Bắt 'bộ sậu' Địa ốc Alibaba, công trình 'khủng' băm nát đô thị mẫu

9 lần đối thoại cư dân Đại Thanh vẫn bế tắc cấp 'sổ đỏ'; 'Bộ sậu' Công ty Alibaba bị bắt, khách hàng ngồi trên đống lửa; Khu phố kiểu mẫu nháo nhác vì loạt công trình cấp phép lạ; Bán tòa nhà nghìn tỷ, cao 32 tầng 'bỏ không' ở Vũng Tàu... là những thông tin về bất động sản đáng chú ý tuần qua.

9 lần đối thoại cư dân Đại Thanh vẫn bế tắc cấp 'sổ đỏ'

UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) vừa tổ chức cuộc họp ghi nhận ý kiến giữa đông đảo cư dân, người mua nhà tại Khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (thuộc tập đoàn Mường Thanh) của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư với các cơ quan ban ngành TP.Hà Nội.

Sau nhiều năm, qua 9 lần đối thoại nhưng những kiến nghị về bất cập, những sai phạm tại dự án Khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đến giờ vẫn bế tắc khiến người dân rất bức xúc.

Sau nhiều năm, qua 9 lần đối thoại nhưng những kiến nghị về bất cập, những sai phạm tại dự án Khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đến giờ vẫn bế tắc khiến người dân rất bức xúc.

Đây là lần thứ 9 cư dân Đại Thanh gặp gỡ, đối thoại với cơ quan chức năng của Hà Nội để tìm hướng giải quyết cho việc đất và căn hộ của mình bị "treo" sổ đỏ. Tại đây Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì thừa nhận cơ quan quản lý nhà nước có lỗi với người dân, những người liên quan đã và đang bị xử lý theo pháp luật. (Xem chi tiết)

‘Bộ sậu’ Công ty Alibaba bị bắt, khách hàng ngồi trên đống lửa

Việc “bộ sậu” gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện và em trai Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đã khiến cho nhiều khách hàng như ngồi trên đống lửa khi trót xuống tiền được mua đất của Alibaba.

Trụ sở chính của địa ốc Alibaba ở Q.Thủ Đức bị Bộ Công an phong tỏa.

Anh T, một khách hàng đã đầu tư vào dự án của Công ty Alibaba tại Vũng Tàu kể, năm 2017, anh và em gái có chung tiền để đầu tư 2 lô đất tại Vũng Tàu. Khi được dẫn đi xem dự án và mời chào ký hợp đồng, nhân viên của Alibaba đã liên tục đưa ra những lời chào hấp dẫn và khẳng định rằng lô đất sẽ được tách sổ riêng. Tuy nhiên, hơn 1 năm sau, Công ty vẫn không ra được sổ như lời hứa nên anh đã quyết định lên Công ty để đòi lại tiền. Thế nhưng, việc đòi lại tiền lại không dễ như anh tưởng. (Xem chi tiết)

Khu phố kiểu mẫu nháo nhác vì loạt công trình cấp phép lạ

Được đưa vào hoạt động từ năm 2006, Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) từng được coi là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội.

Một công trình nhà liền kề với quy mô khủng, phá vỡ quy hoạch.

Ngoài các khu chung cư cao tầng, những dãy nhà phố liền kề, phân lô lâu nay được quy hoạch theo khu phố mẫu đồng bộ nhưng gần đây trở nên nên chật chội, ngột ngạt bởi sự xuất hiện ồ ạt những công trình được cấp phép "lạ" với quy mô khủng, kiến trúc hoàn toàn khác biệt gây nháo nhác cả khu phố. (Xem chi tiết)

Đổ cho 'đất vàng' tiền tỷ, cao ốc trung tâm Hà Nội xây vượt mặt

Cho rằng quận trung tâm Hoàn Kiếm (Hà Nội) toàn “đất vàng, đất kim cương” với việc mỗi mét vuông đất tiền tỷ nên khi xây dựng các chủ đầu tư đều tìm cách xây tối đa diện tích đất, xây lố so với quy định nên vẫn "ồ ạt" xuất hiện những công trình sai phép, vượt tầng ngang nhiên.

Công trình số 9A phố Nguyễn Gia Thiều, phường Trần Hưng Đạo vi phạm trật tự xây dựng, xây vượt 2 tầng.

Cụ thể, là 2 công trình xây sai phép, xây vượt tầng trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo số 11 Liên Trì và số 9A phố Nguyễn Gia Thiều. (Xem chi tiết)

Thị trường Condotel Khánh Hòa lao dốc, nửa năm không có dự án mới

Thị trường condotel ở Khánh Hòa hiện nay đang lâm vào "cơn bĩ cực" sau thời gian dài “bùng nổ”, theo báo cáocủa Savills, đến tháng 6/2019 tại Khánh Hòa có nguồn cung căn hộ nghỉ dưỡng (Condotel) lớn nhất cả nước với hơn 13.000 căn đã được chào báo trên thị trường, gấp đôi so với Đà Nẵng – vốn là thị trường tiên phong của loại hình bất động sản này.

