Bấp bênh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga

Hiếm khi có một hội nghị thượng đỉnh nào giữa Mỹ và Nga, vốn rất cần thiết, nhưng lại bị làm suy yếu một cách ngoạn mục bởi thời gian và hoàn cảnh như hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Đồng thời, cũng chưa bao giờ có một chương nào trong lịch sử lâu dài của cuộc chiến giữa các siêu cường quốc cũng như trong lịch sử các cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh lạnh lại phù hợp với bản chất siêu thực của cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin như lần này.

Những cuộc đàm phán được mong đợi

Các cuộc đàm phán của họ sẽ diễn ra giữa khung cảnh huy hoàng với phong cách tân cổ điển của Dinh Tổng thống ở Helsinki, trong một đoạn kết đầy kịch tính của một chuyến công du mà Tổng thống Mỹ “làm khó” các đồng minh và tiếp tục giận dữ về cuộc điều tra của Nga, cũng đúng vào thời điểm chỉ vài ngày sau khi Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 12 điệp viên tình báo quân sự Nga về vấn đề can thiệp vào bầu cử.

Có nhiều lý do cho việc cả hai Tổng thống đều nói những “lời có cánh” về các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng, bao gồm cuộc chiến ở Syria, Bắc Triều Tiên, các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và tình trạng tuyệt vọng của mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân với khả năng quét sạch nhân loại.

Dù vậy, sự cởi mở ngoại giao xứng đáng sẽ xua đi những bấp bênh trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga bất thường nhất trong lịch sử. Rốt cuộc, ông Trump sẽ ngồi xuống với người bị buộc tội đã chỉ đạo một cuộc vận động can thiệp bầu cử táo bạo để đưa chính ông vào chiếc ghế Tổng thống, chỉ vài ngày sau khi bản cáo trạng chống lại tình báo Nga của Bộ Tư pháp Mỹ được đưa ra. Thậm chí, không một ai biết rõ liệu ông Trump sẽ “gây hấn” cho ông Putin như thế nào về cuộc tấn công táo bạo như vậy đối với chủ quyền và dân chủ của Mỹ.

Vào đêm trước của các cuộc đàm phán, ông Trump đã đưa ra một dấu hiệu nhỏ rằng ông đang sắp xếp để đạt được các kết quả lớn lao. “Chuyến đi này, tôi đặt ra những kỳ vọng rất thấp. Tôi nghĩ rằng việc hợp tác với Nga là rất tốt, nhưng có khả năng là chúng tôi sẽ không làm như vậy” - ông Trump phát biểu với hãng CBS News trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Đối đầu hay nhượng bộ?

Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi đảng Dân chủ và một số thành viên đảng Cộng hòa đưa ra câu hỏi tại sao hội nghị thượng đỉnh vẫn tiếp tục, nhất là khi chính quyền Mỹ không đưa ra được một ý nghĩa rõ ràng nào về chương trình nghị sự và khả năng giao ước của một người mà ông Trump đã khao khát trong nhiều tháng. Một số ý kiến ở Washington lo ngại rằng Tổng thống Mỹ có thể sẽ chấp nhận những nhượng bộ lớn trước ông Putin.

Việc ông Trump khăng khăng gặp gỡ trực tiếp với ông Putin mà không có các trợ lý cấp cao khiến nhiều người càng tập trung chú ý vào mối quan hệ kỳ quặc của ông và ông Putin. Một điểm gây tò mò nữa là sự “đồng điệu” của ông Trump với quan điểm của ông Putin về nhiều vấn đề như Crưm, sự thống nhất của Liên minh phương Tây, cuộc điều tra cố vấn đặc biệt và các vấn đề dân chủ như tự do báo chí và các tổ chức quốc tế.

Với bầu không khí bất ổn này, có lẽ sẽ không có Tổng thống Mỹ nào gặp gỡ Putin trong thời điểm này. Chính vì vậy, quyết định của ông Trump dù sao cũng khiến các quan chức Mỹ lúng túng. Không nghi ngờ gì nữa, hội nghị thượng đỉnh này đang được thúc đẩy chỉ đơn giản bởi vì cả hai Tổng thống Nga và Mỹ đều muốn nó. Tổng thống Mỹ thường có ứng xử khá thoải mái trước những nguyên thủ quốc gia như ông Putin, Kim Jong-un hay Tập Cận Bình, mà không bị cản trở bởi các tổ chức quốc tế, đồng minh hay chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ.

Về phía Putin, ông có thể sử dụng hội nghị thượng đỉnh này như một bằng chứng cho thấy rằng ông đã khôi phục vị trí của Nga như một thế lực mạnh mẽ, sau khi sự sỉ nhục khi Liên Xô tan rã. Trong tuần này, Putin sẽ “tận hưởng” những tin tốt mà ông hằng mong chờ như việc Tổng thống Mỹ ban hành mục tiêu cốt lõi của chính sách đối ngoại, sự rạn nứt sâu sắc giữa Mỹ và các đồng minh NATO, việc Mỹ xúc phạm các đồng minh như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May, hay sự phân cực ngày càng sâu sắc hơn trong chính trường Mỹ về nhiều vấn đề quan trọng.

Dù sao đi nữa thì Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga cũng có đôi chút giống một cuộc gặp gỡ riêng tư. Phần còn lại của thế giới có thể không bao giờ biết nội dung thật của cuộc gặp gỡ giữa hai vị nguyên thủ này.

Song Kiều (TH)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/bap-benh-hoi-nghi-thuong-dinh-my-nga-3940203-b.html