Bất bình đẳng giới trong đại học Nhật

Bất bình đẳng về giới vẫn đang len lỏi trong các trường đại học Nhật Bản, đặc biệt nhóm trường tinh hoa khi thống kê cho thấy số lượng sinh viên nữ ở đây thấp hơn nhiều so với những quốc gia châu Á khác.

Tỷ lệ sinh viên nữ trong các trường đại học Nhật rất thấp. Ảnh: NYT

Tỷ lệ sinh viên nữ trong các trường đại học Nhật rất thấp. Ảnh: NYT

Trong khi một nửa xã hội là phụ nữ, tỷ lệ sinh viên nữ ghi danh tại Đại học Tokyo suốt các kỳ tuyển sinh 20 năm qua chỉ chiếm khoảng 20%. Trong số 7 tổ chức giáo dục công lập, phái nữ theo học bậc đại học chỉ nhỉnh hơn ¼. Còn tại một số đại học tư thục nổi tiếng như Keio hay Waseda, tỷ lệ nữ sinh cũng chỉ cao hơn 1/3.

Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với các trường danh tiếng khác ở châu Á. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, nữ giới chiếm gần 50% số lượng sinh viên của Đại học Bắc Kinh. Con số đó ở Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) đạt khoảng 40% trong khi Đại học Quốc gia Singapore là 51%.

Áp lực xã hội

Hiện đang theo học Đại học Tokyo, Satomi Hayashi cho biết bản thân cô từ nhỏ đã chăm chỉ học tập và cố gắng đạt thành tích xuất sắc để có thể bước vào ngôi trường danh tiếng nhất Nhật Bản. Đại học Tokyo trong quan điểm người Nhật danh giá không kém Harvard, Stanford hay MIIT của Mỹ. Đây là cái nôi đào tạo ra nhiều thủ tướng nhất và hơn ½ số thẩm phán của Tòa án Tối cao Nhật là cựu sinh viên Đại học Tokyo. Trường cũng tự hào có số lượng sinh viên ra trường cao nhất tham gia vào quốc hội hoặc giành giải thưởng Nobel.

Do đó, tấm bằng Đại học Tokyo được ví như “vũ khí tối thượng” mở ra cơ hội thành công trong sự nghiệp chính trị, kinh doanh, luật pháp hay khoa học. Nhưng đối với nữ sinh Hayashi, việc theo học tại ngôi trường nằm trong tốp tinh hoa quốc gia lại bị cảnh báo sẽ làm hỏng triển vọng hôn nhân sau này. Nhiều người cho biết nam giới cảm thấy bị “đe dọa” trước bạn gái tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng.

Đây cũng là bằng chứng về tình trạng bất bình đẳng giới lâu đời ở Nhật Bản, nơi phụ nữ bị kìm hãm trước các cơ hội tiếp cận giáo dục một cách công bằng khi mà nam giới luôn chiếm ưu thế trong xã hội. Theo Giáo sư về giới Chizuko Ueno, sự mất cân bằng trong môi trường giáo dục chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” phân biệt giới tính ở Nhật. Bởi sự phân biệt thực chất tồn tại ngay trước khi sinh viên vào đại học, điển hình như vụ bê bối các trường y nước này thao túng điểm đầu vào của ứng viên nhằm giảm tỷ lệ nữ sinh nhập học.

Nỗ lực của chính phủ

Kể từ khi nhậm chức năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe không ngừng thúc đẩy chương trình nghị sự trao quyền cho phụ nữ. Dù hiện vẫn có rất ít người nắm giữ vị trí cao trong chính phủ, báo cáo hồi tháng 8 cho biết tỷ lệ phụ nữ Nhật đi làm và giữ vị trí chủ chốt nơi công sở còn cao hơn Mỹ. Riêng môi trường giáo dục, nhiều trường đại học đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm gia tăng tỷ lệ nữ sinh. Chẳng hạn Đại học Tokyo thường đề nghị sinh viên nữ trở lại trường trung học cũ để khuyến khích học sinh nữ ghi danh. Trường còn ưu tiên ký túc xá cho sinh viên nữ ở xa và hỗ trợ tài chính mỗi tháng.

Dù vậy, số liệu cho thấy bất bình đẳng giới vẫn tồn tại như “truyền thống” từ năm này qua năm khác. Ngoài định kiến xã hội, nguyên nhân còn nằm ở việc nhiều gia đình chỉ quan tâm và kỳ vọng con trai học lên cao. Ngược lại, các bậc cha mẹ cảm thấy sẽ tốt hơn nếu con gái họ kết hôn và trở thành một bà nội trợ thay vì phải cố học hành chăm chỉ và tương lai gia nhập môi trường công sở căng thẳng.

MAI QUYÊN (Theo New York Times)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/bat-binh-dang-gioi-trong-dai-hoc-nhat-a116015.html