Thị trường Condotel tại Khánh Hòa đang lao dốc khi chỉ gần 200 căn hộ condotel được giao dịch trong nửa đầu năm na và không có thêm dự án mới nào chào bán.

Tuy nhiên trong một năm qua, thị trường căn hộ nghỉ dưỡng khá trầm lắng, không có dự án mới, trong khi đó nhiều dự án cũ bị chậm tiến độ mở bán. Rất nhiều dự án bị rút ra khỏi thị trường hoặc kéo dài thời gian thực hiện do vướng mắc pháp lý. (Xem chi tiết)

Lo sự cố chết người vì cháy chung cư, Bộ Xây dựng đề xuất tầng lánh nạn

Bộ Xây dựng vừa đưa ra Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chung cư. Theo dó, Bộ Xây dựng đưa ra nhiều quy định về tầng lánh nạn cho cư dân khi tòa nhà xẩy ra sự cố cháy nổ.

Chung cư Carina Plaza (Tp.HCM) cháy năm 2018 làm chết 13 người và 51 người bị thương.

Cụ thể, tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng. Trong tầng lánh nạn bố trí gian lánh nạn. Các gian lánh nạn phải được bảo vệ bằng bộ phận ngăn cháy có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 150. Gian lánh nạn phải có diện tích đảm bảo đủ chứa được ít nhất một nửa tổng số người của tất cả các tầng trên và tầng dưới của gian lánh nạn với định mức 0,3m2/người… (Xem chi tiết)

Vụ 'tranh nhau' bán căn hộ, ngân hàng cảnh báo rủi ro

Liên quan đến lùm xùm tại Dự án khu siêu thị văn phòng giao dịch thương mại và nhà ở tại 317 Trường Chinh-Hamilton Complex (quận Thanh Xuân, Hà Nội) về việc căn hộ được cho là bán cho nhiều người, dự án “mập mờ” trong việc thế chấp vay vốn, phía Ngân hàng NCB đã đưa ra cảnh báo nhiều rủi ro.

Dự án chung cư 317 Trường Chinh (quận Thanh Xuân) gần 15 năm vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, trong khi lại xảy ra khiếu kiện tranh chấp.

Theo đó, tất cả các hành vi liên quan đến việc mua bán, cho thuê, cho mượn đối với các cá nhân, tổ chức,… do Công ty Tân Hồng Hà tự thực hiện trên tài sản thế chấp của khoản vay là vi phạm pháp luật và Công ty Tân Hồng Hà phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tranh chấp, bồi thường các thiệt hại... (Xem chi tiết)

Có 21 người Trung Quốc sở hữu quyền sử dụng đất tại Đà Nẵng

Ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực Sân bay Nước Mặn (Ngũ Hành Sơn) hiện có 246 lô đất. Qua rà soát, có 21 trường hợp là người Trung Quốc đang đứng tên sở hữu quyền sử dụng đất. Trước đây, giấy chứng nhận quyền sử dụng những lô đất này được cấp cho cho người Việt Nam chứ không phải người Trung Quốc. Với hình thức mua cổ phần và góp vốn 21 trường hợp này quyền sử dụng đất đã chuyển sang người Trung Quốc. (Xem chi tiết)

Bán tòa nhà nghìn tỷ, cao 32 tầng 'bỏ không' ở Vũng Tàu

Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro) vừa báo cáo phương án xử lý dự án Nhà hỗn hợp HH1 (vị trí đất "vàng" đường Nguyễn Thái Học, phường 7, TP Vũng Tàu). Theo đó, phía đơn vị đã thống nhất trả lại khu đất trên cho tỉnh, đồng thời đề xuất xin hoàn lại tài sản đã đầu tư trên đất, được ước tính bằng hoặc nhiều hơn tổng số tiền đã đầu tư. Theo thẩm định từ phía Vietsovpetro cung cấp, tổng giá trị tài sản mà họ đã đầu tư xây dựng khoảng 43 triệu USD (gần 1.000 tỷ đồng) cho hai block nhà xây thô cao 32 tầng.

Theo Vietsovpet tổng giá trị tài sản mà họ đã đầu tư xây dựng dự án Nhà hỗn hợp HH1 khoảng 43 triệu USD (gần 1.000 tỷ đồng) cho hai block nhà xây thô cao 32 tầng.

Được biết,tổng diện tích khu đất gần 1,5 ha, gồm hai block nhà cao 33 tầng với 646 căn hộ, sức chứa khoảng 2.200 người. Đất này được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho Vietsovpetro thuê. Tuy nhiên, khi thi công dự án này đến tầng 32 thì dừng lại do gặp một số khó khăn của chủ đầu tư. Công trình bỏ không đã vài năm. (Xem chi tiết)

Ninh Phan

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/dia-oc/bat-bo-sau-dia-oc-alibaba-cong-trinh-khung-bam-nat-do-thi-mau-1466867.tpo