Bấp bênh khai thác xa bờ

Hơn một tháng nay, nhiều phương tiện khai thác thủy sản xa bờ tại Cà Mau rơi vào hoàn cảnh khó khăn do nguồn lợi thủy sản tại các ngư trường bị cạn kiệt, lượng hải sản đánh bắt được không nhiều.

Từ đó, khiến cho những chuyến biển dài của ngư dân liên tiếp trắng tay vì thua lỗ.

Kiên trì bám trụ

Thời điểm này tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) có rất nhiều phương tiện cập bến bán hải sản cho các vựa cá tại địa phương. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày vươn khơi bám biển, số lượng thủy sản mà các phương tiện bán được là rất ít, không đủ chi phí cho chuyến đi. Trung bình mỗi phương tiện bán cho các vựa cá chưa đến 10 triệu đồng.

Nghề biển nhiều nhọc nhằn và lắm gian nan

Nét mặt buồn rười rượi, được thể hiện qua cách trò chuyện với bạn tàu, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi thăm về tình cảnh chuyến biển, anh Nguyễn Trần Phi Long 45 tuổi, ngư dân đi bạn cho một phương tiện tại địa phương, vẫn nhiệt tình: “Chuyến này, tôi ra biển gần 11 ngày mới vào, do tàu lỗ vốn nên chủ phương tiện không chia được đồng nào, tôi còn nợ 2 triệu đã mượn của chủ tàu trước đó. Không biết, lấy gì trang trải cho cuộc sống gia đình trong những ngày tới”.

Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều ngư dân đi bạn khác tại địa phương, chứ không riêng gì anh Long. Để hiểu thêm về tình hình chuyến biển, chúng tôi có tìm gặp anh Huỳnh Chí Công, 46 tuổi, chủ một tàu cá tại xã Tân Ân khi anh vừa bán cá xong. Anh thông tin: “Nghề biển bấp bênh lắm, lúc ăn nên làm ra, lúc thua lỗ đến cùng cực. Ra biển gần nữa tháng trời, hao tốn không biết bao nhiêu nhiên liệu, công sức, tiền của... mà rồi, chẳng có được chuyến biển ra hồn. Đi một chuyến dài, đến khi vào bờ, bán không được 10 triệu, thì thử hỏi ngư dân chúng tôi thất vọng đến cỡ nào”.

Sau một hồi trò chuyện, anh Công mời chúng tôi về nhà tại ấp Ô Rô, xã Tân Ân (Ngọc Hiển) để tiện cho việc trao đổi thông tin. Trong căn nhà cấp 4, tuềnh toàng, trước mắt chúng tôi, là hình ảnh người đàn ông đờ đẫn vì thiếu ngủ lâu ngày, nhưng vẫn lịch sự, tiếp khách chu đáo. Anh Công cẩn thận pha trà mời khách.

“Đi biển vào mùa này khổ lắm, có được gì đâu. Chuyến trước đi 10 ngày vào được hơn 4 triệu. Trong khi đó, chi phí xăng dầu, nước đá, nhu yếu phẩm… phục vụ cho chuyến đi là hơn 15 triệu đồng. Và rồi, chuyến này cũng chẳng khả quan hơn. Toàn lỗ, mình còn không trang trải được chi phí cho chuyến đi, thì lấy đâu ra tiền chia cho bạn tàu. Nhưng đó là quy định chung, nên anh em cũng thấu hiểu mà thông cảm”, anh Công thất vọng.

Người uể oải, mỏi mệt sau chuyến biển dài, anh Lý Chí Nguyện 41 tuổi, chủ một tàu cá tại địa phương, bộc bạch: “Hiện nay đang bước vào mùa vụ đánh bắt, nhưng do thời tiết bất lợi, thường xuyên xảy ra mưa dông. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thua lỗ của ngư dân địa phương. Chuyến này tôi ra biển 12 ngày, nhưng chẳng đánh bắt được gì, chỉ toàn những loài cá tạp, không có giá trị kinh tế. Nhiều khi cũng nản, định bỏ nghề, nhưng bỏ nghề thì biết làm gì bây giờ”.

