Bất an với cơ sở mầm non, mẫu giáo bít kín giữa TP.HCM

Nhiều trường mầm non, mẫu giáo tư thục tại TP.HCM sử dụng các nhà ống, nhà phố nhỏ hẹp, rất nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ.

Trường mầm non, nhóm trẻ tư thục là nhà phố, nhà ống, rất nguy hiểm cho trẻ nếu xảy ra cháy, nổ - Ảnh: Trác Rin

Theo quy định, các trường mầm non, mẫu giáo phải tuân thủ chặt chẽ về phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. Thế nhưng nhiều trường mầm non, mẫu giáo tư thục tại TP.HCM sử dụng các nhà ống, nhà phố nhỏ hẹp, rất nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ.

Nhà phố, nhà ống trở thành trường mầm non

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, lớp mẫu giáo H.Y trên đường An Dương Vương (P.10, Q.6) là căn nhà phố 1 trệt, 2 lầu, phía trước có cửa sắt đóng kín. Cửa này cũng là cửa ra vào duy nhất của lớp mẫu giáo này. Phía sau và hai bên là nhà dân, không có bất cứ cửa thoát hiểm nào. Trên lầu 2, lớp mẫu giáo này tận dụng phơi đồ kín hết ban công. Các bé sinh hoạt, học tập tại tầng trệt và lầu 1.

Tương tự, lớp mẫu giáo H.A (đường Phạm Thế Hiển, P.6, Q.8) cũng là nhà ống 1 trệt, 1 lầu. Cơ sở này cũng chỉ có một cửa ra vào, không có lối thoát hiểm. Ngoài cửa vào còn dựng thêm hàng rào bằng gỗ cao khoảng 1 m để ngăn các bé chạy ra đường. Đối diện lớp mẫu giáo H.A là lớp mẫu giáo H.H.D, với bảng hiệu quá lớn nên bịt kín gần hết ban công tầng 1 căn nhà. “Đây là lớp học kiêm nhà ở. Buổi trưa nắng nóng nên họ đóng cửa kín mít hết”, một người dân sống cạnh lớp học này cho hay. Theo quan sát của PV, quanh các lớp học này, hệ thống dây điện chằng chịt, trông rất bất an.

Trường mầm non B.M (đường Phạm Thế Hiển, P.3, Q.8) được xây dựng chẳng khác gì căn nhà ở thông thường. Khu vực ban công của trường được rào chắn kỹ lưỡng bằng lưới kim loại. Lối thoát hiểm duy nhất cũng chính là cửa ra vào.

Trường mẫu giáo T.C (xã Phong Phú, H.Bình Chánh) cũng chỉ có một cửa ra vào, nhà xây kín cổng, không có lối thoát hiểm nào khác.

Tại Q.9, Q.Thủ Đức, nhiều trường mầm non cũng thuê mặt bằng là nhà phố. Lớp mẫu giáo T.T ở đường Nam Hòa (P.Phước Long A, Q.9) là căn nhà cấp 4, cửa ra vào duy nhất làm bằng gỗ cao gần 2 m, không có lối thoát hiểm. Chị Nguyễn Thị Thanh, sống gần trường, nói: “Vào giờ sinh hoạt thì hầu như trường đóng kín cửa, mọi hoạt động của các cháu bé đều diễn ra trong nhà cấp 4”. Trường mầm non B.T trên đường số 2 (Q.Thủ Đức) gồm 1 tầng trệt, 4 tầng, xung quanh là nhà dân, không có cầu thang thoát hiểm bên ngoài.

Trường mầm non, nhóm trẻ tư thục là nhà phố, nhà ống, rất nguy hiểm cho trẻ nếu xảy ra cháy, nổ - Ảnh: Trác Rin

PCCC kiểu đối phó

Công tác PCCC tại các trường mầm non tư thục hiện nay chủ yếu là để đối phó. Còn việc làm đúng, đủ như yêu cầu PCCC đề ra thì đảm bảo trên 90% các trường đều sai

Nguyễn Thị Hiếu, chủ một trường mầm non tại Q.9 trước đây

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM, các trường học nói chung và trường mầm non nói riêng đều có những quy định về PCCC rất chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. Nhưng hiện nay đa phần các trường mầm non tư thục đều thuê nhà dân để làm trường, công tác PCCC, thoát nạn chưa được quan tâm, vi phạm về PCCC. Giáo viên của các trường mầm non ít khi được tập huấn, trang bị kiến thức về PCCC. Vì vậy, công tác PCCC tại chỗ của các trường mầm non còn hạn chế và rất nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ.

Về kiểm tra, xử phạt, thượng tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết trường mẫu giáo, mầm non tư thục, trường công đều nằm trong diện kiểm tra PCCC mỗi năm 1 lần. Hiện nay phân cấp kiểm tra các trường hợp này thuộc về đội cảnh sát PCCC quận/huyện. “Việc các trường mầm non tư thục thuê nhà ống, nhà phố làm nơi học tập, sinh hoạt cho các bé mà không đảm bảo an toàn PCCC là rất nguy hiểm”, ông Tâm nói.

