Bấp bênh cùng rong mơ

VH- Không còn là chính vụ của mùa rong mơ nhưng sáng sáng trên nhiều bãi biển của thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa vẫn tấp nập cảnh thuyền thúng chở đầy ắp rong mơ vào bờ.

Rong mơ được khai thác, đưa lên phơi khô trước khi xuất bán cho thương lái Trung Quốc

Theo ngư dân, mùa rong mơ chỉ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Lúc chính vụ (khoảng tháng 6, 7 dương lịch) rong mơ sẽ tự đứt gốc nổi lên mặt nước, ngư dân chỉ vớt đưa lên thuyền. Lúc chính vụ, mỗi ngư dân có thể vớt được từ 1 đến 7 tạ rong mơ một đêm tùy sức khỏe từng người. Sau khi vào bờ rong mơ được đưa lên xe tải chở đến các bãi phơi. Theo các ngư dân, nghề vớt rong mơ đã có từ lâu nhưng khoảng 10 năm trở lại đây mới thật sự mang lại thu nhập. “Hồi trước đến mùa chỉ có ai đặt hàng mới đi vớt, sau đó họ thu mua nhiều hơn để xuất sang Nhật Bản hay Singapore. Kể từ đó nghề vớt rong mơ mới được nhiều người theo làm”, chị Bùi Sen ở xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa cho biết.

Theo kinh nghiệm của các ngư dân, muốn vớt được nhiều rong ngư dân phải đi từ 1 giờ sáng, sau khoảng 1 đến 2 tiếng đi thuyền mới đến bãi. “Vớt ban đêm có lợi thế là trời mát mẻ, không mất sức và gió biển nhẹ nên sóng ít”, ngư dân tên Hoàng bật mí. Nhiều người đến mùa rong mơ được chủ vựa cho ứng tiền, sau đó bán rong khô để khấu trừ. “Biết là giá thấp nhưng nghề là vậy, phải chấp nhận. Họ không mua nữa mình cũng phải chịu”, ngư dân Nguyễn Dũng chia sẻ.

Rong mơ vớt lên, phơi khô rồi mới nhập cho các chủ vựa. Phải từ 6, 7 kg rong mơ tươi mới được một kg rong khô. “Rong có chất lượng tốt nhất khi đạt chiều dài khoảng 2m, cây rong tự đứt gốc nổi lên mặt nước. Thân rong lúc này sẽ mang nhiều chất dinh dưỡng nhất”, TS Bùi Minh Lý, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang thông tin. “Năm nay được mùa rong mơ, nhưng giá lại hạ gần một nửa, trừ chi phí không còn là bao, chỉ lấy công làm lời”, ngư dân Trần Bốn thở dài và cho biết hiện một kg rong khô có giá 5.000 đồng, còn rong tươi chỉ 600 đồng.

Theo tìm hiểu, hiện tất cả rong mơ thu hoạch trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đều được thương lái Trung Quốc thu mua tận nơi hoặc thuê người Việt đứng ra gom hàng. “Mình làm theo thời vụ, hồi trước còn có thương lái mua xuất qua Nhật Bản nhưng nay hết rồi, một phần vì họ đòi chất lượng rong rất cao, lúc thu hoạch và phơi khô phải đảm bảo vệ sinh. Giờ thì thương lái Trung Quốc mua không phân biệt rong dài hay ngắn, giá cả cũng do họ tự quyết định luôn”, bà Luyến, chủ một vựa thu mua rong mơ ở thị xã Ninh Hòa cho biết. Nhiều lão ngư chia sẻ, hồi trước rong mơ khô chỉ để pha nước uống, còn cây non thì dùng nấu canh ăn. “Giờ khai thác được bao nhiêu họ cũng thu mua hết, mình cũng không biết họ mua để làm gì. Mình vì cuộc sống mưu sinh nên ồ ạt vớt rong, số lượng bãi rong cứ ít dần, phải đi xa hơn so với nhiều năm về trước”, lão ngư Nguyễn Nghiệp ở thị xã Ninh Hòa nói.

Theo UBND thị xã Ninh Hòa, khai thác rong mơ là một nghề mang lại thu nhập cho ngư dân khi không đi đánh bắt cá. Còn việc thương lái Trung Quốc đến thu mua trên địa bàn là có. “Giá cả họ tự quyết định, mình cũng không can thiệp được. Chính quyền cũng có cái khó vì khi đi kiểm tra họ nói đi du lịch. Toàn bộ các xe chở rong mơ khô đều xuất qua biên giới, không tiêu thụ nội địa”, lãnh đạo thị xã Ninh Hòa thông tin và cho biết sẽ tuyên truyền cho ngư dân về việc không khai thác rong mơ theo kiểu tận diệt, vừa bảo vệ hệ sinh thái biển, vừa đảm bảo nguồn lợi lâu dài từ loại cây này.

LÊ XUÂN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/bap-benh-cung-rong-mo