Bắt 9 người trong vụ sập cầu làm 137 người thiệt mạng ở Ấn Độ

9 người đã bị bắt hôm 31/10 do được cho có liên quan đến vụ sập một cây cầu treo dành cho người đi bộ ở miền Tây Ấn Độ, khiến ít nhất 137 người thiệt mạng.

Hiện trường vụ việc vào chiều 31/10/2022. Ảnh: AFP

Hiện trường vụ việc vào chiều 31/10/2022. Ảnh: AFP

Cây cầu ở TP Morbi đã sập vào tối ngày 30/10, sau vài ngày được mở cửa trở lại sau cải tạo, khiến hàng trăm người ngã xuống sông và một số đu bám vào đống đổ nát, kêu cứu trong bóng tối.

9 người - tất cả đều liên quan đến một công ty bảo trì cây cầu 150 tuổi - đang bị điều tra về tội giết người, theo cảnh sát cấp cao Ashok Kumar Yadav cho biết trong một tuyên bố. Các báo cáo điều tra nêu tên công ty chịu trách nhiệm là một đơn vị thuộc Tập đoàn Oreva, có trụ sở tại Gujarat, tự mô tả mình là nhà sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới, đồng thời cũng sản xuất các sản phẩm chiếu sáng và xe đạp điện tử.

Một đoạn phim CCTV cho thấy cây cầu đã rung lắc trước khi bị sập, và một số người được cho dường như đã cố tình lắc lư nó. Đám đông tại khu vực này đã ăn mừng ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ Diwali.

"Tất cả chúng tôi đang đứng trên cầu cùng nhau thì nó rung chuyển dữ dội và đột ngột rơi xuống. Tôi nghe thấy tiếng la hét và một tiếng động mạnh và sau đó là im lặng. Sau đó, từ từ là tiếng khóc và la hét" - Madhvi Ben, 30 tuổi, người sống sót sau vụ việc nói với AFP.

Cảnh sát trưởng địa phương P Dekavadiya cho biết, tính đến chiều ngày 31/10, số người chết vì thảm họa ở bang Gujarat - quê hương của Thủ tướng Narendra Modi - đã tăng lên 137 người, bao gồm khoảng 50 trẻ em. Một nghị sĩ địa phương, Kalyanji Kundariya, nói với báo giới rằng ông đã mất 12 thành viên gia đình trong vụ tai nạn, trong đó có 5 trẻ em.

"Các nhà chức trách hoàn toàn chịu trách nhiệm về thảm kịch. Họ cho phép hàng trăm người tập trung trên cầu khi nó chỉ chứa được một số lượng nhỏ" - một chủ doanh nghiệp dệt, Puneet Pitroda, nói với AFP khi có mặt tại lò hỏa táng người thân ở Morbi hôm 31/10 - "Chúng tôi sẽ không bao giờ quên đêm định mệnh đó".

Các nhà chức trách Ấn Độ đã phát động một chiến dịch cứu hộ ngay sau vụ sập cầu, huy động các thuyền và thợ lặn tìm kiếm trên sông suốt đêm và cả ngày sau đó.

Cây cầu dài 233m và chỉ rộng 1,5m, được khánh thành vào năm 1880 bởi chính quyền thuộc địa Anh, được làm bằng vật liệu vận chuyển từ Anh. Sở du lịch Gujarat mô tả "cây cầu treo vĩ đại" là một "kỳ quan nghệ thuật và công nghệ".

Sandeepsinh Jhala, Thị trưởng TP Morbi, cho biết cây cầu đã không được cấp giấy chứng nhận an toàn sau khi đóng cửa trong nhiều tháng để sửa chữa.

Đáng nói, tai nạn do cơ sở hạ tầng cũ và được bảo trì kém, bao gồm cả các cây cầu, xảy ra phổ biến ở Ấn Độ. Năm 2016, vụ sập cầu vượt trên một con phố đông đúc ở Kolkata đã khiến ít nhất 26 người thiệt mạng. Trước đó 5 năm, ít nhất 32 người cũng đã thiệt mạng khi một cây cầu chật chội bị sập ở khu nghỉ mát trên đồi Darjeeling.

Nam Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bat-9-nguoi-trong-vu-sap-cau-lam-137-nguoi-thiet-mang-o-an-do.html