Bất bình chuyện 'ăn miếng trả miếng'

Sự việc đau lòng từ những ứng xử chưa đúng mực - từ phía phụ huynh học sinh với giáo viên xảy ra mới đây đã khiến cho dư luận xã hội những ngày qua thực sự bất bình. Dù gì thì cũng không thể chấp nhận cách hành xử kiểu 'ăn miếng trả miếng' trong môi trường giáo dục.

Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bức Lức, Long An).

Những người công tác trong ngành giáo dục có chung tâm tư, việc dạy học ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Áp lực mỗi ngày đến trường là nỗi lo về sự bồng bột thái quá của học trò, sự thiếu kiềm chế của chế của một số phụ huynh. Rồi làm sao để thầy trò an toàn, dạy - học tốt, vui trong mỗi giờ lên lớp…Trong thời kỳ công nghệ số, gần như tức thời, những câu chuyện tiêu cực cũng nhanh chóng đăng tải trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông, rồi chia sẻ nối tiếp chia sẻ... Hệ lụy khôn lường, khiến cái nhìn về môi trường giáo dục cũng khác đi. Đôi khi, những lời bình luận thiếu thiện chí còn đẩy người trong cuộc rơi xuống tận đáy của cảm xúc xót xa.

Từ những ứng xử thiếu chuẩn mực lâu nay trong môi trường giáo dục, cụ thể là sự việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ mới đây, nhiều chuyên gia đã phân tích rằng, những hành xử ấy thật đáng trách, đáng lên án. Nhưng chung qui lại, âu cũng bởi sự xáo trộn những giá trị đạo đức; mối liên kết giữa gia đình và nhà trường quá lỏng lẻo. Thậm chí trong trường hợp cụ thể vừa nêu, việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình, giáo viên gần như là không có.

Mặc dù phương pháp dạy của cô với học sinh có hơi hà khắc, nhưng việc phụ huynh bắt ép cô N. phải quỳ phạt xin lỗi phụ huynh lại là chuyện chưa xảy ra trong môi trường sư phạm. Theo TS Nguyễn Hoàng Chương, khi phải xử lý, giáo viên cần hết sức bình tĩnh. Cảm xúc là điều kiện cần để dạy học, nhưng kiềm chế cảm xúc là điều kiện đủ để giáo dục thành công. Với những “ngựa chứng sân trường” mà vội vàng, áp đặt, nóng nảy, giáo viên chắc chắn sẽ thất bại. Nhẫn một chút, sóng yên gió lặng” nên là phương châm của mỗi giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm của từng khối, nhóm, tổ chuyên môn. Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng không thể hành xử theo kiểu “ăn miếng, trả miếng”.

Đạo lý nào cho phép cô bắt con em mình quỳ, phạt roi thì phụ huynh xông vào lớp bắt cô quỳ, tát cô trả lại? Cái tát, hành động quỳ gối… không chỉ làm đau một người mà làm đau lớp lớp nhà giáo, đánh vào truyền thống cao quý “tôn sư trọng đạo”. Bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi là đánh vào thành trì của giáo dục, làm tổn thương quá khứ, làm đứt gãy kết nối đến tương lai. Xử lý nghiêm là một việc. Và tính chất nghiêm minh cũng phải áp dụng cho cả hai phía: Cô giáo bắt học sinh quỳ gối, phụ huynh yêu cầu cô giáo phải quỳ. Điều quan trọng hơn, hãy chung tay làm tất cả để sự việc tương tự không còn xảy ra, kể cả việc bắt bất kỳ ai phải quỳ gối…

Phân tích về sự việc này, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng), việc một số phụ huynh kéo đến trường, gây áp lực cho cô giáo phải quỳ xin lỗi là hành vi có đe dọa. Tuy không có đe dọa trực tiếp bằng lời nói hay hành động, nhưng bằng thái độ, lực lượng phụ huynh kéo đến trường đông thì cũng có mang tính chất đe dọa rồi. Vấn đề ở đây nó liên quan đến danh dự của nhà giáo, tại sao giáo viên phải quỳ? Tại sao các bên lại không đi tìm một cách giải quyết thấu tình đạt lý, rất sư phạm với nhau. Nhất là khi phụ huynh cũng là một luật sư.

Trong quy định của trường học, không có hình phạt bắt học sinh quỳ, nhưng cô giáo bắt học sinh quỳ phạt, về thực tế, hình phạt này không quá nặng, không quá ảnh hưởng đến thể xác và tinh thần của học sinh. Vì thế, nếu vụ việc này được giải quyết một cách đơn giản là gia đình các học sinh bị cô giáo bắt phạt quỳ đến góp ý trực tiếp với cô giáo, với ban giám hiệu nhà trường để có hình thức phối kêt hợp trong việc dạy học sinh là tốt nhất. Các cụ xưa nay vẫn nói: “Yêu cho roi cho vọt”, hay “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” kia mà. Thực tế cuộc sống, tại sao phụ huynh chúng ta đôi lúc vẫn phải sử dụng đòn roi để dạy con. Về mặt tội phạm, vụ việc này không cấu thành tội phạm.

Ở đây chỉ là vấn đề xã hội, phụ huynh chưa tôn trọng nhà trường và giáo viên. Phụ huynh chưa có được cách giải quyết hài hòa nhất. Do đó, đã làm ảnh hưởng đến gia đình và danh dự của cô giáo. Tuy nhiên, sự việc này có thể xử phạt vi phạm hành chính vì chưa cản trở hoạt động trường học, chưa có hành vi đánh người và đập phá, nhưng phụ huynh kéo đến đám đông, gây áp lực cho cô giáo và ban giám hiệu. Xúc phạm một nhà giáo là xúc phạm đến một nền giáo dục.

Rõ ràng câu chuyện giáo viên quỳ gối xin lỗi phụ huynh là hình ảnh phản cảm trong môi trường sư phạm. Sự việc đã xới lên một trong những vấn đề quan trọng nhất là việc ứng xử trong môi trường giáo dục hôm nay sao cho thật văn minh mà vẫn thực sự có tình. Làm gì để khi giáo dục con trẻ người ta không cần phải sử dụng tới đòn roi, bạo lực? Làm gì để ở hoàn cảnh nào, xã hội cũng luôn tôn kính người thầy? Câu trả lời ấy nằm trong suy nghĩ, nhận thức và cách hành xử của mỗi người.

Lâm Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dien-dan/bat-binh-chuyen-an-mieng-tra-mieng-tintuc396813