Barca B - đội bóng đầu tiên của Pep Guardiola

Chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi làm HLV, Pep đã bước vào hàng ngũ những người giỏi nhất. Giai đoạn ở giải hạng Tư Tây Ban Nha chính là bước đệm quan trọng nhất cho ông.

Trong cuốn sách "Pep Guardiola - một cách khác để chiến thắng" của tác giả Guillem Balague, HLV trưởng Man City hiện ra như một kẻ tỉ mẩn, hoạch định rõ ràng kế hoạch theo đuổi nghiệp HLV.

Zing giới thiệu chương nói về năm đầu tiên trở thành HLV chuyên nghiệp của Pep Guardiola.

 Pep Guardiola thời còn làm HLV đội Barca B. Ảnh: Sports.

Pep Guardiola thời còn làm HLV đội Barca B. Ảnh: Sports.

Khi Odyssey trở về nhà

Từ một ngôi làng nhỏ ở Santpedor, bóng đá đã đưa Pep đi khắp thế giới. Chuyến hành trình của Odyssey bóng đá trải dài từ Camp Nou đến Wembley, rẽ qua Italy, Trung Đông rồi có lúc tạt sang Mexico hay Argentina.

Pep đã thấy, đã học, đã lắng nghe và thậm chí đã chơi nhiều thứ bóng đá kém chất lượng. Nhưng cái gì cũng có giá của nó.

Vào mùa hè 2007, Pep cảm thấy đã đến lúc ông bắt tay vào sự nghiệp HLV một cách nghiêm túc. Ông chính thức được bổ nhiệm vào vị trí HLV trưởng Barca B vào ngày 21/6/2007.

Manel, một người bạn thân của Pep tin rằng chọn Barca B là một quyết định quá mạo hiểm. Sau một mùa giải tồi tệ, đội bóng này rớt xuống giải hạng Tư của bóng đá Tây Ban Nha.

Thông thường, vai trò dẫn dắt ở đội hình phụ của Barca không được truyền thông chú ý, và BLĐ đội bóng thường chọn những giải pháp an toàn. Nhưng trong đầu Joan Laporta, Chủ tịch đương nhiệm và Txiki Begiristain, Giám đốc bóng đá của Barca khi ấy, ấp ủ một kế hoạch khác.

Begiristain tin rằng Pep có thể đảm nhiệm một vị trí mang tính vĩ mô hơn làm HLV đơn thuần. Begiristain muốn Pep giữ vai trò giám đốc kỹ thuật cho các đội trẻ Barca. Ở Pep, Begiristain nhìn thấy một người sở hữu các ý tưởng, một chiến lược gia hoàn hảo cho sự phát triển bóng đá tổng thể của Barca.

Nếu nhận lời Begiristain, Pep sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra một thế hệ cầu thủ, HLV mới cho La Masia, thậm chí có thể thay thế chính ông. Begiristain thực tế đã muốn rời Barca từ mùa hè năm 2006, nhưng khi nhìn thấy sự trở lại của Pep, ông đã hoãn kế hoạch ấy và trở thành kiến trúc sư tạo ra một trong những giai đoạn vĩ đại nhất lịch sử đội bóng xứ Catalonia.

Tầm nhìn và sợi dây liên kết giữa Begiristain và Pep đã được tiếp nối nhiều năm sau, để tạo ra những gì chúng ta đang được chứng kiến tại Man City.

Laporta nghĩ khác Begiristain đôi chút. Ông nhìn thấy một HLV hoàn hảo cho tương lai. Gần một năm sau ngày Pep nhận lời dẫn dắt Barca B, Laporta đến gặp HLV này ở bệnh viện. Đó là lúc Valentina, con gái thứ ba của Pep chào đời vào ngày 6/5/2008.

“Nghe này, nếu là một gã đàn ông, cậu phải trở thành HLV trưởng Barca”, Laporta nói với Pep trong bệnh viện. Với vỏn vẹn một mùa dẫn dắt ở giải hạng Tư Tây Ban Nha, Pep đã thuyết phục được Laporta đưa ra quyết định táo bạo bậc nhất lịch sử CLB.

Pep Guardiola kế thừa hoản hảo triết lý của Johan Cruyff. Ảnh: Sky Sports

Những cây cầu của Pep

Laporta đã nhìn thấy ở Pep một tư duy bóng đá phù hợp với Barca, vượt trội so với những HLV hay cựu cầu thủ khác đương thời. Không ai hợp với Barca hơn Pep, người đã giúp Barca xây lại những cây cầu với Johan Cruyff sau quãng thời gian đóng băng.

Trong nhiều năm trước khi Pep trở lại, bản sắc của Barca đã là một thứ gì đó không rõ ràng trên sân bóng. Louis van Gaal, người kế nhiệm Cruyff, đã loại bỏ nhiều cầu thủ trưởng thành từ lò La Masia cũng như đạp đổ không ít di sản mà “thánh Johan" để lại.

Cruyff không thể hiểu nổi tại sao Pep, đội trưởng của đội bóng khi đó, lại để Van Gaal làm thế mà không có bất cứ phản biện nào. Hai người từng là thầy trò thân thiết tại Camp Nou, trước khi Cruyff ra đi trong cay đắng.

Khi Cruyff đề nghị Pep tiến cử một cầu thủ từ đội trẻ lên đội một, Pep bảo mình không muốn can thiệp vào công việc của ban huấn luyện. Cruyff đã phật ý.

Nhưng mọi chuyện rồi cũng qua đi, với sự chủ động làm lành của vị HLV trẻ tuổi. “Không có Cruyff, sẽ không có tôi ngày hôm nay”, Pep nói khi cùng con trai và vợ của Cruyff ra mắt cuốn sách về cuộc đời “thánh Johan" vào năm 2016.

