'Bắt bệnh' chạy chức, chạy quyền (Bài 2): Lạm quyền, độc quyền trong bổ nhiệm cán bộ

Về nguyên tắc, công tác cán bộ phải do tập thể lãnh đạo. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, người đứng đầu tập thể lãnh đạo thường áp đặt ý chí chủ quan của cá nhân mình và lấy tập thể, cấp ủy làm bình phong nhằm bổ nhiệm những người có cùng phe cánh, lợi ích, từ đó tạo nên sự lạm quyền, lộng quyền trong bổ nhiệm cán bộ.

Phải chặn việc thương mại hóa chức quyền (Hình minh họa).

Nể nang, xuôi chiều, mũ ni che tai

Theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Văn Giang (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), quyền lực trong công tác cán bộ nằm ở hai chủ thể: quyền lực của cơ quan quản lý cán bộ và quyền lực của người cán bộ có thẩm quyền trong công tác cán bộ. Công tác cán bộ là của tập thể lãnh đạo, cá nhân - kể cả người đứng đầu cấp ủy đảng - không có quyền quyết định, nhưng thực tế thì không hẳn lúc nào, ở đâu cũng tuân thủ đúng nguyên tắc này.

Trong khi đó, cơ quan chuyên trách kiểm soát quyền lực nói chung, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nói riêng chưa đủ mạnh, cũng tạo ra những sơ hở, bất cập cho kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu.

Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, người đứng đầu có vai trò rất quan trọng vì có khả năng hiệu triệu và được cấp dưới nể nang. Do vậy, trong công tác bổ nhiệm, dù nhiều người biết trường hợp đó chưa đúng hoặc còn thiếu nhiều tiêu chuẩn, nhưng vì cả nể người đứng đầu mà họ không dám nói.

Dù cấp dưới không dám nói nhưng tại sao lại bị cơ quan chức năng phát hiện? “Là vì sau khi sự việc xong rồi, nội bộ họ mới xào xáo, mới đồn đoán. Nói vậy thôi, khi anh làm không đúng thì mặc dù nội bộ do nể nang và sợ anh nên không dám nói trước mặt anh nhưng họ có thể nói sau lưng anh, thậm chí họ cung cấp thông tin đó cho báo chí. Câu chuyện này nói lên rằng, trong công tác quản lý cán bộ và sự lãnh đạo giữa trên với dưới chưa có sự thống nhất là do có một sự nể nang quá đáng đối với người đứng đầu” - ông Hòa cho biết.

Lấy ví dụ về việc lợi dụng vai trò của người đứng đầu để bổ nhiệm nhân sự không đạt tiêu chuẩn, ông Phạm Văn Hòa nói rõ hơn về thực trạng này: nhiều người biết ông A, bà B không đủ tiêu chuẩn, nhưng nói ra lại sợ mất lòng thủ trưởng, sợ thủ trưởng nghĩ rằng “À, cậu đó đang chống đối mình, bất hợp tác với mình”, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi chính trị của họ nên họ đành im lặng.

Có hai nguyên nhân khiến họ ngại nói ra, thứ nhất là ngại thủ trưởng, thứ hai là ngại làm mất lòng những nhân sự được đề bạt. Vì sợ mất lòng và cả nể với nhau nên dẫn đến trong thời gian qua, người đứng đầu có cơ hội lộng quyền, hợp lý hóa ý đồ cá nhân về công tác cán bộ để tuyển dụng, đánh giá, nhận xét, quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, khen thưởng,… thiếu công tâm, khách quan, không bảo đảm quy trình, thủ tục.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Khóa XI, XII nhận xét: Một trong những nguyên nhân khiến dư luận bức xúc đối với công tác bổ nhiệm cán bộ là do một số lãnh đạo - đặc biệt là người đứng đầu - không thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Họ đã cất nhắc, đề bạt, luân chuyển theo quan điểm cá nhân, vì mục đích trục lợi, không đúng đối tượng, không đủ tiêu chuẩn và uy tín của cán bộ đối với quần chúng chưa cao; họ áp đặt theo ý chí của mình và lấy tập thể, cấp ủy làm bình phong...

Tôi thấy vấn đề này đã thể hiện ý đồ cá nhân thiếu gương mẫu của người đứng đầu mà dư luận đã đúc kết thành câu nói - và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đề cập - “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, cuối cùng mới đến trí tuệ”. Điều đó nói lên hiện tượng xã hội có những bất minh, có những vấn đề rất đáng quan tâm, thậm chí để lại những hậu quả rất nghiêm trọng.