Theo lời anh Nguyện, năm nào cũng vậy, tầm khoảng tháng 6 – 7 là tình hình đánh bắt trở nên khó khăn, thường xuyên thua lỗ, mất mùa. Dẫu biết là vậy, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nên nhiều ngư dân tại đây vẫn kiên trì bám trụ, với mong muốn có được những chuyến đi bội thu.

Vá lưới sau mỗi chuyến biển dài

Khi nghe chúng tôi đề cập, biết là thất mùa, tại sao chúng ta không tránh mà vẫn kiên quyết ra biển, anh Nguyện tâm tình: “Không đi biển, ở nhà lấy gì trang trải cho cuộc sống, rồi chuyện cơm áo, chi phí cho con cái học hành… toàn những thứ phải lo. Gì thì gì, biển vẫn là nơi để ngư dân chúng tôi bám víu”.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng NN – PTNT huyện Ngọc Hiển chia sẻ: “Hiện địa phương đang quản lý khoảng hơn 140 phương tiện trên 90CV. Số phương tiện này chủ yếu đánh bắt, khai thác tại vùng biển khơi nên thông thường có những chuyến đi dài, chi phí cho mỗi chuyến đi thường rất cao”.

Theo nhận định của ông Hoàng, trúng mùa, thất mùa đối với các phương tiện đánh bắt thì đó là chuyện bình thường. “Thông thường khi bước vào mùa mưa bão thì hầu hết các chuyến biển của ngư dân mang lại lợi nhuận không cao, có khi là thua lỗ. Vì vậy, mùa này, thời tiết thất thường nên chúng khuyến cáo bà con nên tìm hiểu kỹ yếu tố thời tiết trước khi ra biển, tránh tình trạng công cốc”, ông Hoàng khuyến cáo.

Hỗ trợ đóng tàu 67

Có thể nói, để có phương tiện đạt chuẩn, phục vụ cho việc vươn khơi đánh bắt xa bờ thì đòi hỏi ngư dân phải đầu tư nguồn kinh phí lớn. Bên cạnh đó, chi phí phục vụ cho mỗi chuyến biển cũng nhiều, tiêu tốn thời gian dài, đôi khi lợi nhuận lại không cao. Thậm chí, còn phải thua lỗ. Đó là điều tất yếu, thực tế, những trường hợp nói trên là minh chứng điển hình cho tình thua lỗ của ngư dân trong thời gian gần đây.

Nhiều phương tiện phải neo đậu vì biển động vào mùa mưa

“Đó là quy luật rồi, ai cũng muốn đầu tư, phát triển. Muốn bắt cá lớn, có giá trị thì phải mạnh tay đầu tư để vươn ra ngư trường lớn, ở xa. Công bằng mà nói, đối với việc thua lỗ của ngư dân còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như, thời tiết, giông bão, rủi ro, tai nạn… đánh bắt biển thì phải có lúc này, lúc khác, chứ không theo ý mình được”, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau nhận định.

Ông Triều cho rằng, vươn khơi, đánh bắt xa bờ có rất nhiều lợi ích. Trước tiên, là đảm bảo được NLTS vùng biển ven bờ. Có thể nói, đây là vùng “bãi đẻ”, là nền tảng cung cấp nguồn lợi thủy sản cho vùng khơi. Đánh bắt xa bờ là việc nên làm, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia, đúng theo định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước.

“Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích ngư dân đầu tư tàu lớn để đánh bắt xa bờ, nhằm mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Cụ thể là, hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67. Và những tàu này bước đầu đã khẳng định được vai trò, hiệu quả hoạt động và đảm bảo lợi nhuận về kinh tế”, ông Triều nói.

Hiện tỉnh Cà Mau đã có 30 phương tiện được đóng Nghị định 67, đã đi vào hoạt động được 29 phương tiện, 1 phương tiện đang trong giai đoạn hoàn thành. Nhìn chung, những phương tiện này mang lại hiệu quả khá cao, đáp ứng được sự kỳ vọng của Nhà nước.

TRẦN DUY - ĐÀO CHÁNH - TRỌNG LINH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bap-benh-khai-thac-xa-bo-post223309.html