Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Ngày 15-12, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam'. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới dự và chỉ đạo Hội thảo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tiến Trung

Theo báo cáo tham luận tại hội thảo, thời gian qua, chính quyền và người dân các địa phương đã phát huy văn hóa dân gian trở thành một nguồn lực, động lực xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch. Văn hóa thực sự trở thành vốn phát triển trong cộng đồng. Các chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đã tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân.

Các chương trình, đề án, dự án như chương trình “Bảo tồn phát huy giá trị làng buôn truyền thống dân tộc thiểu số”, “Bảo tồn lễ hội truyền thống” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chương trình “Sưu tầm bảo tồn văn hóa phi vật thể của 54 dân tộc anh em” của Viện Văn hóa Nghệ thuật, dự án “Công bố tài sản văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam” của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, đề án “Sưu tầm dịch, xuất bản các sử thi các dân tộc thiểu số” của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam... đạt được những thành tựu tích cực. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số được bảo tồn, khôi phục và phát huy.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, việc triển khai các chương trình, đề án, dự án cũng như việc xây dựng, thực thi các chính sách về văn hóa ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn một số bất cập trong công tác bảo vệ và phát huy di sản có tính đặc thù như: Vấn đề “ngoài lề hóa”, vấn đề “sân khấu, làm mới và thương mại hóa di sản”, vấn đề “chính thống, Nhà nước hóa công tác bảo vệ di sản” cũng như những bất cập trong việc truyền dạy và công tác nghệ nhân.

Từ đó, các tác giả đã có khuyến nghị chỉnh sửa, bổ sung Luật Di sản văn hóa, tăng cường các thể chế về quản lý di sản văn hóa phi vật thể và phân tích thực trạng vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân gian. Trong đó, gợi mở về giải pháp xây dựng chính sách cho vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số. Đây là những báo cáo tâm huyết của các chuyên gia đã nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận những ý kiến trao đổi tại hội thảo, đặc biệt những đề xuất mới trong việc bảo tồn giá trị văn hóa dân gian, văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số. “Công tác giữ gìn văn hóa dân gian đặc thù có những khó khăn nhất định. Quan trọng là phải có tầm nhìn chiến lược, tỉ mỉ, kiên trì, phải làm gương và phải có sự vào cuộc mạnh mẽ giữa Nhà nước và cộng đồng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao tính thiết thực của hội thảo và khẳng định, đây là nội dung quan trọng triển khai Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Với tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và người làm công tác thực tiễn, các ý kiến đã phản ánh đúng thực trạng, đánh giá nguyên nhân, có những kiến nghị cụ thể để các cơ quan hữu quan nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy định, nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số.

Danh Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-gian-cua-cac-dan-toc-thieu-so-o-viet-nam/