'Bắt bệnh' nguyên nhân xảy ra hàng loạt vụ gian lận thi cử gây chấn động thời gian qua

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa công bố Báo cáo kết quả khảo sát về kì thi THPT quốc gia năm 2018 do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh ký. Báo cáo chỉ rõ những hạn chế của kỳ thi, nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ việc gian lận thi cử gây bức xúc dư luận.

Cơ quan chức năng đọc lệnh khởi tố bị can đối với đối tượng có sai phạm quy chế thi trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La.

Giao địa phương tự tổ chức chấm thi là chưa phù hợp!

Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ rõ, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chủ động xây dựng các quy chế, ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn và chuẩn bị các phần mềm phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, kết quả giám sát của Ủy ban cho thấy, trong công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thi, Bộ GDĐT còn một số hạn chế.

Thứ nhất, trách nhiệm của Bộ GDĐT, dù đã có quy chế, tuy nhiên trong công tác chỉ đạo, quản lý tổ chức thi chưa gắn kết mật thiết với chính quyền của địa phương; nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát ở từng khâu của các quy trình tổ chức thi và chấm thi.

Thứ hai, Sở GDĐT tại một số địa phương đã không bám sát quy chế, trong tham mưu và tổ chức thi, chưa chủ động xây dựng hoặc đề xuất giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu cực, gian lận trong thi cử, có Sở vi phạm vào quy chế quản lý, tổ chức thi, chấm thi.

Thứ ba, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thanh tra cắm chốt chưa nhận thức, thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của mình, thậm chí vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.

Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, sự phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành công an tại một số địa phương chưa đạt yêu cầu, để xảy ra tình trạng tiêu cực, thông đồng giữa các cán bộ coi chấm thi, vi phạm nghiêm trọng quy chế thi.

Nhiều cán bộ trong ngành giáo dục đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Ảnh: Công an tỉnh Sơn La

Công tác chỉ đạo của một số Hội đồng thi chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thi tại các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…

Quy trình tổ chức thi được đánh giá là chặt chẽ, nhưng việc giao cho các Sở GDĐT tự tổ chức chấm thi chỉ phù hợp với yêu cầu công nhận kết quả tốt nghiệp THPT, không phù hợp với việc tuyển sinh CĐ, ĐH.

Đây chính là kẽ hở để phát sinh tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng tại các địa phương, ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của các trường đại học.

Cần làm rõ trách nhiệm từng cá nhân!

Việc để xảy ra hàng loạt vụ gian lận thi cử trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước thực tế này, cơ quan giám sát về giáo dục của Quốc hội kiến nghị, đề xuất một số nội dung sau:

Trước tiên, đề nghị Bộ GDĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các cấp có liên quan rà soát, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan đến sai phạm tại một số địa phương. Cần sớm có kết quả về sai phạm, cách xử lý mọi cá nhân, tổ chức liên quan. Việc này sẽ giúp lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Ngoài ra, cần nghiêm túc xem xét lại vai trò, trách nhiệm của Bộ GDĐT và chính quyền địa phương trong các khâu coi thi và chấm thi. Trách nhiệm của lãnh đạo một số Hội đồng thi; cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ trong việc phối hợp tổ chức thi tại địa phương...

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cần xác định rõ cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý với chính quyền địa phương; phân cấp cụ thể và trách nhiệm của từng bên liên quan trong bảo đảm an toàn đối với kỳ thi THPT quốc gia.

Tăng cường kiểm tra, giám sát đến từng khâu của kỳ thi, có đánh giá, nhìn nhận chuẩn mực, kịp thời phát hiện để không xảy ra sai sót trong các kỳ thi tiếp theo.

Bích Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/bat-benh-nguyen-nhan-xay-ra-hang-loat-vu-gian-lan-thi-cu-gay-chan-dong-thoi-gian-qua-638467.ldo