, không còn muốn đi qua cầu vào các buổi sáng sớm và chiều tối vì không cảm thấy an toàn, phải đi theo nhóm. Mặt khác, trên cầu vượt, dưới bậc cầu thang đều có rác thải do những người vô ý thức vứt ra hoặc do những người vô gia cư ngủ lại rồi sinh hoạt ngay trên cầu, khiến cầu vượt trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu. Đây cũng là điểm sinh hoạt của nhiều bạn trẻ sinh viên, các hội nhóm trường đại học nên rất ồn ào và vướng víu.

Cầu vượt đi bộ là dành cho người đi bộ, tuy nhiên chính nhóm người này lại không sử dụng hoặc không được sử dụng cầu để đi lại mỗi ngày. Do đó, phải có những biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết được những bất cập đang tồn tại, nâng cao hiệu quả sử dụng của công trình này.

Yến Mai

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bat-cap-cau-vuot-danh-cho-nguoi-di-bo-305865.html