Từ những bất cập đó, ông Cuông “đề nghị các cơ quan xây dựng pháp luật cần phải nhìn nhận để bịt chặt các kẽ hở, nhằm ngăn chặn những người đứng đầu không gương mẫu lợi dụng sơ hở trong văn bản pháp luật để bổ nhiệm người nhà, người thân lên vị trí cao hơn”.

Chặn “thương mại hóa” chức quyền

Thông thường, nếu muốn được lãnh đạo ưu ái và cất nhắc vào các vị trí cao hơn, những nhân sự “trong tầm ngắm” cũng phải “biết điều” bằng cách “lại quả” cho người đỡ đầu mình một khoản vật chất có giá trị tương xứng với vị trí mà họ được cất nhắc, đề bạt. Có lẽ thế mà lâu nay, trong dư luận vẫn cứ râm ran về việc tồn tại một “thị trường” mua - bán chức vụ, hàm cấp.

Người dân cũng không ngại công khai trao đổi với nhau, thậm chí còn có nhiều đơn thư tố cáo lên cơ quan chức năng về tình trạng “chạy” một suất biên chế hoặc “đấu thầu” để giữ ghế mất bao nhiêu tiền? Vấn đề này từ lâu không chỉ là chuyện đồn thổi, bàn tán nơi quán nước, vỉa hè nữa mà đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh đã nêu một thực tế buộc nhiều người có trách nhiệm phải suy ngẫm: “Khi sắp xếp bộ máy, nội bộ nhiều chuyện lắm. Bây giờ mới làm đề án thôi đã tính đề xuất nọ, kia...

Ở dưới đã có hiện tượng người ta “chạy” rồi, người ta cũng trao đổi, làm chuyện nọ chuyện kia; rồi người này người kia điện thoại, đủ hết cả”. Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng thừa nhận về tình trạng này: “Đang trong đề án đã “chạy” và “chạy” ngay chính sách, người ta muốn làm chính sách là để giữ lại vị trí này, bỏ vị trí kia...”.

Ngay từ nhiều năm trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng việc chạy chức, chạy quyền, chạy bằng khen, chạy thi đua, chạy chế độ, chạy luân chuyển đã diễn ra khá phổ biến, không chỉ trong ngành tổ chức cán bộ, mà ở cả đào tạo, giáo dục. “Cứ thấy bao nhiêu tỷ vào chức này, chức kia nghe mà xót cả ruột...” - Tổng Bí thư nói và cho biết: người ta nói giờ “chạy” cũng tinh vi lắm, không ai thừa nhận mình “chạy”, mà dưới dạng đi thăm, đi chúc Tết, ngày lễ, gửi quà cũng rất khéo. Người nhận rồi thì “há miệng mắc quai”, tay đã “nhúng chàm”, mai kia xét phải nể. Người không được vào quy hoạch thì là vì không đến thăm ai có phải không?

Câu chuyện trên làm chúng ta nhớ đến khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII, người đứng đầu Đảng ta cũng đã yêu cầu phải khắc phục cho được tình trạng “chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu” trong công tác cán bộ. Nhưng, để ngăn chặn được cơ bản tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải một giải pháp tổng thể, quyết tâm cao, thực hiện trong thời gian dài chứ không thể “ngày một, ngày hai”.

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Công tác kiểm tra, giám sát chưa đến nơi đến chốn

Theo tôi biết thì TƯ đã có những văn bản chỉ đạo rất nghiêm túc về công tác cán bộ, nhất là công tác bổ nhiệm cán bộ phải thực hiện đúng quy định hơn. Ví dụ bây giờ bổ nhiệm anh A, anh B là phải lấy ý kiến của quần chúng, nếu là đoàn viên công đoàn thì phải lấy ý kiến của công đoàn, là đảng viên thì phải lấy ý kiến của chi bộ, chi ủy; đồng thời phải kê khai tài sản và nếu chức vụ đó là quản lý nhà nước thì phải thông qua lớp quản lý nhà nước, phải có trình độ chính trị ít nhất từ Trung cấp trở lên.

Đó là những quy định trong quy trình bổ nhiệm cán bộ bắt buộc phải có. Tuy nhiên, trong thời gian qua theo tôi biết, một số nơi viện lý do rằng công tác bồi dưỡng, đào tạo của mình chậm, trong khi họ lại muốn bổ nhiệm nhanh nên đã tiến hành bổ nhiệm trước, cho đi học sau.

Ngoài ra, với số lượng 63 tỉnh, thành và bộ, ngành TƯ rất là nhiều nên vấn đề kiểm tra, giám sát chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình, quy định trong thời gian qua.

Vân Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/bat-benh-chay-chuc-chay-quyen-bai-2-lam-quyen-doc-quyen-trong-bo-nhiem-can-bo-414308.html