Cruyff thấy ở vị HLV trẻ tuổi khát khao và những ý tưởng duy trì thứ bóng đá đặc trưng của Barca mà ông từng theo đuổi. “Con đường Barca” của Cruyff sẽ có cơ hội rực rỡ trở lại với Pep.

Những nhân vật xuất chúng của bóng đá dường như có khả năng nhìn thấy trước được tương lai.

Pep được kỳ vọng rất nhiều khi được giao dẫn dắt Barca.

Đội bóng đầu tiên của Pep

Pep Guardiola thường bị chê rằng chỉ có thể thành công nhờ những cầu thủ giỏi nhất thế giới. Tuy nhiên, chiến tích ở giải hạng Tư trong năm đầu tiên bắt đầu nghiệp HLV của Pep không nên bị xem nhẹ.

“Khi Pep đến tôi đã có hai năm chơi ở đội trẻ và kế hoạch của tôi là ra đi”, Marc Valiente, đội trưởng Barca B nhớ lại. “Nhưng sau khi nói chuyện với Pep, tôi đã ở lại”. Cuộc nói chuyện đầu tiên với Pep đã khơi sự tự ái trong Valiente, vì ngay cả một đội trẻ Barca cũng không thể rớt tới hạng Tư được.

Và không nhiều cựu danh thủ nổi tiếng sẽ chọn làm việc ở một giải đấu có trình độ chênh lệch như Tercera Division khi đó. Gerrard bắt đầu ở giải VĐQG Scotland, Lampard bắt đầu ở giải hạng Nhất Anh, còn Xavi thì chọn Al-Sadd, CLB hùng mạnh nhất Qatar.

Tuy nhiên, các cầu thủ và giới chuyên môn nhanh chóng bị thuyết phục bởi sự tỉ mẩn của Pep. Trước khi mùa giải mới bắt đầu, HLV này tự mình đi trinh sát đối thủ, ở một trận đấu chỉ có 400-500 người theo dõi. Thậm chí, vài trận còn chẳng có ai xem.

Khi Barca bắt đầu mùa giải của mình cùng Pep, hơn 2.000 người đã đến xem trận đầu tiên. Ngoài vợ và 2 đứa con nhỏ, Carles Busquets, cha của tiền vệ Sergio Busquets, cũng đến. Laporta và Begiristain cũng xuất hiện trên khán đài.

Trận đấu đầu tiên giữa Premia và Barca kết thúc với tỷ số hòa 0-0. Nhưng HLV trưởng Premia, Quim Ayats thì tỏ ra kinh ngạc trước sự hiểu biết của Pep về đội nhà: “Ngay từ khi trận đấu bắt đầu, tôi đã cảm nhận được rằng Pep biết mọi thứ về chúng tôi”.

Pep bị ám ảnh với các chi tiết và sự hoàn hảo, điều sau này ai cũng biết. Tuy nhiên, đẩy adrenaline của các cầu thủ 16, 17, hay 18 tuổi, đang chơi ở một giải đấu hạng Tư lên mức cao nhất như Pep đã làm là điều không phải ai cũng làm được.

Barca thắng 7 trong 10 trận sau khi hòa Premia 0-0 ở ngày khai mạc, ghi tới 21 bàn. Nhưng Pep vẫn không hài lòng. Cruyff thì khác, ông xem vài trận của Barca B và cảm thấy hài lòng. Cựu danh thủ người Hà Lan trở lại gặp gỡ Pep thường xuyên hơn, và truyền đạt những kinh nghiệm làm HLV cho học trò.

“Pep muốn mọi thứ nhanh hơn, nhanh hơn nữa. Mỗi buổi tập, ông ấy đòi hỏi sự hoàn hảo”, Dimas Delgado nhớ lại. Các cầu thủ bị phạt vì tập trễ, vì bị đuổi khỏi sân, vì chơi đêm quá 23 giờ hay thậm chí bị phạt khi Pep cảm thấy họ không tập luyện đủ chăm chỉ.

Delgado là một trong những cầu thủ trưởng thành hiếm hoi của đội hình đó. Chiếm đa số là những người trẻ, như Sergio Busquets và Pedro Rodriguez. Hai cầu thủ này đã chơi thứ bóng đá tiêu chuẩn của Pep, trên những mặt sân tồi tàn, đối đầu với những gã đàn ông 29 hay 30 tuổi, sẵn sàng đá chết bỏ để chiến thắng.

Khi mùa giải kết thúc, Barca B thăng hạng với thành tích bất bại trên sân nhà, thắng 19 trong tổng số 21 trận ở sân Mini Estadi. Màn trình diễn của Pep ở giải hạng Tư nhanh chóng tạo ra cơn sốt.

Ramon Caldere, một bại tướng của Barca B tuyên bố “Pep là một trong những HLV hay nhất Tây Ban Nha”. Enrique Pimpinela, chuyên gia tuyển trạch lão làng, khẳng định “thằng nhóc này nên là HLV trưởng Barca”.

Và điều gì đến đã phải đến. Laporta ban đầu khá lịch sự, nhưng khi Pep có phần e dè vì sợ trách nhiệm to lớn sau khi Frank Rijkaard ra đi, tay luật sư này đã nói thẳng: “Nếu là một gã đàn ông, cậu phải trở thành HLV trưởng Barca”.

Bàn thắng đẹp nhất sự nghiệp của Pep Guardiola Pep Guardiola từng là tiền vệ xuất sắc trong màu áo Barcelona. Ông ghi bàn thắng đẹp mắt từ cú sút xa vào lưới Atletico Madrid ở mùa giải 1994/95.

Hồng An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/barca-b-doi-bong-dau-tien-cua-pep-guardiola-post1096040.html