Trong khi đó, một chủ tịch phường ở Q.Thủ Đức cho biết, về PCCC phường chỉ kiểm tra được trường mầm non đó có bình chữa cháy hay không, khu vực nấu ăn có đảm bảo PCCC. Còn các việc như quy định về lối thoát hiểm, an toàn sử dụng gas, kỹ năng PCCC của giáo viên thì phường không có nghiệp vụ. “Việc kiểm tra PCCC tại các trường mầm non đều giao cho phường là không ổn. Vì phường không có chuyên môn về PCCC nên sẽ không hiểu, cũng như đưa ra những cảnh báo cho các trường một cách tốt nhất. Việc PCCC tại các trường mầm non đang có sự chồng chéo không rõ ràng nên công tác kiểm tra của cảnh sát PCCC đang bỏ ngỏ”, vị này nói.

Trường mầm non, nhóm trẻ tư thục là nhà phố, nhà ống, rất nguy hiểm cho trẻ nếu xảy ra cháy, nổ - Ảnh: Trác Rin

Bà Nguyễn Thị Hiếu (từng là chủ một trường mầm non tại Q.9) nói rõ hơn, các quy định liên quan đến PCCC tại trường mầm non rất nghiêm trong công tác cấp phép, kiểm tra để đảm bảo an toàn. Quy định là vậy nhưng việc thực hiện lại rất khác nhau. Tại các trường mầm non tư thục hiện nay chủ yếu sắm các bình chữa cháy để phục vụ việc kiểm tra của địa phương. Còn các quy định về lối thoát hiểm, an toàn sử dụng điện, vách ngăn cháy… đều bỏ qua. “Theo tôi nhận thấy, công tác PCCC tại các trường mầm non tư thục hiện nay chủ yếu là để đối phó. Còn việc làm đúng, đủ như yêu cầu PCCC đề ra thì đảm bảo trên 90% các trường đều sai” bà Hiếu nói.

Phụ huynh biết nguy hiểm nhưng đành chấp nhận

Chị Nguyễn Thị Hoa (nhà Q.Thủ Đức) cho biết con chị đang học lớp mầm non tư thục, phí 2,5 triệu đồng/tháng. Trường này là nhà cấp 4 được chủ trường thuê rồi cải tạo lại. Việc nấu nướng cũng gần nơi học của các bé. “Tôi biết gửi con vô đó là không đảm bảo nhưng đành chấp nhận, vì kiếm trường có không gian rộng rãi, đảm bảo an toàn PCCC thì không có giá 2,5 triệu đồng/tháng”, chị Hoa chia sẻ.

Chị Thành (ngụ Q.9) cũng trăn trở: “Mình làm công nhân lương thấp, muốn cho con học trường tốt thì không đủ tiền. Vì vậy, dù biết gửi vô những lớp mẫu giáo, nhóm trẻ tư nhân trong các nhà phố, nhà ống thì rất nguy hiểm nhưng đành chấp nhận và trông chờ vào may rủi!”.

Quy định về an toàn PCCC trong trường mầm non

Để được phép hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non, theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, ngoài việc đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn, thì các trường, các nhóm trẻ mầm non phải đảm bảo an toàn cho học sinh như an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn về điều kiện PCCC…

Trước khi cấp phép, phòng giáo dục sẽ phối hợp với các phòng ban chuyên môn của từng lĩnh vực để kiểm tra theo đúng yêu cầu của từng lĩnh vực. Với điều kiện về PCCC, bên quản lý lĩnh vực này ở cấp quận, huyện sẽ kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện hay chưa và hướng dẫn thực hiện sao cho đúng. Hằng năm, theo định kỳ cảnh sát PCCC cũng kiểm tra các điều kiện này ở trường mầm non và đưa ra các yêu cầu cụ thể để các trường thực hiện bổ sung nếu cần.

Theo quy định, các lớp mẫu giáo, trường mầm non có quy mô nuôi dạy dưới 50 bé chỉ được phép xây nhà 1 tầng, kết cấu bê tông cốt thép, bậc chịu lửa của công trình bậc 4, bậc 5 (khoảng 15 phút); quy mô 150 bé được xây cao 2 tầng; 350 cháu được xây tối đa 3 tầng, kết cấu chịu lửa của công trình là bậc 1, 2, 3 (từ 15 - 30 phút).

Đối với các trường mầm non đặt tại nhà riêng lẻ hoặc trong các tòa nhà dưới 5 tầng không phải xin giấy phép về PCCC nhưng vẫn thuộc diện quản lý về PCCC theo quy định tại Phụ lục 1 Nghị định 79/2014/NĐ-CP. Theo đó, trường mầm non phải đảm bảo có đầy đủ các thiết bị về PCCC, các tiêu lệnh, nội quy hướng dẫn phục vụ cho công tác PCCC của trường.

Bích Thanh

Công Nguyên - Trác Rin

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/bat-an-voi-co-so-mam-non-mau-giao-bit-kin-giua-tphcm-1088704.html