Bật 4 'công tắc' cho năng lượng tái tạo

Chính sách đủ mạnh, đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ vốn và đào tạo nguồn nhân lực chính là 4 'công tắc' giúp năng lượng tái tạo 'phát sáng'. Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Cường – Nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng Việt Nam.

Thưa ông, ông có thể cho biết hành lang pháp lý cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

Trước hết phải khẳng định Việt Nam có rất nhiều nguồn năng lượng tái tạo để khai thác như: năng lượng mặt trời; gió; năng lượng sinh khối từ các phụ phẩm, phế phẩm sau quá trình chế biến thực phẩm; tài nguyên từ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp; địa nhiệt, thủy điện nhỏ, điện thủy triều… Hiện nay, các nhà đầu tư đang tập trung trước vào các nguồn dễ khai thác như mặt trời, gió, sinh khối.

Liên quan đến hành lang pháp lý, về cơ bản, hiện Chính phủ đã ban hành đầy đủ khung chính sách để hỗ trợ.Trong đó, nổi bật là điện mặt trời. Sau Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, từ đó đến nay, với cơ chế giá bán trong 20 năm là 9,35 cent, cộng với tiềm năng sẵn có, cùng với chi phí đầu tư ngày càng giảm nên đang bùng nổ dự án điện mặt trời ở Việt Nam. Với diễn biến hiện nay, mục tiêu đến năm 2020, khả năng sẽ vượt mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Đức Cường – Nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng Việt Nam

Về điện gió, ngày 10/9 vừa qua, Chính phủ đã ra Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37 /2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Theo đó, Quyết định 39 quy định, đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 8,5 cent/kWh). Đối với các dự án điện gió trên biển, mức giá ở ngưỡng 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 cent/kWh).

Mức giá này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Đây cũng là một cú huých cho các nhà đầu tư tham gia vào ngành điện gió tại Việt Nam.

Tiềm năng là vậy song ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn còn nhiều “nút thắt”. Ông nhận định như thế nào về thực tế này?

Ngành năng lượng tái tạo Việt Nam đang gặp khó khăn trong 4 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, về chính sách và thể chế, mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách nhưng chưa đủ mạnh. Ví dụ về điện gió, Quyết định 37 đã ban hành từ năm 2011 nhưng đến nay mới chỉ có 6 dự án với công suất 200MW. Hay như về quy hoạch, các quy hoạch đôi khi chồng chéo nhau. Nhiều khi chủ đầu tư muốn triển khai một dự án thì phải xin bổ sung quy hoạch điện ở cấp tỉnh hoặc quốc gia.

Thứ hai, về môi trường đầu tư, về thủ tục, trình tự, đối với dự án năng lượng tái tạo như điện sinh khối, thường có quy mô và công suất nhỏ, lại nằm ở vùng nông thôn nhưng các bước thủ tục đầu tư lại không khác gì các dự án nhiệt điện than công suất trên 1.000 MW, đôi khi còn khó khăn hơn như về thủ tục đấu nối. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét cải tiến quy trình, tạo thuận lợi hơn, minh bạch hơn cho nhà đầu tư.

Thứ ba, về tài chính, Việt Nam có nhiều dự án sinh khối ở nông thôn như sản xuất năng lượng từ rơm rạ, trấu, phế thải từ thu hoạch, chế biến nông sản… Hiện nay nước ta đang xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn viên ép sinh khối sang các quốc gia khác để làm nhiên liệu đốt. Điện sinh khối còn có nhiều giá trị gia tăng khác.

Song nếu giá điện sinh khối khoảng 7,5 cent như hiện nay thì rất khó thúc đẩy các dự án điện sinh khối ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Làm điện sinh khối ở Việt Nam còn rất khó khăn. Trong khi đó, tại Thái Lan, quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam, họ đã sản xuất được 3.000 -4.000 MW điện sinh khối.

Với mức giá 7,5 cent, khi nhà đầu tư mang hồ sơ dự án đến ngân hàng thì hầu như không có ngân hàng nào tha thiết cho vay. Bởi lẽ, ngân hàng sẽ hỏi sau 20 năm vòng đời dự án sẽ ra sao, chủ đầu tư không trả lời được. Bởi vậy, nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ không thể phát huy được tiềm năng lợi thế có sẵn.

“Công tắc” cuối cùng là gì thưa ông?

Đó là về nhận thức và nguồn nhân lực. Hiện nay, ở Việt Nam đã xuất hiện các trường đại học giảng dạy về năng lượng tái tạo tuy nhiên dung lượng và thời lượng còn hạn chế. Tất nhiên các trường sẽ phải xem quy mô thị trường mới mở rộng đào tạo vì nguồn lực và kinh nghiệm còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nhận thức về lợi ích của năng lượng tái tạo từ trung ương đến địa phương và DN còn hạn chế.

Thời gian tới, để đảm bảo an ninh năng lượng thông qua đa dạng hóa nguồn cung và giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 21), Việt Nam phải sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Bởi vậy, Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ, tập trung tháo gỡ 4 nhóm vấn đề trên, từ đó tạo lực đẩy cho ngành năng lượng tái tạo phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Công Duy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bat-4-cong-tac-cho-nang-luong-tai-tao-112432.html