'Bắt bệnh' sai phạm trùng tu di tích

Tự hào là địa phương sở hữu nhiều di tích nhất cả nước, tuy nhiên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử luôn đặt ra cho Hà Nội vô vàn những thách thức. Xung quanh vấn đề này, báo Đại Đoàn Kết ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm tìm ra 'phương thuốc' đặc trị khắc phục thực trạng này.

Việc tu bổ, tôn tạo di tích ở Hà Nội gần đây lộ ra nhiều bất cập.

Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản:

Băn khoăn xã hội hóa

Có một thực tế không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương hiện nay đang thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về quản lý di sản. Để khắc phục, Cục Di sản cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức cho cán bộ và người dân địa phương trực tiếp trông nom di tích. Nhưng đáng tiếc những vụ việc xâm hại di tích xảy ra gần đây lại không phải do năng lực cán bộ yếu mà do họ cố tình phớt lờ, không thực thi các văn bản pháp luật về quản lý di tích, di sản.

Ở đó, quy trình xây dựng các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ di tích, di sản, đều tuân thủ luật xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đều lấy ý kiến của nhân dân, chuyên gia và bộ ngành liên quan, đảm bảo đúng các trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Thế nhưng gần đây, vi phạm trong lĩnh vực này đã hạn chế nhiều, chứng tỏ văn bản phát huy hiệu quả và phù hợp với đời sống thực tế. Gần đây nhất, trong hội nghị của UNESCO có đánh giá hệ thống văn bản thực thi văn bản pháp luật của Việt Nam trong việc xử lý các sai phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa là rất hiệu quả và phù hợp…

Cùng với đó, câu chuyện “xã hội hóa” trong thời gian qua cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm trong việc tu bổ các di tích. Không thể phủ nhận, xã hội hóa là chủ trương, mục tiêu của nhiều lĩnh vực. Mọi di sản văn hóa có được đến ngày nay cũng là nhờ dân, do dân mà có, vì thế để các di sản này tiếp tục “sống” thì công tác xã hội hóa vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, hiện tượng tu bổ theo phương thức xã hội hóa làm biến dạng di tích cũng đã được phát hiện và đưa ra bàn thảo từ nhiều năm nay. Để hạn chế việc này, Luật Di sản ra đời và được sửa đổi 2 lần, cùng đó là nhiều nghị định, thông tư được ban hành để hướng dẫn cụ thể, chi tiết các bước tu bổ, tôn tạo di tích. Nếu các nguồn vốn xã hội dành cho tu bổ, tôn tạo di tích thực hiện đúng theo các quy định này thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa hiện tượng biến dạng di tích.

Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VHTT Hà Nội:

Ngổn ngang bất cập

Không thể phủ nhận, trong thời gian qua công tác tu bổ di tích tích tại Hà Nội đang gặp những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết. Cụ thể, việc nhận thức về di sản văn hóa và việc bảo vệ di sản văn hóa vẫn chưa thực sự sâu sắc trong cộng đồng dân cư. Thậm chí trong cả một số tổ chức, cá nhân được giao trông coi bảo vệ di tích nên vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm, xâm hại di tích chưa được phát hiện kịp thời hay ngăn chặn. Bên cạnh đó, hệ thống di tích có số lượng lớn, nhiều di tích xuống cấp, nguồn kinh phí cho tu bổ di tích thấp so với nhu cầu thực tiễn nên hiện nay còn nhiều di tích đã xếp hạng bị xuống cấp nhưng chưa có kinh phí tu bổ, sửa chữa.

Cá biệt, có nơi di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ nhưng quận, huyện, thị xã chưa bố trí được ngân sách để tu bổ. Cùng với đó là nguồn nhân lực quản lý di tích các cấp còn mỏng, thiếu kinh nghiệm, còn chưa xứng với yêu cầu thực tiễn. Thực tế hiện nay, ở đơn vị cán bộ tham gia quản lý di tích chỉ có 1 người và vừa phải kiêm nhiệm các lĩnh vực, công việc khác của phòng, thậm chí, là còn kiêm nhiệm quản lý di tích. Do vậy, vẫn còn tình trạng chưa nắm bắt kịp thời các hoạt động tại di tích và chưa chủ động đề ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.

Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia và công nhân kỹ thuật có trình độ và tay nghề cao còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của việc bảo tồn di tích nên vẫn còn tình trạng vi phạm, kém chất lượng trong tu bổ… Đặc biệt, có một bất cập đã kéo dài nhiều năm là thời gian thực hiện các thủ tục thỏa thuận, thẩm định, phê duyệt việc tu bổ các di tích phải qua nhiều bước, kéo dài, nhiều điểm còn chồng chéo giữa quy định của pháp luật di sản với pháp luật về xây dựng gây khó khăn cho công tác tu bổ, tôn tạo và huy động các nguồn lực để tu bổ.

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Phải dựa vào dân

Có thể nói, di sản không phải “nhất thành bất biến” mà có những bổ sung nhất định qua từng thời kỳ. Nhưng cái nào có thể thay thế được là không hề đơn giản phải thận trọng. Tôi cho rằng cần giữ cái gì nguyên gốc. Giữ gìn di sản là đến từ nhân dân bởi vì đó là đời sống của họ. Từ đó phải dựa vào dân, không dựa vào dân thì không giữ gìn di sản được.

Kinh nghiệm thời tôi còn làm Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, khi đó ngân sách hạn chế trùng tu di tích phải từ từ không được nhanh như bây giờ. Nhưng chúng tôi tranh thủ được nhân dân, tranh thủ được chuyên gia nên mới hạn chế xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Trước tình trạng thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ, vì vậy chúng ta cần tìm giải pháp để giảm thiểu đến mức ít nhất những sự cố.

Minh Sơn (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/bat-benh-sai-pham-trung-tu-di-tich-tintuc413711