Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân mua bán người hòa nhập cộng đồng

Thực hiện Quyết định số 1057/QĐ-LĐTBXH ngày 12-8-2016, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về phê duyệt Đề án 'Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán' giai đoạn 2016-2020, với vai trò chủ trì Tiểu đề án 2 'Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về', Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người với các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phòng, chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm mua bán người.

BĐBP Lạng Sơn tiếp nhận lao động bất hợp pháp do Trung Quốc trả. Ảnh: CTV

BĐBP Lạng Sơn tiếp nhận lao động bất hợp pháp do Trung Quốc trả. Ảnh: CTV

Dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo về những hệ quả của việc xuất nhập cảnh trái phép nhưng nhiều người dân vẫn cả tin, bị các đối tượng xấu lôi kéo, xuất cảnh trái phép. Điển hình như tại Lạng Sơn, mặc dù biết đây là việc làm vi phạm pháp luật và gặp nhiều rủi ro, tuy nhiên, vẫn còn một số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để làm thuê do tin vào các đối tượng “cò mồi”.

Theo thông tin từ Bộ Công an, trong tháng 10-2019, Công an huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn nhận được trình báo của một số gia đình về việc con, em họ sau khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê đã bị một số đối tượng người Việt Nam sinh sống tại Trung Quốc khống chế, bắt giữ sau đó gọi điện cho gia đình các nạn nhân để đòi tiền chuộc.

Qua đơn thư trình báo của người dân, Công an huyện Cao Lộc đã triển khai điều tra xác minh làm rõ sự việc. Đáng chú ý, nhóm đối tượng bắt cóc nhằm mục đích tống tiền lại chính là những người Việt Nam đang sinh sống tại Trung Quốc. Nạn nhân là những cô gái trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 30, đều xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.

Công an huyện Cao Lộc đã phối hợp cùng Đồn Biên phòng Ba Sơn, BĐBP Lạng Sơn và chính quyền địa phương xuống địa bàn để tuyên truyền đến người dân về những rủi ro, hậu quả đáng tiếc xảy ra khi xuất cảnh lao động trái phép.

Thủ đoạn của các đối tượng là tìm cách bắt cóc, sau đó gọi điện cho gia đình nạn nhân để tống tiền. Có trường hợp thông qua việc nắm bắt biết nạn nhân bị mất tích, mặc dù không biết nạn nhân hiện đang ở đâu nhưng do có số điện thoại của gia đình nạn nhân nên đã chủ động gọi điện yêu cầu chuyển cho chúng số tiền chuộc lớn. Một số gia đình nóng lòng, sợ hãi nên đã vội vã gửi tiền và bị chúng chiếm đoạt.

Điển hình, ngày 1-10-2019, ông Vy Văn Toán ở xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đến trình báo về việc con ông là Vy Thị Nhít cùng 1 người bạn khi đang ở Trung Quốc lao động làm thuê và bị 1 nhóm đối tượng bắt cóc. Các đối tượng sử dụng số điện thoại Trung Quốc gọi yêu cầu mỗi gia đình phải chuyển cho bọn chúng 20 triệu đồng. Nếu không làm theo, con ông sẽ bị đánh đập và bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc.

Trước đó, ngày 13-8-2019, tại khu vực đường mòn biên giới thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc tổ công tác của công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện xe ôtô khách BKS 12A- 034.70 chở 3 công dân chuẩn bị xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Tại cơ quan công an, những người này cho biết, đã nộp cho Nguyễn Xuân Nam, SN 1988, trú tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc số tiền từ 1-3 triệu đồng để được Nam giúp vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Tại Cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Xuân Nam khai nhận đã thu kinh phí và dẫn nhiều người sang Trung Quốc làm thuê qua các đường mòn, lối mở.

Vào ngày 29-7-2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Hằng, SN 1991, trú tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An tổ chức đưa 7 công dân chuẩn bị xuất cảnh sang biên giới qua đường mòn thuộc thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Hằng thu kinh phí tổ chức đưa dẫn, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc số tiền 3 triệu đến 5 triệu đồng/người, ai chưa có tiền sẽ trừ vào lương khi đi làm tại Trung Quốc. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Thị Hằng khai nhận, do thấy công việc ở bên Trung Quốc nhàn và lương cao nên đã tổ chức đưa dẫn nhiều người xuất cảnh sang Trung Quốc qua đường mòn.

Nạn nhân bị mua bán được bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: CTV

Một nạn nhân quê ở huyện Đô Lương, Nghệ An chia sẻ: Nghe lời các đối tượng môi giới sang Trung Quốc làm thuê việc nhẹ lương cao nên đã cùng các đối tượng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, khi đang di chuyển thì bị lực lượng Công an bắt giữ.

Đại tá Tạ Văn Khoa, Trưởng Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua tuyến biên giới của tỉnh, đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới. Tuy nhiên, do đường biên giới dài, có nhiều cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu phụ và hàng trăm đường mòn, lối mở nên nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép lại chủ yếu ở các tỉnh không nằm sát biên giới. Phần lớn họ là lao động phổ thông, cho nên việc xử lý vi phạm cũng là một thách thức, bởi nhiều người trong số họ không có đầy đủ giấy tờ tùy thân.

Cùng với các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, để hạn chế hoạt động xuất cảnh trái phép, BĐBP Lạng Sơn cũng đã chủ động phối hợp các lực lượng khác đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: phát tờ rơi tại các khu vực cửa khẩu, cắm biển cảnh báo tại các khu vực đường mòn, lối mở biên giới; phối hợp lực lượng chức năng nước bạn để trao trả, tiếp nhận các đối tượng xuất cảnh trái phép...

Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh (Công an tỉnh Lạng Sơn), từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã phối hợp với BĐBP tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 75 lượt, với gần 600 công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp, bị lực lượng chức năng bắt giữ, trao trả.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lạng Sơn đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương trong việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho các nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, y tế. Đồng thời, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia công tác hỗ trợ nạn nhân... đảm bảo các nạn nhân bị mua bán trở về đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng.

Quang Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bao-ve-va-ho-tro-nan-nhan-mua-ban-nguoi-hoa-nhap-cong-dong/