Bất bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số gia tăng

Ngày 21/11 Ủy ban Dân tộc, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã công bố kết quả phân tích số liệu về phụ nữ và nam giới của các dân tộc Việt Nam dựa trên kết quả khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế xã hội của 53 dân tộc tại Việt Nam thông qua lăng kính giới.

Toàn cảnh hội nghị.

Kết quả phân tích số liệu từ cuộc kết quả khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế xã hội của 53 dân tộc tại Việt Nam cho thấy khoảng cách giới trong các nhóm Dân tộc thiểu số (DTTS) và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội và phụ nữ DTTS còn là nhóm bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương.

Các nhóm DTTS bị bất lợi so với nhóm dân đa số về giáo dục và việc làm, khả năng chuyển đổi nơi ở, chỗ làm, tiếp cận các dịch vụ tài chính, các nguồn lực sản xuất như đất đai, tiếp cận thị trường do bị gắn với khuôn mẫu cũng như các rào cản văn hóa khác.

Tuy nhiên, trong thực tế, các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số chưa được phân tích một cách hệ thống, điều này gây cản trở cho việc xây dựng, thực hiện, giám sát các chính sách, chương trình phát triển vùng DTTS&MN một cách bền vững, đáp ứng được như cầu phát triển thực sự của phụ nữ và nam giới các dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women Việt Nam cho biết: “Việc lồng ghép phát triển DTTS trong hoạch định chiến lược quốc gia không thể thực hiện nếu không có sự hiểu biết rõ ràng về các vấn đề giới ở các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đáp ứng được các nhu cầu giới phải được xem là một phần quan trọng của chính sách dân tộc. Để làm được điều này, các cơ quan Chính phủ, bao gồm Ủy ban Dân tộc cần tăng cường các nguồn lực và thông qua mục tiêu cụ thể có trách nhiệm giới, thiết kế các giải pháp và hành động sáng tạo; xây dựng một hệ thống số liệu phân tách giới tính theo nhóm tuổi và dân tộc nhằm xác định nhu cầu và tình trạng kinh tế xã hội của phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số hiệu quả hơn”.

Cho đến nay, điều tra kinh tế- xã hội 53 DTTS ở Việt Nam năm 2015 là khảo sát lớn nhất của quốc gia về các nhóm dân tộc thiểu số do Tổng cục thống kê thực hiện.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/xa-hoi/bat-binh-dang-gioi-vung-dan-toc-thieu-so-gia-tang-386501