BaoViet Bank: Chi phí dự phòng ăn mòn lợi nhuận

Trong khi nhiều ngân hàng báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2018, thì tại một vài ngân hàng nhỏ, kết quả không mấy khả quan.

Phương án tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng của BaoViet Bank vẫn nằm trên giấy. Ảnh: Nhã Chi

Báo cáo tài chính mới nhất của Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank), nhà băng non trẻ nhất trong giới ngân hàng cho thấy, chi phí dự phòng tăng mạnh đã ăn mòn phần lớn lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2018, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ năm 2017.

Hiệu quả kinh doanh thấp

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2018 của BaoViet Bank, thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm giảm 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt 267 tỷ đồng. Tuy nhiên, các mảng kinh doanh khác của BaoViet Bank đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, lãi thuần từ dịch vụ tăng hơn gấp đôi (từ 13,6 tỷ đồng lên 28,1 tỷ đồng); lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng tăng 56%, đạt 14 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng tới 849,6%, đạt 264 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BaoViet Bank đạt 313,3 tỷ đồng, tăng 32% so với 6 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 61%, từ 180 tỷ đồng lên 288,9 tỷ đồng, đã làm cho lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2018 của BaoViet Bank sụt giảm 56%, đạt 24,4 tỷ đồng. Tương ứng với thu nhập trên một cổ phần (EPS) ở mức “khiêm tốn” 58 đồng.

Hoạt động kinh doanh của BaoViet Bank trong 3 năm gần đây nhất (2015 - 2017) cho thấy sự tăng trưởng nhưng vẫn ở mức thấp, với lãi sau thuế và EPS năm 2017 đạt lần lượt 118 tỷ đồng và 356 đồng (năm 2016 lãi 93 tỷ đồng, EPS 279 đồng).

Kinh doanh kém hiệu quả cũng là thực trạng chung của nhiều ngân hàng có vốn điều lệ “mỏng” quanh mức pháp định 3.000 tỷ đồng hiện nay. Nguyên nhân cơ bản là do nguồn lực hạn hẹp gây khó khăn trong việc mua sắm công nghệ, tài sản cố định, mở rộng mạng lưới và đẩy chi phí vốn cao hơn các ngân hàng lớn. Trên thực tế, nhiều ngân hàng nhỏ đã và đang thực hiện tăng vốn để cải thiện năng lực như VietABank, NamABank, SaigonBank...

Được biết, BaoViet Bank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng vào ngày 20/6/2014. Tuy nhiên, phương án tăng vốn của ngân hàng này vẫn đang nằm trên giấy. Chưa bàn đến những câu chuyện khác, có lẽ hiệu quả kinh doanh thấp trong nhiều năm qua là rào cản đối với các nhà đầu tư mới muốn đổ tiền vào BaoViet Bank.

Sống nhờ Tập đoàn Bảo Việt

BaoViet Bank được thành lập vào ngày 11/12/2008 sau khi "lách" qua khe cửa hẹp về cấp phép thành lập ngân hàng lúc bấy giờ, trở thành ngân hàng cuối cùng được cấp phép. Các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Bảo Việt (52%), Vinamilk (8%) và Tập đoàn Công nghệ CMC (9,9%).

Đầu năm 2010, Tập đoàn Công nghệ CMC đã thoái hết vốn khỏi BaoViet Bank, với lý do lợi nhuận từ cổ tức không được như mong đợi.

Trong năm 2014, Tập đoàn Bảo Việt đã thoái 2,5% vốn để giảm tỷ lệ sở hữu tại BaoViet Bank xuống còn 49,5%. Qua đó, đủ để ghi nhận nhà băng này là công ty liên kết, thay vì công ty con như trước đây.

Đã hơn 3 năm kể từ thời điểm đó, hoạt động của BaoViet Bank hiện vẫn phải dựa phần lớn vào Tập đoàn Bảo Việt. Cụ thể, báo cáo tài chính bán niên 2018 của Tập đoàn Bảo Việt cho thấy, số dư tiền gửi thanh toán, ký quỹ + tiền gửi có kỳ hạn và lãi dự thu + trái phiếu và lãi dự thu của tập đoàn này tại BaoVietBank đến cuối quý II/2018 là 9.507 tỷ đồng, tương đương gần 38% số dư huy động và chiếm hơn 1/5 tổng tài sản của BaoViet Bank. Trong suốt giai đoạn từ năm 2015 đến nay, con số này đã gia tăng nhanh chóng. Năm 2015 là 5.422 tỷ đồng, tăng mạnh lên 7.432 tỷ đồng cuối năm 2016 và tiếp tục tăng lên 10.351 tỷ đồng vào cuối năm 2017.

Thế Anh

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/baoviet-bank-chi-phi-du-phong-an-mon-loi-nhuan-78974.html